28/05/2014 09:30 GMT+7

Thiết thực công trình của lòng dân

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó bí thư Thành ủy TP.HCM)
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó bí thư Thành ủy TP.HCM)

TT - Hôm nay 28-5, chuyến tàu thứ ba đưa những người “Góp đá xây Trường Sa” ra Trường Sa khởi hành, mang theo tình cảm, tấm lòng của nhiều người đã chắt chiu “góp đá” đến nơi đầu sóng ngọn gió, đến với những người lính đảo.

8lVvj0OW.jpgPhóng to
Chiến sĩ đảo Đá Tây C (Trường Sa, Khánh Hòa) trước công trình “Góp đá xây Trường Sa” của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quang Định
Bất ngờ với Đá Tây C
Sau ba năm tính từ ngày phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa” (ngày 18-5-2011), tình cảm của đất liền đã hình thành ở Trường Sa những công trình “góp đá” đang đem lại nhiều hiệu quả cho cuộc sống của người lính đảo và ngư dân.

Ấn tượng Đá Tây C

Tôi rất bất ngờ với quy mô của công trình nhà sinh hoạt đảo Đá Tây A vì từ xa, giữa biển rộng mênh mông của Tổ quốc, công trình sừng sững như một pháo đài vững chắc. Công trình chính là hiện thân của quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương, giữ gìn chủ quyền dân tộc của mỗi công dân Việt Nam thông qua chương trình ”Góp đá xây Trường Sa”

Đó là lời của ông Vũ Xuân Dương (Việt kiều Nhật) khi nhìn thấy nhà sinh hoạt của chiến sĩ tại đảo Đá Tây C trong chuyến ra thăm Trường Sa cùng đoàn kiều bào vào cuối tháng 4 vừa qua. Đây là một trong hai công trình nhà ở lâu bền mang tên “Góp đá xây Trường Sa” tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), được xây dựng từ sự đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2013. Cũng như bao đoàn khách ra thăm Trường Sa, ông Dương cùng các Việt kiều trong đoàn được đến nhiều đảo chìm. “Nhưng Đá Tây C để lại ấn tượng đặc biệt với tôi, không chỉ vì sự rộng rãi, khang trang mà còn cảm thấy ấm áp phấn khởi vì đây là công trình từ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” mà chúng tôi từng hưởng ứng” - ông Dương nói.

Nhận xét đó của một Việt kiều lần đầu đến thăm Đá Tây C, theo các chiến sĩ trên đảo, cũng là nhận xét chung của những người đến Đá Tây C, “nhất là những người đã từng đến Đá Tây C khi chưa có nhà sinh hoạt do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp lại càng bất ngờ” - thiếu úy Trần Văn Tuân, một chiến sĩ và cũng là một nhân chứng trải nghiệm cho sự đổi thay này trên đảo Đá Tây C, chia sẻ. Thiếu úy Tuân kể: “Tôi ra đây được 24 tháng, từ ngày điểm nhà sinh hoạt này bắt đầu xây dựng. Sinh hoạt trên cả hai điểm nhà cũ và mới càng thấy giá trị của căn nhà mới với anh em chiến sĩ”.

Khác với các nhà ở đảo chìm được xây trước đây - nhà sinh hoạt và điểm phòng thủ cùng chung một nơi nên nơi ăn chốn ở của chiến sĩ thường chật hẹp, nhà sinh hoạt của Đá Tây C được xây riêng, rộng với trần cao rất thoáng mát. Tầng trệt được dành hẳn làm nơi sinh hoạt, tập thể thao. Mỗi ngày sau khi thay ca, tập luyện, các chiến sĩ có thể đánh bóng bàn, tập thể hình, chơi nhạc với hai bàn bóng bàn, một dàn dụng cụ tập thể lực cùng nhiều nhạc cụ được đặt ngày tầng trệt. Cũng ở tầng này còn có hệ thống bếp và nhà vệ sinh, dẫn ra phía sau là một vườn rau xanh tốt. Ngoài khu nghỉ ngơi của chiến sĩ, phía trên còn có phòng đọc sách và dành hẳn một tầng để làm hội trường với đầy đủ bàn ghế, thiết bị âm thanh, giải trí... Thiếu úy Vũ Đức Trung, phụ trách quân y ở Đá Tây C, chia sẻ hài hước nhưng chân thành: “Có nhà mới này, mình... ít việc hơn vì anh em ai cũng được nghỉ ngơi, khỏe mạnh”.

Ở nhà sinh hoạt Đá Tây C mới còn có hệ thống bể chứa nước với dung tích 83m3 đảm bảo nước ngọt sinh hoạt trên đảo. Trước đây chưa có nhà mới, lượng nước dự trữ ít trong khi ngư dân đánh bắt hải sản gần đó hay vào đảo xin nước ngọt, nên chiến sĩ trên đảo phải dè sẻn, chắt chiu từng ca nước ngọt dành cho ngư dân. “Bây giờ chúng tôi có hai nhà, lượng nước dự trữ được nhiều hơn, sử dụng cũng thoải mái hơn. Ngày trước sinh hoạt rất hạn chế, nhất là khi trời không mưa suốt mấy tháng, lính đảo 3-4 ngày mới tắm một lần, còn bây giờ cách ngày tắm một lần. Dù điều kiện có thể cho phép ngày nào tắm cũng được nhưng chúng tôi bảo nhau phải sử dụng sao cho phù hợp, tiết kiệm cho mình và cho cả ngư dân” - thượng úy Trường (chính trị viên đảo Đá Tây C) cho biết.

Như đang ở nhà mình

“Rất sảng khoái, giống như đang ở nhà!” - ca sĩ Cao Mỹ Kim (theo đoàn công tác số 7 ra thăm quân dân Trường Sa) đã thốt lên như vậy khi thăm căn nhà ba tầng ở đảo Đá Tây A - công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp xây dựng, hoàn thành vào tháng 5-2012. Còn nhà thơ - nhạc sĩ Trần Khuyến (Hội Nhà văn TP.HCM) cứ xuýt xoa khen khi tận mắt thấy công trình mà trước đó vợ chồng ông đã có lần tham gia “góp đá”.

Đại úy Nguyễn Kim Dũng - chính trị viên đảo Đá Tây A - cho biết: Ngày trước ở nhà cũ (móng cao 2m so với mực nước biển), sóng chỉ cần cấp 6, cấp 7 đánh vô kết hợp với triều cường dâng lên là nước tràn vào nhà. Có đợt sóng cấp 9, cấp 10, đánh lên tận tầng 3, ôm trùm cả căn nhà. Còn công trình “Góp đá xây Trường Sa” này được thi công cao 3m so với mực nước biển nên tòa nhà rất vững chãi trước sóng gió đại dương. Bây giờ sóng gió cao lắm cũng chỉ tràn vào tầng trệt nhà mới.

“Các đoàn của cơ quan vùng, lữ đoàn hay các đoàn khách ở đất liền ra đảo rất khen ngôi nhà này. Nhà khang trang, thoáng mát, rộng rãi nên chỗ sinh hoạt, ăn ở cũng thoải mái hơn. Nhà cũ rất chật chội, từ chỗ vệ sinh, tắm giặt, sinh hoạt. Lúc mưa bão bà con ngư dân vào tránh sóng, tránh gió lại chật chội hơn nữa. Từ khi có nhà mới, chúng tôi đưa bà con ngư dân vào ở. Ngư dân mình vui lắm, tranh nhau chụp hình làm kỷ niệm. Bà con cứ bảo ước gì có nhiều công trình “Góp đá xây Trường Sa” để ngư dân tránh bão thuận lợi hơn” - đại úy Nguyễn Kim Dũng kể.

* Trung tá Lương Xuân Giáp (chính trị viên đảo Trường Sa): Hai xuồng CQ do bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng (nằm trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa”) đã được khai thác rất hiệu quả từ tháng 5-2013 trong việc đưa đón khách, huấn luyện và làm nhiệm vụ trên biển. Trước kia đảo phải dùng xuồng chuyển tải (thuyền kéo). Nay có xuồng CQ, thời gian di chuyển từ tàu vào đảo được rút ngắn và đảm bảo an toàn hơn.

* Đại úy Lê Minh Phong (bệnh xá trưởng bệnh xá Trường Sa): từ khi được báo Tuổi Trẻ tặng máy phẫu thuật cắt đốt, việc phẫu thuật cho quân và dân trên đảo cũng như bà con ngư dân gặp nạn đã thuận tiện hơn. Khi chưa có máy, ca mổ phải kéo dài, bệnh nhân mất máu nhiều hơn. Giờ thì thời gian mổ ngắn hơn, vết mổ sạch, cầm máu tốt hơn trước.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ân tình thấm mặn giọt mồ hôiHàng chục ngàn tin nhắn “Chung sức vì biển đảo quê hương”“Hòa tình yêu vào từng tin nhắn nhỏ...”Ý thức chủ quyền từ những “viên đá nhỏ”Công ty Tân Thanh “góp đá” 300 triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó bí thư Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên