Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 19 với 504 thành viên, trưởng đoàn là ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục Thể dục thể thao. Trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam có 337 vận động viên, 90 huấn luyện viên, 11 chuyên gia... đến từ 31 môn và phân môn, thi đấu ở 202 nội dung.
Kết thúc Asiad 19, thể thao Việt Nam giành được 3 HCV và có thể nói là hoàn thành chỉ tiêu đạt được số HCV đề ra trong kỳ đại hội. Tuy nhiên xét tổng thể, với việc đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á, đây có thể coi là thất bại của thể thao Việt Nam.
Trước đó tại SEA Games 31 năm 2022, SEA Games 32 năm 2023, thể thao Việt Nam luôn đứng vị trí số 1 Đông Nam Á.
Trưởng đoàn thể thao lên tiếng xin lỗi người hâm mộ cả nước vì thành tích của đoàn chưa được như mong đợi.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online mong rằng đây không là lời xin lỗi suông, mà cần những hành động cụ thể sau khi nhìn thẳng vào những nguyên nhân dẫn đến kết quả bết bát của thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục.
Cần nhìn nhận thực tế thể thao Việt Nam
Ngài trưởng đoàn nên nhìn nhận thực trạng thể thao đỉnh cao của nước ta đang kém xa so với các nước trong khu vực dù được Nhà nước rất quan tâm và đầu tư.
Vấn đề là chiến lược lâu dài và nhân sự của ngành thể thao chưa tốt. Ví dụ điển hình là chế độ dinh dưỡng nuôi các tài năng trẻ bóng bàn quốc gia mà báo chí mới nêu gần đây. Như vậy thì lấy đâu ra "thể lực, thể hình" tốt để tranh tài thể thao đỉnh cao, đó là chưa nói đến "động lực" để các tài năng trẻ phấn đấu.
Bạn đọc Tân
Đừng xin lỗi suông!
Không nên xin lỗi suông. Phải xem lại cách đào tạo và các chế độ cho vận động viên, có hay không chuyện bớt bữa ăn. Bỏ bớt các môn thi đấu ở SEA Games nếu môn đó không có trong thi đấu ở Olympic và Asiad. Nếu không thay đổi thì thể thao Việt Nam vẫn cứ lẹt đẹt vậy thôi.
Bạn đọc Cuong
Có hay không việc bớt xén tiền ăn?
Các vận động viên ăn uống thiếu thốn như thế thì làm sao có sức mà thi đấu. Đề nghị rà soát tất cả chế độ ăn, tiền ăn của toàn bộ ngành thể thao. Có hay không việc bớt xén tiền ăn của vận động viên, đây là vấn đề nhức nhối tồn tại từ lâu rồi.
Bạn đọc tong****@yahoo.com
Thể thao học đường èo uột
Vì lợi ích trước mắt mà trẻ tiểu học bị ép học thêm, phụ đạo suốt, không còn thời gian ăn - ngủ - chơi thì lấy đâu phát triển thể thao. Thể thao muốn có nền móng phải phát triển từ thể thao học đường. Vóc dáng nhỏ con, cận thị… trong khi công tác đào tạo thì cấp tốc, kèo thơm mới nhận…
Bạn đọc Nguyễn Thanh Liêm
Tốn tiền, không hiệu quả
Đào tạo vận động viên cấp châu lục, thế giới là việc cực kỳ gian khó, mất thời gian nhưng khó mới cần những cơ quan như Tổng cục Thể dục Thể thao. Đầu tư một núi tiền, tạo hệ thống từ 63 tỉnh thành... nhưng không hiệu quả. Nếu đã dự đoán giành HCV rất khốc liệt thì thể thao Việt Nam không nên mang hơn 500 con người, trong đó có nhiều quan chức sang Asiad 19 tốn kém.
Bạn đọc Anh Vũ
Đừng biện bạch nữa!
Ông tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao biện bạch là do Việt Nam chưa đầu tư nhiều. Đây là một cách biện bạch cho sự yếu kém của mình. Tôi chắc chắn rằng đội tuyển thể thao Việt Nam đầu tư đi tập huấn ở nước này nước kia nhiều hơn gấp nhiều lần Triều Tiên.
Họ chỉ có HLV trong nước, không có một HLV ngoại nào, họ cũng không đi tập huấn ở nước nào cả, tuy nhiên họ đạt 11 HCV trong lúc dân số của họ chưa bằng một nửa dân số Việt Nam. Điều này nói lên rằng không biết thể thao Việt Nam tập huấn kiểu gì, tốn rất nhiều tiền bạc của nhân dân nhưng thành tích thì ê chề.
Bạn đọc Trần Tường Lan
Thể thao Việt Nam đầu tư dàn trải
Đặt mục tiêu thì phải xác định được thế mạnh của mình và tập trung chính vào nó, còn cứ dàn trải thì làm sao đạt được. Các nước Đông Nam Á khác có sẵn vài môn Olympic đã ở đỉnh thế giới, còn Việt Nam thì chưa có môn nào mà chỉ dựa vào những khoảnh khắc lóe sáng.
Chưa kể đặt mục tiêu 5 năm là không tưởng khi nền tảng thể thao học đường không phát triển thì làm gì có nguồn vận động viên mạnh nhiều và cạnh tranh. Các nước khác họ cũng sẽ tiếp tục phát triển lên thì chẳng dễ để ảo tưởng 5 năm sau đạt được mục tiêu.
Bạn đọc K
Không thấy nguyên do thất bại thì đừng mơ thành công
SEA Games là sân chơi không thể thiếu. Song ngành thể thao nước nhà đừng quá chú trọng thành tích của đấu trường này mà hãy đầu tư cho một số môn trọng điểm cấp độ Asiad, Olympic.
Nếu không thật sự nghiêm túc "đại phẫu" nguyên do thất bại thì đừng mơ thể thao Việt Nam chạy đua đường dài cùng các nước như trong khu vực. Bài toán cho ngành thể thao mà sao mãi vẫn chưa có đáp số!
Bạn đọc Dinh Trần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận