20/09/2019 12:43 GMT+7

Thiếu kho bãi, nhân lực, ngành logistics hàng không khó 'cất cánh'

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Thiếu hạ tầng sân bay, kho bãi và nguồn nhân lực chất lượng khiến ngành logistics hàng không Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.

Thiếu kho bãi, nhân lực, ngành logistics hàng không khó cất cánh  - Ảnh 1.

Các chuyên gia quốc tế thảo luận về cơ hội phát triển của ngành logistics hàng không trong thời gian tới - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Ngày 20-9, tại TP.HCM, Hiệp hội Logistics Việt Nam tổ chức hội nghị và triển lãm quốc tế "Air freight Logistics Vietnam - Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam" lần 4-2019. Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực logistics hàng không trong nước và quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng - Vụ vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng thế giới thay đổi nhanh, biến đổi linh hoạt, cạnh tranh cao đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho vận tải hàng không Việt Nam, trong đó có ngành logistics hàng không. Hiện nay nước ta có 15 loại hình vận tải, đường hàng không chiếm tỉ phần khoảng 1,06% thị phần. 

So với đường bộ, vận tải hàng không chiếm tỉ phần thấp. Tuy nhiên ngành hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh nên vẫn mang lại giá trị lớn. 

Dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hàng hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.

Còn ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết hiện vận tải hàng không chiếm giá trị quan trọng, chiếm 25% giá trị xuất khẩu. 

Logistics hàng không nước ta vẫn còn khó khăn và thách thức khi hiện tại Việt Nam chỉ có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có ga hàng hóa chuyên dụng. 

"Hiện nhân lực được đào tạo phục vụ trong lĩnh vực logistics hàng không vẫn còn khan hiếm, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đầy đủ. Vì thế dù Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng để logistics hàng không phát triển bài bản cần phải có chiến lược lâu dài", ông Trần Thanh Hải nhận định.

Tham gia hội thảo, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong giai đoạn cách mạng 4.0 và cơ hội tham gia chuỗi logistics toàn cầu. 

Ông Trần Tuấn Anh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL đánh giá thử thách lớn nhất là làm sao các doanh nghiệp Logistics nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị Logistics toàn cầu. 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ở lĩnh vực hàng không, Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng trở thành trung tâm hậu cần vận tải hàng không của Đông Nam Á. Vấn đề đặt ra hiện là làm thế nào để các đối tác quốc tế lớn chọn chúng ta chứ không phải các nước khác.

TP.HCM muốn trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ logistics TP.HCM muốn trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ logistics

TTO - Việc hoạch định chiến lược để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của thành phố, mà còn của cả khu vực, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025 là thách thức không nhỏ với TP.HCM.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên