Nhân viên của Amazon ở Los Angeles, bang California, biểu tình ngày 22-3 vừa qua - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi biết rằng các tài xế của chúng tôi có thể và đã gặp phải vấn đề tìm được nhà vệ sinh do đang chạy trên đường đông xe hoặc đi vào vùng nông thôn. Tình trạng này càng căng thẳng trong mùa dịch COVID-19, do nhiều nhà vệ sinh công cộng đã đóng cửa".
Hôm 2-4, tập đoàn bán hàng qua mạng khổng lồ Amazon của Mỹ đã phải phát đi thông cáo thừa nhận một thực trạng đáng buồn về người lao động của mình: tài xế đã phải đi tiểu vào chai nhựa khi lái xe giao hàng.
Nhờ truyền thông vào cuộc
Vụ lùm xùm xuất phát từ dòng tweet của nghị sĩ Mark Pocan bên Đảng Dân chủ. Ông viết: "Việc quý vị (Amazon) có trả nhân viên được 15 USD mỗi giờ thì cũng không biến quý vị thành nơi làm việc cấp tiến được khi nhân viên của quý vị phải đi tiểu vào chai nhựa".
Khi đó, một tài khoản chính thức của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đáp trả đầy tự tin: "Thế ngài có thực sự tin vào chuyện đi tè trong chai không vậy? Nếu có thiệt như vậy thì đâu có ai chịu làm việc cho chúng tôi".
Câu chuyện đấu khẩu trên Twitter buộc giới truyền thông vào cuộc và tìm ra được nhiều tài xế là nhân viên của Amazon thừa nhận đã phải "giải quyết bầu tâm sự" theo cách trên. Báo The Intercept thậm chí khẳng định nắm trong tay được các tài liệu nội bộ chứng minh rằng các lãnh đạo của Amazon có biết về chuyện khó nói của các tài xế giao hàng của tập đoàn.
Giới truyền thông còn chỉ ra rằng các tài xế phải "tự xử" ngay trên xe không phải vì không tìm thấy nhà vệ sinh mà chủ yếu vì "không có thời gian" để lái xe vào bãi đi vệ sinh đàng hoàng. Nhịp độ làm việc ở Amazon quá gắt gao và không nhân viên nào muốn bị mất điểm, tức mất việc.
Chính vì thế, sau những phanh phui của truyền thông, phía Amazon phải viết lại thông cáo nói rõ: "Chúng tôi xin lỗi nghị sĩ Pocan. Câu tweet trước đó là không đúng đắn. Câu trả lời đó là không tính đến số rất đông tài xế giao hàng của chúng tôi và sai lầm khi chỉ tập trung vào các trung tâm phân phối nơi mà các nhân viên có thể rời khỏi chỗ ngồi bất kỳ lúc nào để đến hàng chục nhà vệ sinh bố trí cho họ".
Tuy vậy, tập đoàn của Mỹ không hoàn toàn thừa nhận chuyện nội quy lao động thắt ngặt của mình, mà nói chuyện tài xế "tự xử ngay trên xe tải" là chuyện lâu nay và thông thường trong nghề này. "Chúng tôi cũng từng muốn giải quyết chuyện đó. Chúng tôi không biết làm cách nào nhưng sẽ tìm giải pháp" - thông cáo của Amazon nêu lời hứa.
Nghị sĩ Mark Pocan cũng nhanh chóng lên tiếng vào ngày 3-4 trên Twitter, kèm lời nhắc nhở không hề nhẹ: "Thở phào. Đây không phải chuyện tôi bị mà là nhân viên của quý vị và quý vị đã không xử lý đúng đắn với sự tôn trọng nhân phẩm. Xin hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận các điều kiện lao động không phù hợp mà quý vị đã áp đặt với tất cả các nhân viên của mình".
Từng ăn chặn của nhân viên
Amazon ăn nên làm ra trong mùa dịch hoành hành khắp thế giới, thâu nhận thêm hàng trăm ngàn nhân viên mới nhưng chuyện đối đãi với nhân viên của tập đoàn này không ít lần làm hao tốn nhiều giấy mực của truyền thông.
Hôm 2-2 vừa qua, giới chức Mỹ thông báo Amazon đã đồng ý trả 61,7 triệu USD nhằm dàn xếp các cáo buộc cho rằng tập đoàn đã không chuyển đủ tiền thưởng thêm (tip) mà khách hàng thanh toán cho các tài xế công nghệ trong 2 năm rưỡi qua.
Theo đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) cho biết "thỏa thuận ngoài tòa" này giúp giải quyết khiếu nại về việc Amazon không trả đầy đủ tiền tip cho các lái xe độc lập tham gia chương trình Amazon Flex.
Ông Daniel Kaufman, quyền cục trưởng Cục Bảo vệ khách hàng của FTC, cho biết thay vì trả đủ 100% tiền tip của khách hàng cho các tài xế như đã cam kết thì Amazon lại lấy một phần số tiền này ra sử dụng.
Ông Kaufman khẳng định thỏa thuận dàn xếp của FTC sẽ giúp các tài xế nhận lại hàng chục triệu USD tiền tip mà Amazon đã sử dụng sai mục đích, đồng thời yêu cầu tập đoàn này phải hỏi ý kiến các tài xế trước khi thay đổi cách thức xử lý các khoản tip trong tương lai. Qua đó, thỏa thuận trên ngăn chặn việc Amazon kê khai không trung thực thu nhập, các khoản chi trả hoặc tỉ lệ tiền tip chuyển cho cho các tài xế, hoặc thay đổi thù lao mà chưa được sự chấp thuận của các tài xế.
Amazon là một trong số các công ty thương mại điện tử bị cáo buộc không trả đủ tiền tip cho tài xế, dù từng đưa ra cam kết chuyển toàn bộ tiền tip của khách hàng cho người cầm lái. Theo khiếu nại được gửi đến FTC, tập đoàn này thường cam kết các tài xế tham gia chương trình Amazon Flex sẽ được trả 18 - 25 USD/giờ kèm theo 100% tiền tip (nếu có).
Theo FTC, từ cuối năm 2016, Amazon đã hạ mức lương trả theo giờ nhưng không công bố và sử dụng các khoản tiền tip mà khách hàng trả thêm để bù vào khoản chênh lệch, khiến các tài xế gửi hàng trăm đơn khiếu nại cho FTC. Amazon đã áp dụng trở lại chính sách trước đó từ tháng 8-2019, sau khi FTC bắt đầu điều tra vụ việc.
125,6 TỈ USD Đó là doanh thu ba tháng cuối năm 2020 của Amazon, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận cũng tăng hơn gấp đôi lên 7,2 tỉ USD. Theo ông Neil Saunders - giám đốc điều hành của hãng phân tích dữ liệu GlobalData, các số liệu thu thập cho thấy Amazon đã trở thành kênh mua sắm trực tuyến được ưa chuộng nhất từ trước đến nay, đặc biệt là với những người lo ngại việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng có thể làm lây lan dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận