"Đi ăn đám giỗ cách nhà có 1km, ngoài mua đồ đi đám khoảng 200.000 đồng thì phải cầm thêm 70.000 đồng mua vé qua trạm BOT cho 2 lượt, vậy là nhiều hay ít? Nếu là tôi thì tôi cũng né" - bạn đọc Da Nang nêu ý kiến.
BOT là dịch vụ, đi hay không là quyền mỗi người
Không ủng hộ việc chặn cấm các ngả đường để vào trạm thu phí, bạn đọc Mai Mai cho rằng Quốc lộ 1A là đường công, như tuyến xương sống của đất nước. Không nên cho phép doanh nghiệp lập trạm, đầu tư một ít kinh phí rồi chặn ngang đường để thu phí.
Bạn đọc có email Tran*** @gmail.com cho rằng nếu cấm xe vào khu dân cư thì chẳng khác nào bắt người dân có nhà cửa trong các khu lân cận trạm BOT Điện Thắng Trung phải đi bộ.
Bạn đọc Đình Thắng cho rằng chủ trương đầu tư BOT có mặt tốt, nhưng việc doanh nghiệp yêu cầu cấm xe ở đường khác để buộc phải đi qua trạm BOT là vô lý. Đề xuất này cần phải lên án mạnh mẽ. Người đi đường chọn đi đường nào là quyền của họ khi pháp luật chưa có cơ sở để cấm.
"Quốc lộ là đường dân sinh, nó cũng giống như đường thôn đường xã. Làm sao lại đặt trạm thu phí. Nó có vô số điểm cắt, đi vào đi ra khắp nơi, cơ sở nào để thu phí? Cao tốc là đường dịch vụ, ai thích đi nhanh có thể bỏ tiền để đi nhanh. Còn thu phí trên quốc lộ là vô lý và không thể chấp nhận được" - bạn đọc MrT. nói.
Nhiều người bày tỏ cảm thông cho dân và chủ BOT
Trong khi đa phần bạn đọc không đồng tình với đề xuất cấm tiệt các tuyến đường để buộc xe vào trạm thu phí Điện Thắng Trung thì cũng có một số ý kiến cho rằng cần hài hòa giữa lợi ích đôi bên. Chủ đầu tư BOT đã bỏ tiền ra đầu tư và có sự cho phép của cơ quan thẩm quyền, hiện nay xe né trạm quá nhiều nên chắc chắn sẽ thiệt hại nặng.
Bạn đọc Trương Kiệt cho rằng có là người dân ở khu dân cư sát BOT mới cảm nhận hết cảnh khổ sở. Xe chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, phiền lụy đủ thứ.
"Làm sao chấp nhận xe tải, xe khách lớn chạy vào khu dân cư? Rồi khi xe tải, xe khách chạy vô khu dân cư không phải chạy chậm rãi, chạy thong dong mà chạy ầm ầm gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?" - bạn đọc Trương Kiệt nói.
"Đường dân sinh trong các khu dân cư hoàn toàn không được thiết kế để cho xe tải và xe khách lưu thông mật độ cao, cho nên cấm xe tải, xe khách vào khu dân cư là hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho đường sá vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.
Hãy nhớ lại tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu chuyển hướng xe tải, xe khách vào cao tốc để giảm tai nạn trên quốc lộ. Do vậy trường hợp của Quảng Nam cũng tương tự. Quốc lộ đoạn này trống thì phải đi chứ không thể cho vào đường dân sinh ở các khu dân cư thế này được.
Đây là công trình mà Nhà nước giao cho tư nhân đầu tư có thu phí thì hoặc là phải đảm bảo thời gian hoàn vốn cho tư nhân hoặc mua lại trạm này để bỏ thu phí" - bạn đọc Trương Kiệt nói thêm.
Bạn đọc Huynh***@gmail.com cho rằng chủ đầu tư BOT đã bỏ tiền ra đầu tư rất lớn để dựng trạm thu phí. Nếu ai cũng đưa xe né trạm, đi vòng mà không qua BOT thì biết bao giờ doanh nghiệp mới thu hồi được vốn?
BOT thu thêm mỗi ngày 100 triệu đồng nhờ sửa đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 29-5, ông Nguyễn Xuân Hà - phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - cho biết do xe né trạm quá nhiều nên một số đường dân sinh sát BOT Điện Thắng Trung hư hỏng nặng.
Để dân đi lại, thị xã Điện Bàn khoanh một phần các đường tài xế hay né trạm để sửa chữa. Dù xe vẫn đi đường xa hơn để né BOT, nhưng doanh thu của trạm thu phí Điện Thắng Trung tăng thêm mỗi ngày hơn 100 triệu đồng.
"Mình rào đường để sửa chữa, xong thì mở ra lại cho dân đi chứ không cấm được" - ông Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận