"Doanh nghiệp nói rằng với kiểu tránh né thu phí BOT như hiện nay, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài thêm 40 năm nữa.
Tôi nói là không tới 40 năm đâu, mà sẽ là… 80 năm" - ông Nguyễn Xuân Hà, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, nói.
Nhiều lần đưa trạm BOT… đi đón lõng xe để thu phí
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung ban đầu có vị trí đặt gần xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Sau đó, tỉnh Quảng Nam cho nâng cấp cầu Tứ Câu. Khi dự án này xong thì gia tăng khả năng xe ngoặt qua đường này để né trạm.
Từ đó, Công ty 545 - chủ dự án BOT Điện Thắng Trung - xin dịch trạm tới vị trí hiện tại.
"Thực ra, lúc đó họ muốn đưa trạm đặt ở gần bến xe thị xã. Nhưng thường vụ không đồng ý, vì đây là nơi tập trung các cơ quan như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại. Trạm thu phí đưa vô đó sẽ tạo sự xung đột.
Hơn nữa, khoảng cách 70km được bố trí một trạm thu phí cũng không đảm bảo theo quy định" - phó chủ tịch thị xã Điện Bàn nói.
Từ khi về đặt vị trí hiện nay trên quốc lộ 1A, tình cảnh của BOT Điện Thắng Trung xấu đi rõ rệt kể từ năm 2018 trở đi. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển Đà Nẵng - Tam Kỳ cùng mạng lưới giao thông chạy dọc miền Trung liên tiếp mở ra, khiến xe chạy dọc quốc lộ 1A giảm rõ rệt.
Tình thế trở nên khó khăn hơn nhiều lần kể từ khi hai khu dân cư bài bản, có đường nội bộ chạy chằng chịt kết nối hình vòng cung bọc qua hông trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung được thị xã Điện Bàn quy hoạch, vận hành.
Doanh nghiệp ôm đơn cầu cứu gửi khắp nơi. Rất nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ từ trung ương, đơn vị quản lý đường bộ tới tận từng hộ gia đình, nhưng tới nay chưa có cách nào đáp ứng được nguyện vọng của chủ BOT.
"Những gì làm được, địa phương cũng cố gắng hết sức rồi. Cũng may dân hai bên trạm BOT thông cảm. Bà con hiền lành và không phản ứng, chứ không là rất phức tạp" - ông Nguyễn Xuân Hà nói.
Ba phương án xử lý BOT từ Điện Bàn
Ông Trần Úc - chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - nói rằng lộ trình năm 2030 địa phương này sẽ lên đô thị. Do đó hạ tầng hướng về phía Đà Nẵng, hai bên trạm thu phí sẽ được đẩy mạnh đầu tư xây dựng.
Với viễn cảnh này, theo Phó chủ tịch thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà, vị trí đặt trạm BOT hiện nay sẽ ngày càng khó. Dân cư mở ra, sẽ càng có thêm nhiều đường phụ kết nối với quốc lộ 1A đi vòng qua trạm. Doanh thu thu phí qua trạm BOT sẽ giảm sâu hơn.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong tương lai, thị xã Điện Bàn gợi ý cho Công ty 545 ba phương án để xử lý trạm BOT Điện Thắng Trung.
Phương án thứ nhất là dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh thị xã Điện Bàn. Địa phương sẽ hỗ trợ bằng cách cấm xe khách trên 16 chỗ, xe tải đi qua trung tâm nội thị. Tuy nhiên với phương án này thì khoảng cách 70km có một trạm thu phí như quy định hiện nay sẽ không đảm bảo.
Phương án thứ hai là dời trạm về hướng Đà Nẵng, cách vị trí hiện nay một đoạn. Nhưng ngay cả phương án này cũng khó để đảm bảo lâu dài. Bởi Điện Bàn cũng không dám hứa với chủ đầu tư rằng sẽ không mở rộng dân cư, tạo các trục đường vòng tránh trạm trong tương lai.
Phương án này đang được Công ty 545 cân nhắc, xem xét và khảo sát. Đơn vị này nói phải chắc chắn không có đường né trạm thì mới đặt vị trí mới ở đây.
Phương án cuối cùng, được Điện Bàn ủng hộ nhất là động viên chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung xúc tiến các thủ tục để đề nghị Chính phủ mua lại quyền khai thác trạm BOT trên quốc lộ 1A.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận