16/04/2018 11:40 GMT+7

'Đường đi của rác' qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Nhiếp ảnh gia Kadir van Lohuizen đi khắp thế giới để tìm hiểu đường đi của rác thải từ những đô thị hiện đại, đến những bãi rác bẩn thỉu. Phóng sự ảnh "Bãi rác" của ông đã đoạt giải nhất câu chuyện Ảnh Môi trường cuộc thi World Press Photo 2018

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 1.

Chờ đợi để bới tìm rác thải có khả năng tái chế hoặc bán được, cạnh một xe rác mới tới, tại bãi rác Olusosun - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Thế giới đang xả nhiều rác hơn bất kỳ lúc nào. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta thải ra 3,5 triệu tấn chất thải rắn mỗi ngày, nhiều hơn con số của thế kỷ trước đến 10 lần. 

Trong khi các quốc gia ngày càng giàu lên, thành phần rác thải của họ ngày càng phức tạp với bao bì, hàng điện tử, đồ dùng hư hỏng và lượng rác hữu cơ càng ít đi. Các bãi rác ngày càng mở rộng và núi phế thải ngày càng cao. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) báo cáo, đến năm 2050, lượng rác trôi nổi sẽ nhiều hơn lượng cá sống trong đại dương.

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 2.

Mỗi ngày có hơn 3.000 tấn rác thải được chuyển đến bãi rác Olusosun, tại Lagos, Nigeria. Hơn 4.000 người, đa số sinh sống luôn tại đây, hàng ngày bới rác bằng tay trần và mót bất cứ thứ gì có thể bán hoặc tái sử dụng được - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 3.

Bantar Gebang, ‘núi rác’ tại thủ đô Jakarta, Indonesia, có diện tích hơn 110 hecta. Hàng ngàn gia đình sinh sống tại đây và làm nghề lượm rác. Thành phố này không có địa điểm thay thế cho Bantar Gebang, cũng như không có một lò đốt rác thải nào - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 4.

Rác thải được thu gom tại thành phố Amsterdam, Hà Lan. Tại đa số các khu dân cư ở đây, rác thải được trữ trong những thùng chứa ngầm để chờ được đem đi. Nhưng tại các khu trung tâm cổ, rác được bỏ ngay bên vệ đường và được thu gom theo những ngày nhất định - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 5.

Một thuyền chở rác tại thành phố Amsterdam, đang được chất kim loại phế liệu để đem đi tái chế tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 6.

Rác thải chất đống tại khu Manhattan, Thành phố New York, Mỹ. Thành phố này tạo ra 14 triệu tấn rác mỗi năm và có cơ quan xử lý rác thải lớn nhất thế giới. Tổng chi phí hàng năm xử lý rác lên đến 1,5 tỷ đô - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 7.

Nhà máy tái chế giấy Shizai, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đã hoạt động từ năm 1969. Theo Bản đồ Rác thải Thế giới năm 2012, quốc gia này chỉ tái chế 20,8% lượng rác thải của mình. Hiện nay, trong 450 triệu tấn rác thải gia dụng hàng năm ở Nhật, khoảng 80 triệu tấn được đưa đến các bãi rác và số còn lại bị tiêu ủy trong các lò đốt - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 8.

Một xà lan với hơn 300 tấn rác, đa số là vỏ nhựa, trên đường từ khu Bronx đến một cơ sở xử lý rác tại Brooklyn, trong cùng thành phố New York. Cho đến giữa những năm 1990, phương pháp xử lý rác chính của thành phố này vẫn là… đổ thẳng xuống biển - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 9.

Dòng người túa ra bãi rác Olusosun để thu lượm phế thải. Bãi rác này đã quá tải và chính phủ Nigeria sẽ đóng cửa nó vào năm 2022 - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đường đi của rác qua phóng sự ảnh đoạt giải World Press Photo 2018 - Ảnh 10.

Trạm Ponte Pequena, một trong ba trạm trung chuyển rác tại thành phố São Paulo, Brazil. Người dân tại thành phố này được nâng cao hiểu biết về việc tái chế nên lượng rác tại đây chỉ bằng 1/3 của thành phố Rio de Janeiro kế cận - Ảnh: KADIR VAN LOHUIZEN

Đôi nét về người chụp


Kadir van Lohuizen là phóng viên ảnh tự do từ năm 1988 và theo đuổi chụp về phong trào nổi dậy của người Hồi giáo-Intifada.

Những năm về sau, ông hoạt động tại nhiều vùng có xung đột tại châu Phi như Angola, Sierra Leone, Mozambique, Liberia và Congo. Từ năm 1990 đến năm 1994, Lohuizen chụp chính về quá trình chuyển đổi ở châu Phi từ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid sang dân chủ.

Lohuizen đã dành được nhiều giải thưởng cho tác phẩm của mình trên toàn thế giới. Ông hiện đang là cố vấn cho tổ chức World Press Photo (tạm dịch: Ảnh báo chí thế giới).

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên