16/06/2023 09:54 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Ngăn gian lận thi, lưu ý in sao đề

Ngày 15-6, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 tỉnh, thành phố.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Ngăn gian lận thi, lưu ý in sao đề - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an - cho biết: “Có những thiết bị rất nhỏ được ngụy trang như đồng hồ, nút áo, khuyên tai, máy tính bỏ túi” - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Bảo mật đề thi, bài thi, phòng chống gian lận và hỗ trợ thí sinh là những vấn đề được Bộ Giáo dục - Đào tạo đặt ra.

Trang bán thiết bị gian lận thi gia tăng

Tại hội nghị, thiếu tướng Lê Minh Mạnh - phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an - cho biết: Cơ quan an ninh đã phát hiện những trang rao bán thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử. Gần ngày tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, những trang như thế này có dấu hiệu gia tăng.

Qua theo dõi đã phát hiện một số phụ huynh, học sinh mua các thiết bị này. Những người này thường tự mua lẻ các thiết bị trên thị trường như tai nghe, bộ thu phát sóng riêng.

Ông Mạnh lưu ý có những thiết bị rất nhỏ được ngụy trang như đồng hồ, nút áo, khuyên tai, máy tính bỏ túi. Các thiết bị thường được giấu trên người thí sinh và truyền, nhận thông tin với bên ngoài qua thiết bị trung chuyển.

Vì thế việc bố trí địa điểm để đồ dùng, tư trang của thí sinh cách ít nhất 25m vẫn phải được các điểm thi tuân thủ.

Cùng với việc rà soát những trang bán thiết bị nêu trên để ngăn chặn nguy cơ gian lận, đại diện A05 Bộ Công an đề nghị các địa phương phối hợp tập huấn kỹ cho giám thị về các thủ đoạn, thiết bị gian lận.

Liên quan việc phát hiện thiết bị gian lận tinh vi, ông Trần Thế Cương - giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội - băn khoăn khi năm nay Bộ Giáo dục - Đào tạo không quy định danh mục máy tính cầm tay học sinh mang vào phòng thi.

Trong khi năng lực của giám thị chưa đủ để phát hiện thiết bị tinh vi có thể giấu trong máy tính cầm tay.

Về việc này, ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - cho biết do thị trường có nhiều loại máy tính cầm tay mới nên Bộ Giáo dục - Đào tạo không quy định danh mục như trước.

Nhưng nguyên tắc căn bản là máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, lưu giữ thông tin thì được phép sử dụng. Trong khi tập huấn cho giám thị, mỗi địa phương có thể chủ động có những quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn.

Nhiều địa phương phải chuyển điểm in sao đề

Nhắc lại bài học của Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua chỉ vì có một số đề thi in mờ mà phát sinh vấn đề phải xử lý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương phải chuẩn bị kỹ cho khâu in sao đề thi.

"Cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị. Sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - hai điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn" - ông Kim Sơn nói.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, tuần trước bộ có nhiều đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các địa phương. Việc kiểm tra điểm sao in đề thi, nơi bảo quản đề, bài thi và phương án vận chuyển đề, bài thi được đặc biệt quan tâm.

Nhiều địa phương phải chuyển địa điểm in sao khi được khuyến cáo không an toàn. Một số tồn tại được yêu cầu khắc phục như trong khu vực in sao vẫn còn tủ sách, thiết bị đã hư hỏng, có nơi còn thiết bị kết nối WiFi.

"Có địa phương tôi đến kiểm tra chỗ ở cho cán bộ in sao đề thi quá chật chội, phải nằm giường bạt, ghế bố để ngủ. Các địa phương cần bố trí nơi ăn, ở đảm bảo. Vì chỉ cần mệt mỏi, lơ là thì có thể xảy ra sự cố liên quan tới đề thi" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trao đổi trong hội nghị.

Ông Thưởng nhắc lại nguyên tắc "ba không": không lơ là, không tự ý xử lý những tình huống bất thường và không gây tâm lý căng thẳng, áp lực. Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị các địa phương có điểm thi ở khu vực đặc thù như huyện đảo, phải vận chuyển đề, bài thi qua sông nước, những nơi nguy cơ xảy ra thiên tai, mưa bão cần có phương án dự phòng để bảo vệ đề thi, bài thi.

Ông Nguyễn Đức Cường - chánh Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo - cho biết bộ đã huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên trường đại học làm công tác thanh tra để giám sát các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với các đoàn thanh tra của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng tổ chức các đoàn thanh tra sâu, các đoàn kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Ngăn gian lận thi, lưu ý in sao đề - Ảnh 4.

Cô trò lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) trong giờ ôn tập môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hỗ trợ thí sinh khó khăn

Tại hội nghị, đại diện ban chỉ đạo thi một số tỉnh miền núi, có địa bàn khó khăn đã chia sẻ những giải pháp hỗ trợ học sinh.

Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ban chỉ đạo thi đã tập trung thí sinh ở xa, thí sinh trong diện khó khăn để bố trí nơi ăn, ở cho các em trong thời gian diễn ra kỳ thi.

"Chúng tôi huy động nhiều lực lượng để chăm sóc, nấu ăn cho thí sinh", bà chia sẻ. Những bữa ăn miễn phí cho thí sinh cũng được ghi nhận ở nhiều địa bàn trên cả nước như tại Lào Cai, những học sinh ở xa đều được khuyến khích ở lại trường đến kỳ thi và được bố trí ở lại ký túc xá của các trường nội trú. Trong các ngày diễn ra kỳ thi, học sinh ở lại ký túc xá được nhà trường và các lực lượng tình nguyện nấu ăn miễn phí.

Tại Kỳ Sơn (Nghệ An) có trường THPT có nhiều học sinh phải vượt qua quãng đường hàng chục cây số để đến trường nên từ nhiều năm nay, mùa thi nào giáo viên của trường cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể lo chỗ ở cho thí sinh và nấu hàng ngàn suất cơm miễn phí.

Tại hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình cũng cho biết đang rà soát lại để tính toán đưa thí sinh ở những địa bàn bị chia cắt, dễ gặp thiên tai, mưa bão về điểm thi trước 1-2 ngày để đảm bảo không có thí sinh bị rớt lại do gặp khó khăn trên đường đi thi.

Việc này cũng được Ban chỉ đạo thi tỉnh Phú Thọ triển khai. Một số địa bàn khó khăn của tỉnh này có học sinh ở xa trường hàng chục cây số.

Căn cứ vào số học sinh được rà soát, ban chỉ đạo thi huy động các thầy cô giáo, lực lượng tình nguyện hỗ trợ đón thí sinh đi thi hoặc hỗ trợ chỗ ăn, ở hoặc tìm nhà trọ cho thí sinh trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Tập huấn cả vận hành máy phát điện

Thiếu điện trong thời tiết nắng nóng là một trong những vấn đề của mùa thi năm nay. Tại hội nghị và trong các cuộc đi kiểm tra của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo đều lưu ý với địa phương về giải pháp dự phòng khi mất điện lưới quốc gia.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng dẫn ra cách làm của Ninh Bình: "giao khoán" từng điểm thi cho điện lực để có giải pháp điều phối, đồng thời có phương án dự phòng đến từng điểm thi. Ông Thưởng cho rằng việc cắt điện luân phiên vẫn có thể xảy ra trong tình huống quá tải nhưng không thể để các điểm thi mất điện.

Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khẳng định với Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ đảm bảo có điện thông suốt thời gian diễn ra kỳ thi, trong đó nếu điện lưới quốc gia bị cắt trong trường hợp bất khả kháng sẽ bố trí máy phát điện. Hải Phòng rút kinh nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã phải "tập huấn" cả việc đấu nối, vận hành máy phát điện để tình trạng mất điện không kéo dài.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các tỉnh thành phải quan tâm hơn đến việc cấp điện liên tục tại các khu vực in sao đề thi, nơi bảo quản đề thi, bài thi.

1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi

Cả nước có 1.024.063 đăng ký dự thi. Trong đó thí sinh tự do có 37.841, chiếm 3,6% tổng số thí sinh. Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp có 47.769, chiếm 4,6% tổng số thí sinh.

Thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học có 34.155, chiếm 3,33% tổng số thí sinh. Thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả để tuyển sinh có 943.340, chiếm 92,9% tổng số thí sinh.

"Mất một đêm kiểm tra máy trợ thính"

Tại Hải Phòng, Hà Nội trong đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 phát sinh một số trường hợp thí sinh khuyết tật cần đưa vào phòng thi thiết bị hỗ trợ. Ví dụ thí sinh khiếm thính mang theo máy trợ thính. Phát sinh này khiến ban chỉ đạo thi phải lo lắng.

Ông Bùi Văn Kiệm - giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Phòng - cho biết mất một đêm để kiểm tra, xác minh chắc chắn máy trợ thính của thí sinh khiếm thính an toàn mới yên tâm. Trong hội nghị, ông Trần Thế Cương cũng đề nghị được hướng dẫn thêm về việc này.

Trong khi trước đó, Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố bố trí bộ phận có nghiệp vụ xác minh thiết bị thí sinh khuyết tật mang theo. Trường hợp an toàn, thiết bị sẽ được dán tem trước khi cho thí sinh mang vào phòng thi.

TP.HCM: tuyệt đối không để mất điện khi thí sinh đang làm bài

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-6, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết đơn vị đã sẵn sàng các phương án cung cấp và đảm bảo điện cho các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

"Chúng tôi đã yêu cầu các công ty điện lực địa phương chuẩn bị máy phát, đảm bảo cấp điện liên tục cho các điểm thi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất điện trong lúc các thí sinh đang làm bài. Không chỉ kỳ thi này mà các sự kiện quan trọng khác chúng tôi đã chuẩn bị phương án kỹ càng" - ông Kiên khẳng định.

Năm nay TP.HCM có 85.452 thí sinh THPT, 9.194 thí sinh giáo dục thường xuyên, 2.791 thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. TP.HCM bố trí 156 điểm thi, mỗi quận huyện có từ 1-3 điểm thi dự phòng.

Tại các điểm thi cũng có 1-3 phòng thi dự phòng với lực lượng y tế túc trực đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe những trường hợp bất thường. Với quy mô kỳ thi lớn, TP.HCM huy động đến 11.280 cán bộ coi thi và 790 người là lãnh đạo điểm thi.

LÊ PHAN

Điện lực miền Trung ưu tiên đảm bảo điện cho kỳ thi

Ngày 15-6, Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên đảm bảo điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Tổng công ty yêu cầu các đơn vị chủ động làm việc và phối hợp với các sở giáo dục - đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, ban chỉ đạo, các hội đồng thi THPT tại địa phương nắm danh sách, địa điểm và nhu cầu sử dụng điện; lập và thực hiện phương án ưu tiên đảm bảo cấp điện cho các địa điểm làm việc của ban chỉ đạo kỳ thi, các hội đồng thi, các địa điểm ra đề thi, in sao đề thi và các địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi.

Đặc biệt, có phương án bố trí máy phát dự phòng và chế độ ứng trực phù hợp để đảm bảo cấp điện liên tục 24/24 cho các địa điểm tổ chức ra đề thi và in sao đề thi.

Từ ngày 27-6 đến hết ngày 30-6, không thực hiện ngừng giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch có ảnh hưởng đến việc cấp điện cho các địa điểm nêu trên.

Tổ chức trực tăng cường tại các tổ thao tác lưu động, đội sửa chữa nóng lưới điện... trong các ngày diễn ra kỳ thi. Chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện di chuyển, máy phát điện dự phòng để khẩn trương xử lý sự cố, chuyển đổi phương thức vận hành hoặc chạy máy phát dự phòng, nhanh chóng cấp điện trở lại cho các địa điểm thi khi xảy ra sự cố.

ĐOÀN CƯỜNG

Có hiện tượng gia tăng tấn công mạng nhằm vào kỳ thi tốt nghiệp THPTCó hiện tượng gia tăng tấn công mạng nhằm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngày 15-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 tỉnh, thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên