03/12/2020 09:45 GMT+7

'Thế giới đa dạng' ở Hà Nội

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Liệu những gì phương Tây coi là thảm họa có thực sự kinh khủng như thế đối với người phương Đông? Hay ngược lại, phương Đông hiểu phương Tây tới mức nào?

Thế giới đa dạng ở Hà Nội - Ảnh 1.

Người dân đến xem triển lãm ảnh World Press Photo do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ở Hà Nội - Ảnh: ĐSQ Hà Lan

Đó là những vấn đề ngày càng bộc lộ trong thời đại toàn cầu hóa, khi thông tin lan truyền ở mức chóng mặt, nhưng đồng thời được tiếp nhận bằng sự bất cân xứng và khác biệt, đa dạng về trình độ, học thức, nhận thức, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc...

Triển lãm này là sự tôn vinh, thừa nhận tầm quan trọng của nhiếp ảnh, phóng viên ảnh, cũng như sự đa dạng trong chúng ta. Khi chúng ta nhìn nhận và chấp nhận sự đa dạng, đó chính là lúc chúng ta đã xây dựng sự quen thuộc, sự chấp nhận và thấu hiểu. Đây là những giá trị rất quan trọng khi chúng ta ứng phó với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman trả lời Tuổi Trẻ

Bức tranh toàn cầu ở Hà Nội

Sự đa dạng và khác biệt của thế giới được thể hiện rõ hơn qua đại dịch COVID-19. Khi Việt Nam sôi sục vì một ca nhiễm cộng đồng thì ở đâu đó tại phương Tây, những cuộc biểu tình chống quy định đeo khẩu trang vẫn diễn ra. Ngược lại, nhiều tờ báo phương Tây cũng không thể hiểu được vì sao các nước như Việt Nam có thể triển khai các biện pháp chống dịch, giãn cách xã hội hiệu quả, nhận được sự đồng tình của toàn dân như vậy.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 không phải nhân tố duy nhất tạo ra bức tranh toàn cầu, vì còn đó những cuộc khủng bố, bạo loạn, biểu tình, di cư và cuộc chiến không hồi kết để bảo vệ môi trường.

Một thế giới biến động như thế của 3 năm qua vừa được tái hiện tại Hà Nội trong 10 ngày từ 20 tới 29-11, khi Đại sứ quán Hà Lan tổ chức triển lãm Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) "Best of Three 2018-2020" trên phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm, mang những tác phẩm báo chí hình ảnh đoạt giải xuất sắc nhất đến Việt Nam.

Năm nay, "Best of Three 2018-2020" chọn 62 tấm ảnh đại diện cho câu chuyện được mô tả ý nghĩa nhất trong 3 năm qua. Theo ban tổ chức, loạt hình này tập trung vào các chủ đề nóng như di cư, biểu tình và môi trường; trong đó môi trường nổi bật nhất, nhận được sự quan tâm trong những tác phẩm đặc sắc ở các chủ đề khác như các vấn đề đương đại, thiên nhiên và tin tức thời sự.

Trong triển lãm, người xem có thể thấy lại cảnh tượng tang thương trong vụ xả súng ở Mỹ, dòng người mòn mỏi chờ lương thực ở Mosul (Iraq), hay những bức ảnh xót xa khi thiên nhiên bị tàn phá. Và tất nhiên, thế giới vẫn đầy những sắc màu lan tỏa từ vùng xa xôi, như vẻ mặt quyết tâm của những đứa trẻ cưỡi ngựa tại một góc nào đó ở Indonesia.

Mỗi năm, các bức ảnh đoạt giải được triển lãm vòng quanh thế giới tới khoảng 100 thành phố ở 45 quốc gia trong suốt cả năm, và được hơn 4 triệu lượt khách ghé thăm. Năm nay, triển lãm ảnh báo chí thế giới tại Hà Nội là một trong số rất ít triển lãm thực hiện ngoài châu Âu.

"Một bức ảnh nói được hơn 1.000 từ. Những bức ảnh trong triển lãm này là ví dụ điển hình cho những câu chuyện đã vượt qua được rào cản về văn hóa và ngôn ngữ" - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman chia sẻ.

"Những bức ảnh này nói gì về thế giới của chúng ta? Tôi nghĩ rằng đây là câu hỏi cần được trả lời bởi chính những người tới xem và thảo luận với những người khác về nó" - bà Akkerman nói với Tuổi Trẻ.

Đại sứ Akkerman cho biết đây là lần thứ hai World Press Photo được tổ chức tại các địa điểm công cộng ở Việt Nam, đồng thời tiết lộ sau khi triển lãm kết thúc tại Hà Nội ngày 29-11, Đại sứ quán Hà Lan hi vọng sẽ tổ chức tại TP.HCM vào tháng 1-2021.

Ảnh báo chí phải khách quan

Trên thực tế, như mọi cuộc thi khác, World Press Photo không tránh khỏi khó khăn trong việc đảm bảo sự trung lập trong các lựa chọn. Liệu một cuộc thi ảnh của phương Tây có thể "nhìn" châu Á, châu Phi hay phần còn lại bằng ánh mắt của mình và thực sự "thấy" được đúng giá trị của thực tại?

Theo bà Suzan van den Berg - điều phối viên triển lãm cho World Press Photo, sứ mệnh của cuộc thi này là kết nối thế giới với những câu chuyện đáng suy ngẫm có sự chính xác, minh bạch và đa dạng. "Trong triển lãm này, chúng ta sẽ thấy những câu chuyện phản ánh "tính xây dựng của báo chí" - ưu tiên và đưa vào trung tâm của câu chuyện. Ví dụ như câu chuyện về một đội bóng đá tại Benin (châu Phi) được thành lập với mục đích giúp phụ nữ trẻ kiểm soát tốt hơn tương lai của chính họ thông qua thể thao" - bà nói.

Trong cuộc trao đổi riêng với bà Van den Berg, Tuổi Trẻ đặt vấn đề về "thiên kiến chính trị" và liệu thiên kiến ấy có ảnh hưởng tới góc nhìn của giám khảo World Press Photo hay không. Đại diện cuộc thi này đáp: "Đây là câu hỏi khó. Tôi nghĩ chúng ta đều có một thiên kiến vô thức, nhưng tất cả điều này nên hỏi người chụp, phóng viên, người có thể nói cho bạn biết mọi thứ về chuyện làm việc với sự thiên kiến và khó khăn mà nó mang lại. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều trong việc tạo ra nhận thức về sự thiên kiến, ở đây không phải thiên kiến chính trị mà là thiên kiến có nhận thức và thiên kiến vô thức".

Theo bà Van den Berg, điều quan trọng là thảo luận và tranh luận về sự đa dạng và cách thức mà mọi người nâng cao sự đa dạng trong mảng ảnh này. "Vì vậy chúng tôi phối hợp càng nhiều càng tốt với các bên trên thế giới, nhằm đảm bảo tính khách quan trong các sự kiện trên toàn cầu mà chúng tôi mang về cuộc thi này" - bà nói.

Tiêu chí chọn ảnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tiêu chí chọn ảnh của World Press Photo, đại diện của cuộc thi này cho biết như nội dung đã công bố trên website về quy trình chấm giải, đây là một quy trình có sự tham gia của những thành viên giám khảo không làm việc cho World Press Photo. "Các giám khảo độc lập này chọn tất cả các bức, sau đó tranh luận, thảo luận về việc phải chọn tấm nào. Những tấm được chọn sẽ là ảnh báo chí vừa chuẩn về chất lượng, vừa có thể kể lên một câu chuyện đủ sức nặng về một chủ đề nào đó" - vị đại diện nói.

'Đường đi của rác' qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018

TTO - Nhiếp ảnh gia Kadir van Lohuizen đi khắp thế giới để tìm hiểu đường đi của rác thải từ những đô thị hiện đại, đến những bãi rác bẩn thỉu. Phóng sự ảnh "Bãi rác" của ông đã đoạt giải nhất câu chuyện Ảnh Môi trường cuộc thi World Press Photo 2018

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên