Muốn thoát ra khỏi vòng tay bố mẹ
Tương lai của Pi Li thực sự rất tươi sáng đúng như mẹ cô hoạch định. Từng học ở vương quốc Anh trong ba năm, cô gái 20 tuổi có nhiều cơ hội để vào Trường Đại học Cambridge và có thể lập công ty riêng khi trở về Bắc Kinh.
Phóng to |
Nhưng trên thực tế thì Pi không có ý định đi theo lộ trình này. Cô học nấu ăn - ngành cô thích nhất và khi trở lại Trung Quốc, bạn bè Pi giúp cô mở một nhà hàng kiểu phương Tây. Tất nhiên, một "cơn bão" đã dội xuống đầu Pi khi mẹ cô phát hiện ra điều này nhưng Pi khăng khăng làm theo ý mình và cuối cùng đã thuyết phục được bố mẹ.
Theo Chinadaily, khoảng cách thế hệ là một đề tài quen thuộc trong nhiều cuốn truyện, bộ phim và show truyền hình ở Trung Quốc. Lớp thanh niên sinh sau những năm 1980 thường được gọi là baling hou, tức "Thế hệ tôi", sinh ra sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách mở cửa và chính sách một con. Hiện nay, thế hệ này bước vào tuổi trưởng thành và bắt đầu đóng vai trò trong xã hội.
Người ta vẫn cho rằng "thế hệ tôi" được nuông chiều và coi mình là trung tâm. Tuy không phải hoàn toàn đúng với tất cả, nhưng một điều chắc chắn là "thế hệ tôi" rất kiên quyết với việc đưa ra những lựa chọn độc lập.
Cô gái Bắc Kinh Liu Ting, 25 tuổi, cũng có hoàn cảnh giống Pi Li. Sinh ra trong một gia đình giàu có, Liu học diễn xuất ở Trường Đại học Truyền thông Trung Quốc và tốt nghiệp năm 2007. Với sự giúp đỡ của bố mẹ, cô xin làm biên tập viên một chương trình được yêu thích tại Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Việc của Liu khi ấy là gọi điện thoại và ngồi trước máy tính. Liu kể rằng cô đã rất chán chường.
Phóng to |
Năm ngoái, Liu bắt đầu lập hãng PR của mình. Khi cô nói điều này với bố mẹ, họ sốc và giận dữ đến nỗi mẹ cô suýt ngất.
Cô gái trẻ đầy tham vọng rất lạc quan về tương lai của mình, song công ty của cô chẳng kiếm được xu nào trong suốt mấy tháng. Liu lo lắng đến mất ngủ nhưng cô vẫn làm việc không ngừng nghỉ và kiên định với kế hoạch của mình. Cô không hỏi xin tiền của bố mẹ vì muốn chứng tỏ mình sẽ làm được.
Đi ngược truyền thống
Kiến trúc sư Wang Yu ở Bắc Kinh cũng là một người trẻ "nổi loạn" như thế. Làm việc ở một công ty nhà nước kể từ khi tốt nghiệp đại học bảy năm trước đây, chàng trai 30 tuổi vẫn không bao giờ từ bỏ ước mơ lập công ty đồ chơi của riêng mình. Hồi nhỏ, Wang Yu mê mẩn với việc sưu tầm đồ chơi Nhật Bản và Mỹ.
Cuối cùng, năm 2005, anh đã tung ra xưởng sản xuất đồ chơi và hiện cố gắng thiết lập thương hiệu của mình. Trong khi bố mẹ Wang Yu luôn luôn tin tưởng rằng công việc nhà nước của anh rất lý tưởng và đảm bảo cho anh khoản thu nhập thì anh lại muốn làm việc cho chính mình.
Phóng to |
Dù đã có công việc nhà nước đảm bảo nhưng kiến trúc sư Wang Yu vẫn muốn theo đuổi mơ ước thuở bé của mình - Ảnh: Chinadaily |
"Tôi cố gắng giải thích mục tiêu của mình với bố mẹ. Tôi biết điều này rất mạo hiểm và không bình thường xét theo quan điểm truyền thống của người Trung Quốc nhưng tôi rất muốn thử", Wang Yu tâm sự.
Còn Lai Jinrong và bốn chàng trai trong ban nhạc rock "Lost Control of Logic" cũng đang cố gắng tạo dựng tên tuổi của mình đồng thời phải ra sức thuyết phục bố mẹ. Lai Jinrong cho biết thái độ của các ông bố bà mẹ đã thay đổi chút ít, từ chỗ hoàn toàn phản đối Lai và nhóm bạn đến việc hiểu họ hơn.
Ban đầu, các bậc phụ huynh nghĩ rằng ban nhạc chỉ muốn chơi bời nhưng sau đó họ nhận ra rằng các con mình muốn gây dựng sự nghiệp. Nhưng sự "thách thức" này khiến một thành viên ban nhạc phải trả giá: bị bố mẹ từ bỏ.
Phóng to |
Dù bố mẹ không đồng ý, Lai Jinrong vẫn theo đuổi ước mơ của mình và hiện anh rất hài lòng với việc chơi ghi ta ở ban nhạc rock - Ảnh: Chinadaily |
Theo Zhou Xiaozheng, giáo sư khoa Xã hội học Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, những thanh niên baling hou lớn lên trong thời kì kinh tế, xã hội thay đổi mạnh mẽ và những đòi hỏi về giáo dục rất khắt khe. Khoảng cách giữa họ và bố mẹ thể hiện rõ nhất ở việc họ theo đuổi các sở thích, mục tiêu sự nghiệp và thái độ cởi mở với chuyện yêu đương và kết hôn.
Đạo diễn Zhao Baogang “Who Determines My Youth” (tạm dịch là "Ai quyết định tuổi trẻ của tôi") một bộ phim lay động nhiều trái tim khán giả, lấy câu chuyện những bạn trẻ sinh vào những năm cuối 1980, cho rằng các bậc bố mẹ thường rơi vào cảnh thất vọng khi con họ "đi trái đường", không đúng như kỳ vọng của họ. Các bậc bố mẹ thì làm tất cả những gì mình có thể để tạo điều kiện tốt cho con. Còn con cái thì có những mơ ước riêng của mình và những mơ ước này đi ngược lại với kỳ vọng của các bậc cha mẹ.
Do vậy theo nữ diễn viên chính của bộ phim - Wang Luodan, giao tiếp là yếu tố chủ chốt để tìm ra giải pháp giữa bố mẹ và con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận