Tại hội thảo "Giảm phát thải carbon trong các ngành sản xuất công nghiệp: xi măng, thép và nhựa", do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội thép, xi măng và Hiệp hội nhựa Việt Nam tổ chức ngày 16-3, các diễn giả đã bàn thảo xu hướng giảm phát thải carbon trong các ngành công nghiệp lớn trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Khó giảm tiếp hàm lượng clinker
Chia sẻ về phương pháp giảm phát thải trong sản xuất xi măng, PGS.TS Lương Đức Long - phó chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam - cho biết để giảm phát thải trong sản xuất xi măng thường gồm các cách phổ biến: giảm hàm lượng clinker (thành phần chính của xi măng), giảm năng lượng nung hoặc giảm tiêu hao điện trong sản xuất.
Với việc giảm hàm lượng clinker, ông Long đánh giá rất khó bởi không khách hàng nào muốn mua xi măng ít clinker. Bên cạnh đó, hàm lượng clinker trong xi măng Việt Nam đã đạt mức trung bình thấp của thế giới, khoảng 70 - 75%, nên khó giảm tiếp.
Với giảm năng lượng nung, có thể thực hiện bằng cách cải tạo lò, thay đổi phối liệu… Thêm vào đó, có thể đốt rác thay than đá giúp giảm phát thải, thu lại nguồn năng lượng sạch. Đây là con đường khả thi mà thế giới đã làm. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần một cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, chuyển đổi công nghệ làm đòn bẩy.
Ông Long dẫn chứng cách đây hơn 10 năm, Nhật xử lý 1 tấn rác thải được 36 USD. Hiện tại Trung Quốc xử lý 1 tấn được 30 USD (vừa hòa vốn), tuy nhiên cao nhất ở TP.HCM chỉ được 22 USD. Hiện chỉ một số doanh nghiệp lớn như Insee, Hà Tiên... tham gia đổi mới công nghệ, sử dụng rác thải thay thế than nung clinker hay tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện.
Thiếu chính khách khuyến khích phù hợp
Để có thể giảm mức phát thải CO2 trong sản xuất xi măng nhiều hơn nữa, tiến tới mục tiêu Net - Zero CO2 của Việt Nam vào năm 2050, ông Long cho rằng điều quan trọng nhất là cần chính sách khuyến khích, trợ giá cho các doanh nghiệp xi măng trong sản xuất.
Tương tự, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Phạm Trung Kiên - giảng viên khoa công nghệ vật liệu, Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP26, không khó để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài. Vướng mắc lớn nhất vẫn là thiếu một chính khách khuyến khích phù hợp.
"Hiện chưa có luật hay hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi cho doanh nghiệp", ông nói.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến về giảm phát thải trong các ngành sản xuất khác như thép, nhựa như tăng cường quản lý, tối ưu hóa quy trình, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát điện từ năng lượng mặt trời… cũng được các chuyên gia chia sẻ, bàn luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận