Lần đầu tiên tại TP.HCM cấp giấy phép lái xe cho người dân ngay trong ngày, đối với giấy phép quá thời hạn sử dụng - Video: CHÂU TUẤN
Ngày 28-11, tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi, 150 người dân dự thi lấy giấy phép lái ôtô. Chưa biết kết quả như thế nào nhưng ai nấy đều thể hiện sự hào hứng xen lẫn chút hồi hộp khi lần đầu tiên tham gia kỳ thi mà nếu đậu thì sẽ được cấp giấy phép lái xe (GPLX) ngay sau đó.
Đây là chương trình thí điểm việc cấp lại GPLX ngay sau khi có kết quả sát hạch do Sở Giao thông vận tải TP.HCM thực hiện sau thời gian dài chuẩn bị.
Phấn khởi nhận bằng
Anh Phúc Hậu (ngụ huyện Hóc Môn) hào hứng chia sẻ: "Nhà tôi cách đây hơn 20km. Trước đây tôi phải chờ đến 10 ngày mới được nhận bằng. Vừa tốn thời gian vừa ảnh hưởng công việc vì không thể lái xe trong những ngày phải đợi bằng.
Đúng là công nghệ giờ có khác, nhanh - gọn - lẹ, thi đậu xong là có bằng lái trong tay. Sướng thiệt".
Những người dân đầu tiên nhận bằng lái xe ngay sau khi có kết quả sát hạch - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cùng cảm xúc với anh Hậu, anh Phan Ngọc Anh (31 tuổi, làm nghề tài xế) kể về câu chuyện mưu sinh của mình: "Vì làm nghề tài xế nên bằng lái chính là vật bất ly thân của tôi khi ra đường. Tấm bằng chính là thứ để tôi có thể mưu sinh, nuôi sống cả gia đình.
Lúc trước, trong thời gian đợi cấp lại bằng mới, tôi buộc phải nghỉ việc vì có bằng thì mới dám chạy xe. Hiện tại, tôi thấy thủ tục cấp bằng nhanh gọn, bớt rườm rà hơn.
Việc rút ngắn thời gian làm bằng hỗ trợ cho người dân rất nhiều trong việc đi lại. Tôi không cần phải đi đường xa đến đây lần nữa để lấy bằng, công việc của tôi cũng sẽ không bị gián đoạn".
Mặc dù quy trình này áp dụng đối với trường hợp GPLX quá hạn nhưng cũng là nền tảng mở ra hướng ứng dụng công nghệ số nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian cho nhiều loại giấy tờ, bằng cấp khác trong lĩnh vực giao thông.
Người dân dự phần thi sát hạch thực hành tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi - Ảnh: CHÂU TUẤN
Xem xét mở rộng thêm ở nhiều khâu
Việc ứng dụng công nghệ số để rút ngắn thời gian cấp GPLX như trên được giới tài xế rất hoan nghênh đón nhận và mong muốn ngành giao thông tiếp tục mở rộng thêm ở nhiều khâu làm thủ tục, giấy tờ khác.
Anh Trần Đình Quang, một tài xế xe khách, nhìn nhận bây giờ là thời đại số, hơn nữa tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc tập trung trực tiếp làm thủ tục hồ sơ không còn phù hợp, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy hình thức làm, cấp các loại giấy tờ qua kênh trực tuyến là cần thiết và là xu thế. Vấn đề này không chỉ lợi cho người dân mà cũng tiện cho các đơn vị quản lý.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được quy trình cấp GPLX này, ngành giao thông thành phố đã chuẩn bị nhiều tháng xây dựng hạ tầng công nghệ.
Ông Ngô Đình Quang, trưởng Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở GTVT TP.HCM, giải thích rõ hơn: theo quy định của pháp luật hiện nay, GPLX quá hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm thì phải thi lại lý thuyết. Nếu GPLX quá hạn trên 1 năm, người dân phải thi lại lý thuyết lẫn thực hành. Thời gian để cấp lại GPLX sau khi sát hạch cũng cần khoảng 10 ngày.
Theo đó, sau khi thí sinh đạt kết quả sát hạch sẽ được đính kèm với quyết định trúng tuyển và lập bộ hồ sơ theo quy định để Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác thực rồi mới tiến hành cấp số GPLX.
Sau đó toàn bộ hồ sơ (đã xác thực) được gửi về Sở GTVT để in GPLX (bằng máy in chuyên dụng). Một GPLX cần đến 2-3 phút để in. Hiện tại, sở có 2 máy in nhưng mỗi ngày phải cấp khoảng 2.000 giấy phép (gồm GPLX cấp mới và cấp lại). Vì vậy, khoảng thời gian cấp GPLX kéo dài.
Từ đó, Sở GTVT đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian cấp GPLX, bằng cách ngay sau khi có kết quả sát hạch thì thực hiện luôn việc in giấy phép lái xe và cấp cho người dân tại trung tâm sát hạch.
Việc này có thể rút ngắn thời gian cấp bằng từ 10 ngày xuống 2 tiếng. Đây là một trong những hoạt động cải cách thủ tục hành chính của sở và thành phố trong năm 2021.
Để rút ngắn thời gian cấp bằng lái, Sở GTVT cùng trung tâm sát hạch đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các cơ sở vật chất, kỹ thuật cùng các thủ tục liên quan - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sở GTVT cũng nhận được sự hỗ trợ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đảm bảo đường truyền thông tin bảo mật về thẳng trung tâm sát hạch. Nhận được "xác thực trung ương" từ xa để xác thực dữ liệu, kết quả trúng tuyển của thí sinh và bộ số GPLX rồi in ngay tại trung tâm sát hạch. Những thủ tục này trước đó phải cần thêm thời gian để gửi hồ sơ ra tổng cục xét duyệt và in tại Sở GTVT.
Về cơ sở vật chất và kỹ thuật, sở kêu gọi xã hội hóa ở các trung tâm sát hạch để đầu tư về máy móc, thiết bị (máy in, máy tính, các đường truyền). Máy in chuyên dụng có chi phí khá lớn (khoảng 250 - 300 triệu đồng) và phải được bảo quản trong nhiệt độ dưới 20 độ C.
Còn thẻ phôi của GPLX và các vật liệu in thuộc chế độ bảo mật cao được tổng cục tham mưu cấp về trung tâm sát hạch. Những vật liệu này trước đó chỉ có tại tổng cục và sở.
Ngoài ra, sở còn thành lập các hội đồng để phối hợp thực hiện với trung tâm sát hạch, tập huấn cho mọi người cách vận hành máy móc, in ấn GPLX…
"Hiện tại, khoảng 10 ngày, sở sẽ tổ chức một đợt cấp GPLX sau khi có kết quả sát hạch đối với giấy phép quá hạn sử dụng (tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi). Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đại trà, tiến tới việc tổ chức cấp GPLX trong ngày cho cả ôtô và môtô", ông Ngô Đình Quang cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận