Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ nhận định như vậy trong hội nghị Tổng kết 2 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tổ chức chiều 19-12 tại Hà Nội.
Uber vẫn chưa được TP.HCM cho hoạt động
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, cho biết sau 2 năm thực hiện đề án thí điểm, đến nay đã 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, trong đó có Uber, Grab.
Ngoài ra có 7 công ty có đề án tham gia thí điểm gửi về Bộ Giao thông - Vận tải nhưng chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến các địa phương.
Đến nay, ông Ngọc cho biết đã có 866 đơn vị vận tải với 36.809 xe tham gia thí điểm, trong đó TP.HCM có 506 đơn vị, 3 nhà cung cấp phần mềm và 21.601 xe, còn Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm và 15.046 xe…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng trong 2 năm thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, được người dân đón nhận, ủng hộ khi thấy được lợi ích thiết thực, giảm chi phí khi đi lại.
Tuy nhiên, thời gian qua hết Uber đến Grab bị giới taxi tố được ưu đãi về các điều kiện kinh doanh và đóng thuế dẫn đến taxi bị "thất thủ".
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, xe hợp đồng điện tử phát triển rất nhanh nên quy định pháp luật điều chỉnh chưa kịp.
Uber, Grab nói là cung cấp ứng dụng công nghệ nhưng hoạt động giống taxi khi Uber, Grab quyết định giá cước chứ không phải đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng của họ quyết định giá cước.
Ông Lâm cho biết hiện nay TP.HCM vẫn chưa xác định được xe hợp đồng điện tử là loại hình gì để đưa vào quy hoạch phương tiện, vì thế đề nghị cho các tỉnh thành chốt số lượng được phép hoạt động của các đơn vị tham gia thí điểm để phù hợp với hạ tầng.
Theo ông Lâm, Grab đã được TP.HCM chấp thuận hoạt động trong khi Uber vẫn chưa được chấp thuận triển khai thí điểm vì chưa đảm bảo các nội dung trong đề án thí điểm. Tuy vậy, hiện nay Uber vẫn hoạt động mà chưa có chế tài xử lý.
Một cuộc "chất vấn" khá sôi nổi với đại diện Uber tại hội nghị khi ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đặt vấn đề về việc tuân thủ quy định của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và phải công khai giá cước với cơ quan quản lý.
Ông Tom White, Giám đốc Uber Việt Nam, cho biết hãng này đã nhiều lần làm việc với Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, và rằng Uber đã minh bạch giá cước công khai với người đặt xe.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt câu hỏi tại sao Uber không cho đơn vị vận tải thuê, mua phần mềm mà đứng ra điều hành việc đặt xe, quyết định giá cước?
Ông Tom White vẫn khẳng định đã minh bạch giá cước với khách hàng, và "chưa có đề xuất gì thêm và sẽ lắng nghe ý kiến từ các ngài".
Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Khánh Hòa, cho biết hiện nay Khánh Hòa chưa cho Uber, Grab hoạt động, tuy nhiên phía Uber điều xe được cấp phù hiệu từ TP.HCM ra Nha Trang chạy nhưng lại tỉnh này lại không có chế tài xử lý.
Taxi sẽ được nới lỏng điều kiện hoạt động
Đại diện các hiệp hội taxi Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cùng đưa ra các kiến nghị vốn từng được gửi Bộ Giao thông - Vận tải, Chính phủ trước đây.
Trong số đó có quy định xe hợp đồng điện tử có điều kiện hoạt động như taxi để thị trường có loại hình taxi như hiện nay và taxi đặt xe qua mạng, doanh nghiệp cung cấp phầm mềm đặt xe phải đặt máy chủ tại Việt Nam, cung cấp dữ liệu tự động cho cơ quan quản lý, chấm dứt đề án thí điểm để làm rõ những vấn đề về điều kiện kinh doanh, thuế…
Ông Trần Bảo Ngọc cho biết Bộ Giao thông - Vận tải sẽ khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Trong đó có điều chỉnh các quy định liên quan tới hoạt động của taxi cho phù hợp với thực tiễn hơn như: điều hành hoạt động không bị bị hạn chế phải thực hiện qua bộ đàm mà bằng phần mềm; đơn vị taxi được kinh doanh vận tải hành khách theo xe hợp đồng sử dụng phần mềm kết nối hợp đồng điện tử...
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ Giao thông - Vận tải dự định kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị tham gia đề án thí điểm kéo dài hoạt động cho đến khi nghị định thay thế Nghị định 86 có hiệu lực, giao cho các địa phương quyết định số lượng xe tham gia thí điểm.
Tuy nhiên ông Thọ đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo lại một lần nữa, và "phải nêu rõ chính kiến, đề xuất giải pháp về số lượng xe thí điểm ở địa bàn, dừng lại hay tiếp tục thí xe hợp đồng điện tử để Bộ Giao thông - Vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng".
Ông Thọ cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của xe thí điểm yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài như Grab, Uber kinh doanh tại Việt Nam phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận