15/05/2020 09:38 GMT+7

Thiêng liêng một bóng hình

NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ
NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ

TTO - Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), nhiều bộ phim tài liệu và chương trình nghệ thuật sẽ được giới thiệu đến khán giả cả nước.

Thiêng liêng một bóng hình - Ảnh 1.

Một phần cuộc trưng bày Khát vọng tự do tái hiện những ngày Nguyễn Ái Quốc bị giam trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc) năm 1942-1943 và khát vọng tự do trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong số đó, đáng chú ý là bộ phim tài liệu Giữa những quê hương do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng lúc 20h10 hôm nay 15-5 trên VTV1. 

Từ phương Nam, Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) cũng thực hiện và phát sóng hai phim tài liệu: Thiêng liêng một bóng hình và Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Chuyện về những người lính da trắng của Bác Hồ

Phim tài liệu Giữa những quê hương là câu chuyện về những người lính trong quân đội lê dương đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh, trợ giúp quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Đó là ông Kostas Sarantidis, một người lính Hi Lạp trong quân đội Pháp đã tự nguyện tìm đường đến với Việt Minh chỉ hai tháng sau khi có mặt ở Đông Dương (tháng 4-1946). 

Ông được đồng đội đặt tên Việt là Nguyễn Văn Lập, người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Người thứ hai là giáo sư sử học người Pháp Goerges Boudarel. Ông là một nhà Việt Nam học rất uy tín với nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị về Việt Nam. 

Sau khi ông qua đời, theo di nguyện của ông, một phần tro cốt của ông ở lại nước Pháp. Phần tro cốt còn lại đã được những người bạn rải xuống sông Hồng (Việt Nam) đầu năm nay.

Người thứ ba là ông Erwin Borchers - một trí thức lê dương gốc Đức, khi sang với Việt Minh được Bác Hồ và các lãnh đạo của Đảng rất yêu quý và tín nhiệm, đặt cho tên Việt Nam là Nguyễn Chiến Sỹ.

Những con người này đến từ nhiều quốc gia khác nhau, gắn bó với Việt Nam bởi tình cảm của họ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt. Nhóm làm phim Trần Thu Hiền, Lưu Hoài An đã mất hơn hai năm nghiên cứu tư liệu, móc nối với nhiều nguồn mới có thể gặp được những nhân chứng lịch sử.

Xem VTV đặc biệt Giữa những quê hương, khán giả sẽ hiểu thêm về công tác binh - địch vận trong kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chính sách nhân văn của Bác Hồ đối với tù - hàng binh.

Tình cảm của người dân phương Nam

Thiêng liêng một bóng hình (20 phút, phát sóng lúc 8h ngày 18-5 trên HTV9) kể về đền thờ Bác ở Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, là một trong những đền thờ Bác đầu tiên được nhân dân Nam Bộ dựng lên năm 1969 khi Bác mất, thể hiện tình cảm của người dân đối với Bác Hồ. 

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ (25 phút, phát sóng lúc 21h ngày 19-5) kể về cuộc đời, sự nghiệp của Bác và 50 năm thực hiện di chúc của Người. Phim đề cập đến tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác và tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam...

Ngọc Thảo - biên kịch kiêm đạo diễn hai phim này - chia sẻ: "Trong quá trình tác nghiệp, tôi nhận thấy người dân rất kính yêu Bác. Ví dụ phim Thiêng liêng một bóng hình tôi quay vào ngày 2-9 năm ngoái. 

Rất nhiều người dân Cù Lao Dung làm đám giỗ Bác như người thân trong gia đình, các con cháu đoàn tụ quây quần trong ngày này rất xúc động. Tôi ngưỡng mộ họ và muốn ghi lại tình cảm chân thành ấy vào phim của mình".

Tối 18-5, trên HTV9 cũng sẽ phát sóng chương trình ca nhạc giao lưu nghệ thuật Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời như ông Võ Phổ - Dũng sĩ diệt Mỹ 3 lần được gặp Bác Hồ, trung tướng Phạm Văn Dỹ - nguyên chính ủy Quân khu 7, NSƯT Quế Trân, nhạc sĩ Phạm Tuyên...; các ca sĩ Tạ Minh Tâm, Vân Khánh, Anh Bằng, Phạm Khánh Ngọc, tốp ca Quân khu 7, nhóm Sido...

Trước đó, vào tối 17-5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Dâng Người tiếng hát mùa xuân sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1. Đây là chương trình do Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Khát vọng tự do

Cuộc trưng bày Khát vọng tự do đang diễn ra ở di tích nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội khắc họa hành trình tìm đến tự do của các chiến sĩ cách mạng từ các nhà tù thực dân, đế quốc như Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, trại giam tù binh Phú Quốc... qua hình ảnh, tài liệu và những câu chuyện kể đầy chân thực.

Tại đây, công chúng một lần nữa được đọc lại những vần thơ xúc động Bác Hồ đã viết cho chiến sĩ cách mạng Quý Quân (tên thật là Đàm Văn Lý, 1915 - 1940), người đã bị kẻ thù giết hại khi tổ chức vượt ngục tại nhà tù Sơn La năm 1940: "Mấy người chí sĩ với nhân dân / Vì giống vì nòi phải bỏ thân / Một tấm trung thành soi nhật nguyệt / Mấy phen oanh liệt rạng tinh thần / Tranh đấu dốc lòng đền nợ nước / Hy sinh quyết chí cứu nhân dân / Một thiên châu lệ hồn đồng chí / Muôn thuở giai truyền tiếng Quý Quân".

T.ĐIỂU

Tuần phim kỷ niệm và cầu truyền hình trực tiếp

* Tuần phim kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước từ ngày 19 đến 26-5, giới thiệu tới công chúng phim truyện Trăng đại ngàn, phim tài liệu Trường Sơn có những cô bộ đội lái xe, Chim sắt ngày xưa, Đất gọi; phim hoạt hình Vầng sáng ấm áp.

* Lúc 20h tối 19-5, cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam sẽ được tổ chức tại 5 điểm cầu gồm: Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), Tuyên Quang (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào), Nghệ An (Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên), TP.HCM (Bến Nhà Rồng) và Đồng Tháp (Công viên văn miếu TP Cao Lãnh).

N.DIỆP - D.HÒA

'Ăn ngủ' cùng Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam

TTO - Có theo sát Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam mới thấy mức độ đam mê của khán giả liên hoan phim này thật sự khác thường.

NGỌC DIỆP - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên