Y bác sĩ tham gia chống dịch COVID-19 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Cả 4 ca mắc mới (bệnh nhân 1301-1304) đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Hà Nam (2 ca) và Nam Định (2 ca). Trong đó ca bệnh 1301 (bệnh nhân 1301) là nữ, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ca bệnh 1302 (bệnh nhân 1302) là nam, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận 11, TP.HCM.
Ngày 16-11, bệnh nhân 1301-1302 từ Canada nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5028, được cách ly ngay tại tỉnh Hà Nam. Hai bệnh nhân được lấy mẫu ngày 17-11, kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Ca bệnh 1303 (bệnh nhân 1303) là nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội; ca bệnh 1304 (bệnh nhân 1304) là nam, 67 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội,
Ngày 6-11, bệnh nhân 1303-1304 từ London (Vương quốc Anh) nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN56, được cách ly ngay tại Trung đoàn 180, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định. Hai bệnh nhân được lấy mẫu lần 1 ngày 7-11, kết quả xét nghiệm âm tính; lấy mẫu lần 2 ngày 17-11, kết quả xét nghiệm ngày 19-11 tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.
Với 4 bệnh nhân mới, cả nước đã ghi nhận tổng số 1.304 ca bệnh từ đầu mùa dịch, trong đó có 1.142 người đã khỏi bệnh và được ra viện.
Chiều 19-11, chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 với các quận, huyện, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý dẫn chứng cụ thể trường hợp tái dương tính với COVID-19 rồi lại âm tính trong tuần qua tại quận Cầu Giấy và yêu cầu rút kinh nghiệm về việc còn chủ quan ở các bệnh viện.
Theo ông Quý, khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao nhưng Bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội vẫn cho điều trị tại nhà mà chưa xét nghiệm ngay, như vậy là còn "lỏng" trong phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua các đoàn kiểm tra của TP tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch, thực tế kiểm tra cho thấy các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng như khu chung cư, khu chợ và bến tàu xe trên địa bàn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền - trưởng đoàn kiểm tra số 1 - cho rằng nếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền không thì không hiệu quả, vẫn phải xử phạt hành chính để nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống dịch.
Các đoàn kiểm tra ở một số chợ tại huyện Thanh Trì cho thấy đối với những chợ được thông báo trước thì người bán và người mua đều đeo khẩu trang nghiêm túc. Nhưng khi kiểm tra đột xuất không báo trước tại một vài điểm chợ khác thì người dân ở đây đều không đeo khẩu trang.
Báo cáo thêm về vấn đề này, lãnh đạo thị xã Sơn Tây thông tin: qua kiểm tra tại các chợ truyền thống trên địa bàn, chỉ có 25-30% người dân chấp hành đeo khẩu trang. Song vì mức xử phạt theo quy định mới cao (1-3 triệu đồng) nên chủ yếu chỉ tuyên truyền, nhắc nhở và vận động người dân.
Ở các quận nội thành, quận Cầu Giấy báo cáo đối với các nơi có cổng chợ, nếu người dân không đeo khẩu trang thì lực lượng chức năng nhất quyết không cho vào. Vì thế có khoảng 80% người dân chấp hành đeo khẩu trang tại chợ truyền thống thuộc địa bàn quận.
Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đánh giá nhiều nơi công cộng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang; việc xử phạt chưa quyết liệt, vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở. Việc này có cả từ phía người dân và lực lượng quản lý…
Ông Quý yêu cầu các quận huyện cần phải quyết liệt hơn, vận động người dân thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang và đề nghị trong tuần sau các quận huyện phải có báo cáo cụ thể về việc này.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ và khu vực châu Âu.
Việt Nam đã qua 78 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Các trường hợp mắc mới đều là những người nhập cảnh và được cách ly ngay khi vào Việt Nam, song vẫn có nguy cơ lây lan dịch nếu các địa phương, đơn vị không thực hiện tốt công tác cách ly.
Đối với 1 trường hợp tái dương tính rồi lại âm tính với COVID-19 trong tuần qua tại Cầu Giấy, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đặc biệt nhắc nhở: "Qua trường hợp này chúng ta vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác và khi có trường hợp nghi ngờ lập tức triển khai ngay công tác khoanh vùng, lấy xét nghiệm".
"Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm vì các bệnh viện còn chủ quan khi bệnh nhân có biểu hiện sốt cao nhưng vẫn cho điều trị tại nhà mà chưa xét nghiệm ngay. Nếu ca này dương tính thật sẽ rất dễ bùng phát dịch trong cộng đồng", ông Quý nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận