03/08/2023 16:09 GMT+7

Thí sinh không xét tuyển vào đại học: 'Muốn sớm đi làm, tự chủ về kinh tế'

'Học đại học mất 4 - 5 năm, ra trường còn mất một thời gian xin việc nên em chọn học sơ cấp để sớm đi làm, có thu nhập', một bạn trẻ không đăng ký xét tuyển vào đại học chia sẻ.

Các thí sinh ở Hà Tĩnh tra cứu thông tin kỳ thi tốt nghiệp 2023 - Ảnh: L.M.

Các thí sinh ở Hà Tĩnh tra cứu thông tin kỳ thi tốt nghiệp 2023 - Ảnh: L.M.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, tổng số thí sinh xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn so với năm ngoái (năm ngoái là 64%). Điều này đồng nghĩa khoảng 300.000 thí sinh chọn những hướng đi khác ngoài đại học.

Là một trong số thí sinh không đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào vào đại học, Lê Văn Tưởng (học sinh Trường THPT Mai Thúc Loan, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chọn học chứng chỉ sơ cấp để làm việc trên tàu du lịch biển.

Tưởng chia sẻ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm môn khối C00 của em là 25,75; trong đó môn văn 9,25 điểm, địa lý 7,75 điểm và môn lịch sử 8,75 điểm. Với số điểm này, Tưởng có thể đậu nhiều trường đại học, song em chọn đi làm sớm để có thu nhập ổn định.

“Bố mẹ em sẵn sàng chu cấp cho em vào đại học, nhưng em có lựa chọn của riêng mình và được bố mẹ đồng ý. Em nghĩ học đại học sẽ mất 4 - 5 năm, ra trường còn mất một thời gian xin việc nên em chọn hướng học chứng chỉ sơ cấp để sớm đi làm, có thu nhập” - Tưởng nói.

Cũng theo Tưởng, việc em không chọn vào đại học đã xác định từ những năm học THPT. Hơn nữa, trong làng Tưởng đã có một số người học chứng chỉ đi làm trên tàu du lịch cho thu nhập ổn định, nên em cũng muốn theo chân người làng đi làm, sớm ổn định cuộc sống.

Các thí sinh ở Hà Tĩnh thảo luận sau kết thúc một môn thi - Ảnh: L.M.

Các thí sinh ở Hà Tĩnh thảo luận sau kết thúc một môn thi - Ảnh: L.M.

Cũng như Tưởng, thí sinh Trần Anh Tú (học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) chọn con đường du học theo hệ vừa học vừa làm để bước vào tương lai.

Khoảng một tháng nay Tú đang theo học một lớp ngoại ngữ đi nước Đức theo hệ vừa học vừa làm. Hướng đi này đã được Tú xác định từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và được bố mẹ đồng thuận, ủng hộ.

“Em không đăng ký xét tuyển đại học năm nay bởi nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là không mong muốn học đại học xong sẽ khó hoặc mất thời gian dài để xin việc làm. Vì vậy, em chọn con đường khác để sớm tự lập và tự chủ về kinh tế” - Tú chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hồng Hải - hiệu trưởng Trường THPT Hồng Lĩnh - cho biết theo thống kê 3 năm trở lại đây, số học sinh của nhà trường sau thi tốt nghiệp không đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học chiếm 20-25%. Số học sinh này chủ yếu đi xuất khẩu lao động, du học, tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc kiếm việc làm.

“Tỉ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học của nhà trường so với các trường THPT ở quê thấp hơn, bởi Trường THPT Hồng Lĩnh đóng ở địa bàn thị xã, kinh tế người dân khá giả hơn so với nông thôn nên học sinh theo học đại học cũng có cao hơn” - thầy Hải nói thêm.

640.000 thí sinh đăng ký hơn 3,2 triệu nguyện vọng xét tuyển640.000 thí sinh đăng ký hơn 3,2 triệu nguyện vọng xét tuyển

Tính đến 17h ngày 29-7, hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận trên 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển với hơn 3,2 triệu nguyện vọng xét tuyển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên