01/12/2022 09:18 GMT+7

Thế giới chờ cuộc gặp Macron - Biden

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chuyến thăm Mỹ chính thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không chỉ là hoạt động ngoại giao lớn giữa hai nước, mà còn ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho bức tranh chính trị quốc tế sắp tới.

Thế giới chờ cuộc gặp Macron - Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp của NATO tháng 3-2022 - Ảnh: REUTERS

Chuyến đi của ông Macron sẽ đóng lại một chương không vui về cái gọi là thỏa thuận AUKUS, mặc dù điều này không đồng nghĩa câu chuyện ấy sẽ hoàn toàn bị lãng quên.

GS Yves Boyer (Trường Bách khoa Paris, Ecole Polytechnique), chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định.

Tối 30-11 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Pháp Macron đã tới Washington, ghé thăm trụ sở Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và ăn tối cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hôm nay 1-12, ông Macron sẽ dự lễ đón chính thức tại Nhà Trắng và bắt đầu các nội dung quan trọng của chuyến thăm.

Nhấn mạnh tình đoàn kết

Ông Macron là nguyên thủ quốc gia đầu tiên được Washington chào đón trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước dưới thời Tổng thống Biden.

Theo chương trình dự kiến, tổng thống Pháp được tiếp đón trọng thị bằng các nghi thức đầy đủ, công phu nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia. Sẽ có 21 phát đại bác chào mừng truyền thống - một chi tiết mà tờ New York Times mô tả là biểu thị cho sự khôi phục trong quan hệ lâu đời nhưng đôi lúc trục trặc giữa hai nước.

Chính quyền Pháp và Mỹ đã tiết lộ khá chi tiết cho báo giới về nội dung tiếp đón nêu trên, góp phần nhấn mạnh yếu tố "đoàn kết" trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Dù hai ông đã gặp nhau nhiều lần bên lề các sự kiện đa phương, nhưng cuộc gặp này vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận quốc tế.

Chỉ cách đây một năm, Pháp còn triệu hồi đại sứ tại Úc và Mỹ sau khi hai nước này và Vương quốc Anh ký thỏa thuận an ninh AUKUS. Khi đó Pháp đã nói họ bị các đồng minh "đâm sau lưng" vì AUKUS đồng nghĩa với việc Úc rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm nhiều tỉ đô la với Pháp và quay sang ký hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Nhưng hiện nay cuộc chiến tại Ukraine và nhiều thay đổi trong địa chính trị quốc tế buộc hai bên xích lại gần nhau và tìm phương án hợp tác mới. Cũng như các quốc gia châu Âu khác, tổng thống Pháp sẽ tập trung vào việc rà soát chiến lược xuyên Đại Tây Dương khi đối phó với các thách thức mới hiện nay.

Chuyện công, chuyện tư

Năm 2018, ông Macron cũng là người đầu tiên được tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đón trong chuyến thăm chính thức.

Chi tiết ấy là "điểm cộng" của ông Macron trong vai trò đầu tàu, một chính trị gia năng động trong quan hệ quốc tế. Lần này ông cũng không chỉ đến Mỹ với mục tiêu hàn gắn quan hệ Pháp - Mỹ, mà còn trong vai trò một "sứ giả".

Cả châu Âu chờ đợi giải pháp cho tình hình Ukraine, vốn đang tạo sức ép trong nước rất lớn lên Pháp và châu Âu. Châu Âu muốn chấm dứt chiến tranh sớm, trong khi Mỹ bắn tín hiệu rằng cuộc chiến chấm dứt hay không sẽ tùy vào quyết định của Ukraine.

Áp lực giá năng lượng, chi phí sinh hoạt, các khoản viện trợ cho Ukraine, cạnh tranh Mỹ - Trung... đã cùng nhau gây sụt giảm tỉ lệ ủng hộ với các đảng cầm quyền tại châu Âu, thậm chí dẫn tới thay đổi chính quyền ở Anh và Ý.

Trong nhóm G7 hiện nay, thật ngạc nhiên khi ông Macron ở tuổi 44 đang là lãnh đạo châu Âu có thời gian cầm quyền lâu nhất.

Nói cách khác, kết quả chuyến đi của ông Macron sẽ giúp phác thảo chiến lược tổng thể của Mỹ hiện nay trong việc vừa đảm bảo lợi ích của Mỹ, vừa không khiến các đồng minh châu Âu thiệt thòi.

Vấn đề trọng tâm trong cuộc gặp giữa ông Macron và ông Biden ngày 1-12 sẽ là Đạo luật giảm lạm phát (IRA) trị giá 430 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8. Đạo luật này bao gồm việc giảm thuế và khoản trợ cấp 369 tỉ USD Chính phủ Mỹ dành cho các công ty liên quan tới khí hậu và phát triển bền vững.

Nhưng đối với châu Âu, đây là biểu hiện của bảo hộ thương mại, có thể gây tổn thương cho các công ty châu Âu hoạt động trong những lĩnh vực tương tự tại Mỹ như xe điện, pin và năng lượng sạch. Căng thẳng về IRA thậm chí khiến giới quan sát lo ngại về một "cuộc chiến thương mại" xuyên Đại Tây Dương nếu châu Âu trả đũa.

Vấn đề thứ hai chính là câu hỏi của ông Macron về cách Mỹ tiếp cận với các điểm nóng như quan hệ với Nga (giá năng lượng) và Trung Quốc. Châu Âu không muốn bị kéo vào cạnh tranh Mỹ - Trung, và muốn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc để giải quyết khó khăn hiện nay.

Trong khi đó chính sách của Mỹ với Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới môi trường hợp tác của Pháp và châu Âu nói chung. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị giới hoạch định chính sách Mỹ chỉ trích sau chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 11.

Đây sẽ là dịp để ông Macron tìm tiếng nói chung với Mỹ trước chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào đầu năm sau.

Tổng thống Biden: Tổng thống Biden: 'Donald Trump làm nước Mỹ thất vọng'

TTO - Sau khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống 2024, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đăng tweet chỉ trích.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên