26/11/2013 09:40 GMT+7

Thêm manh mối về năm sinh của Đức Phật

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO – Một phát hiện khảo cổ mới ở Nepal cung cấp manh mối để xác định địa điểm và thời gian chính xác khi Đức Phật đản sanh.

pVmqIwo7.jpgPhóng to
Những người hành hương tại Đền thờ Maya Devi, phía sau là nơi khai quật được đền thờ cổ - Ảnh: CNN

Các nhà khoa học vừa khai quật được ngôi đền Phật giáo cổ xưa nhất từ trước đến nay ở Lâm Tỳ Ni (Lumbini, Nepal), thánh địa được cho là nơi Phật sinh ra, và khám phá này cung cấp bằng chứng cho thấy cuộc đời của đức Phật khởi sinh từ thế kỷ thứ VI (trước Công nguyên), theo CNN ngày 25-11.

“Đây là một trong những lần hiếm hoi đức tin, truyền thống, khảo cổ học, và khoa học cùng gặp nhau” – FoxNews dẫn lời trưởng nhóm tác giả nghiên cứu Robin Coningham, hiện là giáo sư tại Đại học Durham (Anh), phát biểu tại buổi họp báo sáng 25-11.

Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Antiquity. Theo đó, các nhà khảo cổ mô tả địa điểm khai quật được là tàn tích của một ngôi đền bằng gỗ có kích thước bằng với một ngôi đền khác cũng được xây dựng tại cùng địa điểm này vào thế kỷ thứ III TCN.

Phát hiện mới này chắc chắn sẽ gây tranh cãi vì nhiều học giả tin rằng đức Phật sống ở thế kỷ thứ III TCN dù không hề có bằng chứng khảo cổ học để chứng minh cho giả thuyết này.

Theo Coningham, nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành khảo cổ tại khu vườn bên trong Đền thờ Maya Devi ở Lâm Tỳ Ni để tìm câu trả lời chính xác về sự ra đời của đức Phật. Theo truyền thuyết, Hoàng hậu Maya Devi đã nắm lấy một nhánh cây bồ đề trong khu vườn này khi sinh đức Phật.

Và kết quả là họ đã khai quật được một ngôi đền bằng gỗ được xây dựng trước đó bị chôn vùi ngay dưới khu vườn Lâm Tỳ Ni.

“Chúng tôi biết rằng công trình nguyên vẹn của đền thờ này bắt đầu từ thế kỷ VI TCN, và điều này làm sáng tỏ cuộc tranh luận dai dẳng về năm sinh của Phật” – ông Coningham nói.

Lâm Tỳ Ni, khu vực nằm dưới chân núi Himalaya và ở giữa biên giới Nepal với Ấn Độ, là một trong bốn địa điểm ghi dấu quan trọng nhất trong cuộc đời đức Phật.

Ba địa điểm còn lại gồm Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là nơi Phật giác ngộ, Sarnath là nơi đầu tiên ngài giảng pháp, và cuối cùng, Kusinagara là nơi Phật nhập Niết Bàn.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên