04/09/2013 08:12 GMT+7

Theo dấu chồn bay

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Chập choạng tối, khi những cơn mưa rừng cuối hè bắt đầu đổ xuống dãy Trường Sơn là lúc những người Cơ Tu (huyện Tây Giang, Quảng Nam) bắt đầu hành trình đi săn lùng những chú chồn bay quý hiếm.

beEFOJVr.jpgPhóng to
Chồn bay (treo giữa cây nêu) được người Cơ Tu ở làng A Rớt dùng để cúng thần linh trong các lễ hội đâm trâu như lời cầu mong cho một cuộc sống bình yên - Ảnh: Ngọc Anh

Những con chồn có cánh như loài dơi thoắt ẩn thoắt hiện trong những cánh rừng già còn là đặc sản apứ trứ danh của người dân bản địa. Loài chồn có cánh tuyệt đẹp này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trước sự săn bắt ráo riết của con người...

Ngôi làng lưu lạc

"Nếu mình bắn chết chồn, máu của chúng loang ra, con chồn khác sẽ biết rồi bỏ khu rừng đi mất"

Làng A Rớt của xã A Ting, huyện Đông Giang (Quảng Nam) nằm sát cung đường liên tỉnh nối thị trấn Prao (Đông Giang) với TP Đà Nẵng. Khu làng nhỏ bí ẩn nép mình trong một thung sâu. Làng như tách biệt vì bị chia cắt bởi nhiều con khe và các vách núi dựng đứng. Tiếng gà rừng cục tác giữa nắng trưa lặng bóng người. Bó mây nước còn chảy nhựa vừa được A Lăng Bột lấy từ rừng già về để giữa sân nhà gươl chuẩn bị mang đi cân ký bán về xuôi. Cũng như hàng chục trai tráng trong làng, công việc chính của những thanh niên Cơ Tu này là kiếm sống từ những cánh rừng sâu. Mùa nắng họ lên rừng chặt củi, lấy mây, hái lá, tìm ong mật... và gài bẫy săn thú. Riêng mùa đông thì những khu rừng ẩm ướt và các con suối trên đỉnh cao Trường Sơn lại cho họ loài cá niên ruột đắng với hương vị rất nồng nàn.

Kéo ống nước tự chảy từ đỉnh đồi ngang qua làng, A Lăng Bột ngửa người uống một hơi dài, từng ngụm nước mát ừng ực qua cổ. Quẹt tay áo ngang miệng, Bột thì thào nhớ lại: “Ngày xưa ở làng cũ gần biên giới Lào, làng A Rớt này hạnh phúc hơn giờ lắm. Hồi đó chim thú nhiều, cái gì của núi rừng cũng còn hoang sơ. Bây giờ người dưới xuôi lên mua hết. Rừng dưới này tan nát hết rồi. Cuộc sống ngày càng khó”. Bột tỏ thái độ lo lắng hơn khi những thanh niên mới lớn ở làng A Rớt bắt đầu biết đào đất đãi vàng, biết đi “tăm” từng cục vàng bằng hóa chất ở các con khe xa thẳm, điều mà người Cơ Tu lớn tuổi chưa hề biết khi gần một đời họ sống chan hòa với cỏ cây.

Bột kể rằng ngôi làng cũ của mình ở tận núi A Xan thuộc huyện Tây Giang xa xôi. Từ làng A Rớt bây giờ, muốn về lại làng cũ phải mất gần bảy ngày đi bộ ngược theo con sông Lăng. A Lăng Bột không nhớ rõ số phận của ngôi làng lưu lạc mà mình đang sinh sống. Nhưng trong loáng thoáng ký ức, Bột chỉ nhớ từng đoàn người gồng gánh vật dụng gia đình, đi dọc theo bờ suối mấy ngày trời mãi đến khi chân không đi tiếp được nữa thì mới dừng bước lập làng định cư.

Nói rồi, Bột dẫn chúng tôi về căn nhà sàn xinh xắn của mình để khoe những vật dụng xưa cũ. Những chiếc chum chóe xanh màu nước biển, những cái lu màu nâu đất, đến những chiếc tẩu hút thuốc rất ngộ nghĩnh được Bột bày biện giữa nhà. Trên vách bếp, một chiếc bẫy bằng gỗ với những cọng dây đan chéo dính đầy mạng nhện. Thấy chúng tôi tò mò, Bột tiết lộ: “Bẫy chồn đấy! Ngày xưa không có súng. Chúng được các già làng xưa sáng chế để bắt loài chồn chuyên di chuyển trên cành cây. Chúng có cánh, biết bay, nhưng vẫn dính bẫy này”. Ngày mới dời làng từ A Xan về A Rớt, những chiếc bẫy này chỉ dùng vài lần rồi chúng được treo ở góc bếp làm kỷ niệm, bởi loài chồn bay nơi đây không còn nữa. Những người trẻ tuổi như Bột chỉ nhớ loáng thoáng về loài chồn bay, nhưng với những cụ già thì sự mất mát lớn nhất có lẽ là hương vị quyến rũ của món apứ làm từ loài chồn bay.

Ngược dòng sông Lăng

Hé lộ của A Lăng Bột về loài chồn bay độc đáo và cách săn bắt loài động vật này của người bản địa khiến chúng tôi phải ngược dòng sông tìm về ngôi làng xưa cũ. Cung đường từ A Rớt ngược lên thị trấn Prao, qua cầu A Vương trên đường Hồ Chí Minh trước khi rẽ trái theo hướng tây tìm về Tây Giang ngập trong sắc vàng của hoa dại. Sĩ, một người bạn đồng nghiệp của chúng tôi, tiết lộ thi thoảng các quán nhậu ở trung tâm huyện vẫn có bán thịt loài chồn bay này. “Nhưng chỉ bán cho người quen thôi. Các anh lạ họ không bán đâu. Chồn đắt lắm, giá từ 600.000-800.000 đồng/kg đấy!” - Sĩ nói. Sĩ bảo có hôm những người thợ săn mang cả bao chồn 8-10 con xâu thành một chuỗi bỏ cho các hàng quán. Tất cả đều bị bắn chết chứ không còn đặt bẫy kiểu cổ xưa như người dân nơi đây.

Trời dần chiều. Đường từ trung tâm huyện Tây Giang lên A Xan phải mất gần nửa ngày đi xe máy. Chúng tôi quyết định dừng chân ở xã Lăng, nơi có dòng sông lượn lờ chảy qua trước mặt. Già Clâu Nâm vui vẻ dẫn người lạ thăm khu làng Pơning mới dựng trên một ngọn đồi vi vút gió. Ở cái tuổi 83, già Clâu Nâm là một trong số ít người còn tự tay chặt nứa, vót tên, làm thuốc độc để tẩm tên và tự mình vào rừng săn bắt. Với cư dân ở làng Pơning, cái tên Clâu Nâm đã trở thành huyền thoại. Với cánh tay to dài và chắc khỏe, năm 12 tuổi ông đã sải bước không mỏi trong các cánh rừng, 16 tuổi tự tay mình dùng giáo đâm con heo rừng nặng cả tạ.

Dẫn chúng tôi ra khu đất trống giữa làng, chỉ tay về ngọn núi S’Tiêng cao ngất như ngọn giáo chọc thẳng trời xanh, nơi có những thân cây cao vút, già Nâm bảo: “Ngọn S’Tiêng chính là thánh địa của loài chồn bay! Nơi đấy ngày xưa chồn rất nhiều. Có những con chồn thông minh đến mức gần như thách thức tất cả những thợ săn lão luyện nhất của cả làng”.

Già Nâm kể rằng chồn bay là loài vật khôn khéo và thông minh nhất của cánh rừng này. Điều đặc biệt của loài thú này là chưa bao giờ chúng xuống đất để tìm kiếm thức ăn. Mùa xuân chúng ăn những chồi non rồi ẩn trú trong những thân cây cao có bộng (rỗng) giữa ruột. Đầu mùa hè, khi cây trái trong rừng bắt đầu chín mọng là lúc lũ chồn bay rời ổ bay tới tấp để tìm trái cây ăn, nhưng chúng chỉ làm công việc này chủ yếu vào ban đêm. Già Nâm cho hay người Cơ Tu bản địa rất ít bắn chết chồn bay mà chỉ đặt bẫy trên các cành cây có bộng. Khi con chồn đi ăn về chui vào bộng cây trú ẩn sẽ dính bẫy. “Nếu mình bắn chết chồn, máu của chúng loang ra, con chồn khác sẽ biết rồi bỏ khu rừng đi mất” - già Nâm nói. Cứ thế, người Cơ Tu và loài chồn chung sống rất nhiều đời nay, họ vẫn bắt chúng làm thực phẩm mà loài chồn này vẫn tồn tại.

Thế rồi cái chết của người đàn ông tàn phá cánh rừng để bắt chồn đã khiến núi S’Tiêng trở nên linh thiêng trong mắt người bản địa. Năm 2008, một người thợ săn từ miền xuôi lên, lén lút vào cánh rừng chặt các cây cao để bắt chồn thì bất ngờ bị cây đè chết. Toàn bộ số chồn bay mà người đàn ông này bắt được đã tự cắn giỏ rồi đào thoát trước khi người ta phát hiện thi thể ông ta nằm dưới thân cây. “Vậy mà thời gian gần đây vẫn có người mang súng hơi ban đêm lén lút vào rừng” - già Nâm lo lắng.

Người Cơ Tu không những ăn thịt chồn bay mà chúng được người ta biết đến như một biệt dược chữa bệnh đường ruột. Chính vì sự quý của loài động vật hiếm này nên khi dùng làm thực phẩm, người Cơ Tu dùng luôn phần ruột và những túi đựng thức ăn bên trong của nó. “Chồn bay ăn cây trái nên mình ăn luôn ruột của chúng. Ruột đắng, nặng mùi, nếu không quen thì người ta không ăn được nhưng ruột rất lành. Món này gọi là apứ” - già Clâu Nâm nói.

Ngày xưa, apứ chỉ dành để đãi khách quý trong làng, những người cao niên hoặc những người bệnh tật mới được dùng. Bây giờ, loài chồn bay đang bị đe dọa bởi các lái buôn và hàng quán nên apứ không còn phổ biến trong những cánh rừng này.

Giờ đây trong các lễ hội đâm trâu của làng A Rớt, người ta vẫn thường dùng những con chồn bay treo giữa cây nêu trong lễ cúng. Với người Cơ Tu, việc đâm trâu là để trả ơn thần linh, cầu mong cho một cuộc sống bình yên, khỏe mạnh an lành, mùa màng bội thu và không bệnh tật. Và sự hiện diện của loài chồn bay trong lễ hội là ước muốn cho sự thông minh và cao quý mà con người luôn hướng đến dù ở bất kỳ hoàn cảnh khốn khó nào.

Chồn bay là gì?

Do78yuUw.jpgPhóng to
Cận cảnh một con chồn bay - Ảnh: UBND huyện Tây Giang

Chồn bay hay chồn dơi có tên khoa học là Cynocephalus variegatus. Đầu rộng, tai ngắn tròn hoặc tù. Mắt to, màu nâu đỏ hay nâu lục nhạt. Màng cánh phủ tới đầu mút đuôi. Lông trên mặt cánh lốm đốm nâu xám, mặt dưới cánh nhạt hơn không có đốm. Con cái có màu xám sáng hơn chuyển dần sang màu nâu, thậm chí hơi đỏ. Chiều dài chi trước và chi sau gần như bằng nhau, có năm ngón. Các ngón chân nối nhau bằng màng da tới tận gốc vuốt chân. Trong đêm rừng tối chồn bay có thể bay từ cây này qua cây khác mà hoàn toàn không bị ngã hoặc vướng phải dây leo, bụi rậm mọc chằng chịt trong khắp khu rừng.

Đây là họ duy nhất và cũng gồm một giống duy nhất phân bố ở rừng mưa nhiệt đới Việt Nam, Philippines và Indonesia. Chồn bay có một đời sống sinh thái, thức ăn và tập tính hoàn toàn khác biệt với các loài khác. Nhằm thích nghi với đời sống leo trèo trên cây nên chúng có móng vuốt sắc nhọn để bám chắc vào lớp vỏ cây mỗi khi leo trèo tìm kiếm thức ăn. Do hoàn toàn sống trên cây, trên cành cây và hầu như không bao giờ xuống mặt đất nên nó di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách giương màng cánh da lượn trong không trung. Khả năng bay lượn của chúng chủ yếu từ trên cao xuống thấp, do vậy mỗi lần chuyền từ cây này qua cây khác chúng phải leo lên vị trí cao nhất của thân cây để bay.

Ở Việt Nam, chồn bay được đưa vào Sách đỏ và được pháp luật bảo vệ vì số lượng loài này còn rất ít trong một số khu bảo tồn hoặc vườn quốc gia.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên