Một cửa hàng xăng dầu nằm cặp tuyến quốc lộ 91, đoạn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ treo bảng hết xăng vào sáng 9-2 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dứt khoát không để thiếu xăng dầu. Các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân cần có kế hoạch nhập tăng từ 25-30% trở lên trong hệ thống của mình. Nếu như ở địa phương nào, cơ sở kinh doanh nào phản ánh, nguồn cung không đảm bảo thì dứt khoát sẽ bị xem xét xử lý
Bộ trưởng Bộ Công thương NGUYỄN HỒNG DIÊN
Địa phương nói khan hàng, không găm hàng
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay các đơn vị quản lý thị trường khi trực tiếp kiểm tra đều đo bồn trữ xăng tại các cửa hàng. Đến nay có 19 đơn vị tạm ngừng hoạt động và qua thực tế đo và kiểm tra thì việc đóng cửa là do hết xăng dầu và không còn nguồn để bán.
"Khi làm việc với các đơn vị cho thấy do nguồn cung, chiết khấu lỗ nên nhiều cửa hàng đưa ra các thủ đoạn như ăn giỗ, đám cưới, ốm đau... để không bán hàng. Chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, trường hợp nào găm hàng thì xử lý nghiêm", ông Hà nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay đến nay toàn TP chỉ ghi nhận 1 cây xăng ở quận Bình Tân thiếu hụt xăng, các loại dầu vẫn được bán đầy đủ. Tuy vậy, bà Thắng cũng cho rằng việc các doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh là do điều chỉnh giá chưa kịp thời, mức chiết khấu thấp, có khi ở mức 0 đồng nên gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, TP đề nghị quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra tình hình, tìm hiểu rõ các cửa hàng tạm ngưng nhưng vẫn chưa phát hiện hiện tượng găm hàng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cũng cho hay địa phương có 25 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán từ ngày 1 đến 5-2 với lý do nhân viên nghỉ Tết, nghi nhiễm COVID-19, hết hàng do đại lý nhập hàng, chiết khấu thấp, giá xăng thế giới tăng cao, giá trong nước thấp không điều chỉnh...
Qua kiểm tra chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Đến ngày 7-2 hầu hết cửa hàng hoạt động trở lại nhưng không có xăng nên giảm bớt thời gian bán.
Trong khi đó, dù thừa nhận một số địa phương phía Nam như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán với lý do thiếu nguồn cung, song ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá nên đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.
Bộ cũng đã có chỉ đạo kịp thời để điều phối nguồn hàng như đề nghị Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho Cần Thơ, yêu cầu Saigon Petro cung cấp hàng cho một số đơn vị để bổ sung nguồn ở Hậu Giang và Cần Thơ...
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra kho chứa xăng của các cửa hàng xăng dầu đóng cửa - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bộ nói tháng 2 đủ, lo từ tháng 3
Đến nay, ông Đông vẫn khẳng định cơ bản nguồn cung được đảm bảo. Bằng chứng là lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, chưa kể tồn kho của thương nhân phân phối và đại lý. Dự kiến lượng mua vào để cung ứng thị trường đến hết tháng 2-2022 là 1,55 triệu m3.
Do đó, với nhu cầu khoảng 1,8-3 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022. Tuy vậy, ông Đông cũng nhìn nhận nguồn cung từ tháng 3 có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng dầu, tuy nhiên mức độ không đồng đều. "Các đầu mối đều có mạng lưới đảm bảo được nguồn cung. Trong khi đó có một số thương nhân phân phối gặp khó khăn trong tiếp cận đầu vào. Về tổng thể cân đối đủ", ông Bảo thông tin.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng lưu ý trong thời gian trước mắt vẫn đủ, nhưng cần có giải pháp tổng thể vì đến tháng 5 tới chưa biết được tình hình sẽ như thế nào.
Từ góc độ thương nhân đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho rằng khan hiếm xăng dầu là hiện tượng mang tính cá biệt chứ không phải toàn quốc. Ông Năm cho rằng việc Nhà máy Nghi Sơn đang cung cấp hợp đồng cho các đơn vị cung ứng nhưng "tự dưng" dừng sản xuất dẫn đến giảm công suất cung cấp.
Ông Năm dẫn chứng là theo hợp đồng đã ký, Nghi Sơn chỉ cung ứng được 31% lượng dầu diezel và trong tháng 3 dự kiến thực hiện theo hợp đồng chỉ được 63% khiến Petrolimex phải chuyển hướng nhập khẩu, gặp nhiều khó khăn khi bị ép giá, đơn vị cung ứng nâng giá bán.
Ông Lê Mạnh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng khẳng định hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Dẫn chứng là tháng 1, cung cấp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng so với cam kết hợp đồng là 18%, cung cấp Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt 12%.
Theo đó, PVN cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất từ 105% lên mức tối đa là 108%, tương ứng tăng thêm nguồn cung trên thị trường là 30.000 m3/tháng; chỉ đạo PVOil nhập khẩu và dự kiến ngày 22-2 sẽ về 70.000 m3 xăng dầu.
Một cửa hàng xăng dầu nằm ven quốc lộ 91, đoạn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ giăng dây không bán xăng sáng 9-2 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Xử lý mạnh tay, rút giấy phép nếu phát hiện vi phạm
Trước các thông tin từ hai phía như trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt câu hỏi: nguồn cung được khẳng định là đáp ứng, vậy có hay không tình trạng găm hàng, các cơ quan quản lý đã vào cuộc xử lý nghiêm chưa? Các đơn vị thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đúng quy định và vai trò chưa?
Ông Diên cho rằng bên cạnh những tác động từ khách quan thì không thể phủ nhận việc có hiện tượng găm hàng để trục lợi cả ở thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối và cửa hàng bán lẻ. Hiện tượng thiếu hụt xăng dầu hiện đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nếu không kiểm soát, chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết hơn sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới.
Từ đó, ông Diên đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công thương về tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung ứng xăng dầu. Các đơn vị liên quan tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo, có kế hoạch nhập hàng để không thiếu hàng, niêm yết giá bán công khai.
Tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất với tần suất 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm, theo đúng quy định, thậm chí phạt kịch khung theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Theo đó kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép nếu có từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra mà không nhập khẩu xăng dầu.
Một cửa hàng xăng dầu nằm ven quốc lộ 91, đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đóng cửa trước 18h30 ngày 8-2 (sớm hơn quy định là 19h) - Ảnh: BỬU ĐẤU
Phải linh hoạt hơn với thị trường
Về cơ chế điều hành xăng dầu, ông Diên cho hay sẽ kiến nghị Chính phủ để có cơ chế điều hành xăng dầu phù hợp, linh hoạt hơn với thị trường, có thể với tần suất dày hơn để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Phải sớm phục hồi sản xuất của Nhà máy Nghi Sơn
Đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Diên yêu cầu PVN chỉ đạo tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năng suất cao nhất có thể. Tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của nhà máy này.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh nhà máy để đảm bảo nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không đảm bảo được thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.
Ông Trần Duy Đông thông tin từ ngày 13-3, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất, các thương nhân đầu mối cũng có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu ở TP.HCM
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-2, ông Đào Văn Hùng - phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) - cho biết dù hiện nguồn cung xăng dầu đang bất ổn, Petrolimex vẫn cam kết đảm bảo nguồn cung cho các cửa hàng nhượng quyền, hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo ông Hùng, Petrolimex đã có chương trình tạo nguồn cung, ngoài nhận hàng từ Nhà máy Nghi Sơn, Petrolimex cũng nhập khẩu để bù vào lượng xăng dầu thiếu hụt, hiện Petrolimex Sài Gòn tiếp nhận các nguồn hàng đó để điều phối lại cho các công ty tuyến sau ở TP.HCM và các tỉnh, nên đến nay nguồn hàng vẫn đáp ứng nhu cầu.
Lý giải thêm về việc thị trường khan nguồn cung, ông Hùng cho hay cơ cấu tạo nguồn cung xăng dầu trong nước khá ổn định, trong đó Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có công suất gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), do đó khi Nghi Sơn giảm sản lượng đã tác động ngay đến nguồn cung xăng dầu trong nước, gây ra hụt nguồn.
Trong khi đó, theo ông Hùng, việc mua xăng dầu từ nước ngoài theo hợp đồng kỳ hạn, không phải mua có ngay nên gây ra gián đoạn nguồn cung cục bộ. Ông Hùng dự đoán trong thời gian tới, khi Nhà máy Nghi Sơn tái hoạt động ổn định, việc cung ứng xăng dầu trong nước sẽ trở lại bình thường, việc khan hiếm xăng dầu sẽ hạ nhiệt.
Theo ông Hùng, tại một số tỉnh có tình trạng các cửa hàng xăng dầu (ngoài Petrolimex) đóng cửa ngoài vấn đề nguồn hàng còn liên quan đến mức chiết khấu giảm, thậm chí âm. Tuy nhiên, với các cửa hàng của Petrolimex, ông Hùng cho hay phía tập đoàn vẫn thực hiện cam kết với các hệ thống nhượng quyền, đảm bảo chiết khấu để họ bù đắp chi phí và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường trong thời gian tới.
Ông Hùng cho hay doanh nghiệp này cam kết sẽ không xảy ra tình trạng không đảm bảo nguồn cung xăng dầu đối với hệ thống này tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Không bán lẻ, khó mua được xăng dầu
Trong khi đó, ông Đ. - giám đốc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM - cho hay các doanh nghiệp đã bắt đầu "thấm đòn" khi nguồn cung xăng dầu khan hiếm trong những ngày gần đây. Theo ông Đ., các doanh nghiệp đầu mối hiện thấp thỏm theo dõi nguồn cung xăng dầu từng giờ khi có thời điểm doanh nghiệp đầu mối báo có hàng nhưng có lúc lại ngưng cung hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thương mại (không có cây xăng).
Liên hệ với một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn ở TP.HCM, phía đại diện phụ trách kinh doanh trả lời doanh nghiệp này hiện chỉ ưu tiên bán hàng cho các đại lý, tức các cây xăng có ký hợp đồng với doanh nghiệp này, còn với khách mua theo hợp đồng thương mại (mua đi bán lại, không có cây xăng - PV) không thể đáp ứng thời điểm này. Tuy vậy, doanh nghiệp này cũng áp dụng mức chiết khấu rất thấp, chỉ 20 đồng/lít, còn các chi phí vận tải do doanh nghiệp mua chịu.
Với mức chiết khấu này, ông Đ. cho hay chi phí vận chuyển cho riêng địa bàn TP.HCM đến nơi nhận đã mất 80 đồng, chưa kể chi phí nhân lực, dẫn đến càng bán sẽ càng lỗ. Do đó, với những doanh nghiệp thương mại như ông Đ., phía doanh nghiệp phải thỏa thuận với bên mua chấp nhận chi phí vận chuyển cao, bên bán chỉ bán hàng giữ mối không lấy lãi, song thời điểm này dù giá cao cũng khó do rất hiếm hàng.
Hết xăng do... kẹt xe
Ngày 9-2, ông Đào Đình Thêm - giám đốc Công ty Petromekong, đơn vị thành viên của PVOIL - đã thông tin về việc cửa hàng xăng dầu tại An Giang hết xăng RON 95 vào ngày 6-2.
Theo ông Thêm, trong ngày 6-2, khi một số cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động dẫn đến lượng khách hàng đổ dồn về cửa hàng xăng dầu số 58 "tăng đột biến".
"Ngay khi lượng xăng RON 95 sắp hết, cửa hàng xăng dầu số 58 đã thông báo về đơn vị chủ quản là Petromekong để điều hàng từ tổng kho Cần Thơ. Tuy nhiên, các tuyến đường khu vực miền Tây thời điểm đó thường xuyên ùn tắc giao thông nên xe giao hàng không cung cấp xăng RON 95 kịp" - ông Thêm nói.
Theo PVOIL, để đảm bảo nguồn hàng cho các khách hàng, Petromekong đã chủ động làm việc và thông báo cho khách hàng đến nhận hàng tại các kho lân cận thuộc hệ thống PVOIL, đồng thời bố trí xe vận chuyển tới khách hàng. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm, mật độ giao thông tăng cao nên việc cung cấp hàng chậm trễ hơn so với dự kiến.
NGỌC HIỂN
ĐBSCL: chưa thấy găm hàng, nhiều nơi hết xăng thật
Cần Thơ: Nói về việc thiếu xăng dầu ở Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn - giám đốc Sở Công thương - cho biết có thể trước đó các cửa hàng xăng dầu trên đã nhập xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối ở tỉnh Kiên Giang, An Giang nên bây giờ đầu mối họ thiếu xăng chưa nhập hàng kịp.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ - cho rằng các cửa hàng xăng dầu tại quận Thốt Nốt, Ô Môn ngừng hoạt động do đang chuyển đổi nhập hàng từ thương nhân khác và đang chờ họ báo cáo.
Sóc Trăng: Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh - cho hay qua khảo sát vẫn còn nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định. "Qua làm việc, các thương nhân cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung ứng. Đây là cơ sở để chúng tôi xử lý ai găm hàng, có hàng nhưng lại không bán" - ông Chiêu nói.
Ông Nguyễn Hùng Em - cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng - cũng khẳng định những cửa hàng bán lẻ xăng dầu vi phạm, tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Long An: Việc thiếu xăng tại cửa hàng xăng dầu Châu Thành trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào ngày 7-2 được chủ cửa hàng cho biết lúc đó trong hầm xăng tại cửa hàng không còn nhiều trữ lượng nhưng lượng xe lại tăng đột biến. Do đó, chủ cửa hàng đã triển khai cho nhân viên chỉ đổ cấp thời cho các xe có nhu cầu, đủ xăng để chạy tiếp hơn trăm cây số. Sau đó, cửa hàng này đã huy động được nguồn xăng dầu bơm về nên trở lại hoạt động bình thường.
"Lực lượng chức năng cũng yêu cầu chủ cửa hàng ký cam kết phải hoạt động bình thường, đổ đầy bình khi người mua có nhu cầu" - ông Nguyễn Tuấn Thanh, giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, nói.
An Giang: Ông Diệp Trọng Danh - đội trưởng đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh - cho hay nhiều cửa hàng xăng dầu đều thật sự hết xăng. "Chúng tôi còn vào hầm chứa xăng của các cửa hàng để kiểm tra kỹ lại xem họ còn xăng hay không nhưng thực tế họ hết xăng thật. Họ lý giải do đầu mối không cung cấp xăng kịp. Qua 2 ngày kiểm tra chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng" - ông Danh nói.
Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh này cũng cho biết hiện tại chưa phát hiện trường hợp găm hàng. "Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm nếu có tình trạng này" - vị này nói.
Được biết, UBND các địa phương trên cũng đã có chỉ đạo các cục QLTT và các thương nhân thực hiện theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ và UBND là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo về sở công thương để có giải pháp hỗ trợ. Nếu găm hàng sẽ bị xử nghiêm, trong đó có việc rút giấy phép kinh doanh.
B.ĐẤU - K.TÂM - S.LÂM - L.DÂN
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động 105% công suất
Ngày 9-2, ông Nguyễn Văn Hội - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - cho biết để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng cao, từ cuối tháng 1-2022 Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành 105% công suất.
"Hiện chúng tôi đã vét hết kho và xuất bán ra thị trường 680.000 tấn sản phẩm xăng dầu các loại để bổ sung cho các đầu mối, đạt 115% kế hoạch so với các hợp đồng đã ký kết với khách hàng", ông Hội nói. Thời gian tới, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp tục đảm bảo công tác vận hành an toàn, đặc biệt là vận hành công suất linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Hội chia sẻ thêm để việc vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt năng suất cao, ngành dầu khí đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tìm kiếm nguồn dầu thô, đưa ra những dự báo tương ứng về thị trường... để có những điều chỉnh, điều hành linh hoạt trong công tác kinh doanh.
Được biết, từ đầu năm đến nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhập 8 lô hàng với hơn 684.000 tấn, tương đương hơn 5.170.000 thùng dầu thô.
TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận