21/06/2022 08:12 GMT+7

Bầu cử Quốc hội Pháp: Không ai thắng nhưng ông Macron đã thua

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp được công bố vào ngày 20-6 (giờ Việt Nam), liên minh "Cùng nhau!" của Tổng thống Emmanuel Macron đã thất thế trong cuộc đua giành thế đa số tuyệt đối khi chỉ giành được 245 ghế ở cơ quan lập pháp có 577 thành viên.

Bầu cử Quốc hội Pháp: Không ai thắng nhưng ông Macron đã thua - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron “đã thua” trong bầu cử Quốc hội Pháp - Ảnh: FranceInfo

Sau khi tái đắc cử, mục tiêu của Tổng thống Macron là giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, tức là tối thiểu phải giành được 289 ghế, để có thể dễ dàng thực thi các dự án cải cách.

Ác mộng thành hiện thực

Với 245 ghế, liên minh của ông Macron chỉ chiếm đa số nhưng không thể chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Trong khi đó, liên minh cánh tả NUPES của ông Jean-Luc Mélenchon giành được 133 ghế, còn Đảng Tập hợp quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu của bà Marine Le Pen chiếm 89 ghế.

Các đại biểu được bầu vào ngày 19-6 sẽ chính thức làm việc vào ngày 22-6, trước khi bắt đầu Quốc hội khóa XVI vào ngày 28-6.

Báo Le Monde gọi kết quả vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp là kịch bản ác mộng đối với ông Macron và những người ủng hộ ông. Trong 5 năm qua, đảng của ông Macron nắm giữ khoảng 60% số ghế trong Quốc hội, cho phép họ dễ dàng thông qua các chương trình nghị sự trước sự phản đối của cánh tả và cánh hữu.

Theo giải thích của giáo sư luật Jean-Philippe Derosier, việc liên minh của ông Macron nay chỉ nắm giữ 40% ghế mở ra khả năng chính phủ mới sẽ bị cản trở, không thể thực hiện tất cả cải cách mà họ mong muốn.

"Không ai thắng. Nhưng chúng tôi đã thua", báo Le Monde dẫn lời than thở từ một quan chức thuộc đảng của ông Macron khi kết quả được công bố.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire mô tả kết quả này là một "cú sốc cho nền dân chủ" và cho rằng nếu các khối khác không hợp tác thì khả năng cải cách và bảo vệ người dân Pháp sẽ bị cản trở.

Dù đứng nhất nhưng vẫn thất vọng, nhưng dù sao cũng đứng nhất.

Người phát ngôn Chính phủ Pháp OLIVIA GRÉGOIRE nói trên Đài France 2

Bầu cử Quốc hội Pháp: Không ai thắng nhưng ông Macron đã thua - Ảnh 3.

Nguồn: M.Khôi tổng hợp - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Bước đột phá của phe cực hữu

Tờ Le Parisien nhận định kết quả vòng 2 cho thấy đời sống Quốc hội Pháp trong 5 năm tới sẽ sôi động hơn nhiều so với nhiệm kỳ 5 năm trước.

Quốc hội Pháp nay chia làm 3 nhóm lớn: lực lượng trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron; lực lượng cánh tả dưới sự tập hợp của ông Jean-Luc Mélenchon, người có số phiếu cao thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022; và lực lượng cực hữu với thủ lĩnh là bà Marine Le Pen.

Bất ngờ thực sự của vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp đến từ bước đột phá của Đảng RN theo đường lối cực hữu của bà Marine Le Pen - người thất bại trước ông Macron trong cuộc đua tranh chức tổng thống vào tháng 4 vừa qua.

Theo Đài France Info, Đảng RN - tiền thân là Mặt trận Quốc gia (FN) - chưa từng giành được hơn 32 ghế (1986) cho đến khi giành được 89 ghế trong lần bầu cử ngày 19-6, vượt xa mọi dự đoán và thăm dò.

Các cuộc khảo sát cuối cùng của Ipsos dự báo Đảng RN sẽ giành được từ 20 đến 50 ghế - một bước tiến lớn so với 8 ghế mà họ có được vào năm 2017.

Theo giáo sư chính trị Paul Smith tại Đại học Nottingham, thành tích của Đảng RN vừa qua là một "sự kiện địa chấn". "Không có cuộc thăm dò nào dự đoán điều này và tôi cũng không thấy ai nói về nó", giáo sư Paul Smith nói.

"Chúng tôi sẽ thể hiện sự phản đối kiên quyết, không thông đồng, có trách nhiệm, tôn trọng thể chế, vì kim chỉ nam duy nhất của chúng tôi là lợi ích của nước Pháp và người dân Pháp", bà Marine Le Pen nói tại khu vực bầu cử của mình ở Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp, vào ngày 19-6.

"Người dân Pháp đã biến ông Macron trở thành tổng thống thiểu số", người đứng đầu Đảng RN Jordan Bardella vui mừng nói.

* Giảng viên lịch sử Patricia Boudesseul và giáo sư xã hội học Gerard Boudesseul (ĐH Caen Normandie, Pháp): Ông Macron sẽ phải tìm kiếm liên minh

Sau bầu cử quốc hội, vấn đề đặt ra cho Tổng thống Macron và chính phủ mới là làm sao điều hành một quốc hội với nhiều đại diện đảng chính trị như vậy.

Ông Macron sẽ phải tìm kiếm liên minh với các đảng giành chiến thắng, thậm chí chia sẻ quyền lực trong chính phủ hiện thời, với hy vọng thực hiện được các chính sách của mình.

Năm 2017, ông Macron đã tuyên bố đảng của ông "không tả cũng không hữu" - một đường lối chính trị không định rõ thiên hướng. Trong thực tế, ông Macron lại luôn theo đuổi chính sách tự do cánh hữu vốn có lợi cho giới chủ hơn là cho tầng lớp lao động.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Macron đã tuyên bố sẽ thay đổi phương pháp lãnh đạo nhưng vẫn chưa thuyết phục được chúng tôi. Từ đó, rất có thể tổng thống sẽ phải thay đổi chính sách nhằm cứu vãn các ngành dịch vụ công đang xuống cấp như bệnh viện và giáo dục.

Ông Macron cũng cần phải thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo bằng cách ưu tiên tăng sức mua theo khuyến nghị của cánh tả, mà điều này có thể dẫn đến tăng thuế - điều mà ông Macron luôn từ chối thực hiện vì muốn làm hài lòng giới chủ. Giải pháp của tổng thống có thể sẽ là yêu cầu người lao động làm việc nhiều hơn bằng chính sách nâng tuổi nghỉ hưu. Nhưng như vậy lại đi vào ngõ cụt, bởi chính sách hưu trí này đi ngược ý muốn người dân. Tương lai nước Pháp đang bất định hơn bao giờ hết.

M.KHÔI ghi

Quốc hội Pháp Quốc hội Pháp 'bị treo', Tổng thống Macron mất quyền chủ động

TTO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra ngày 19-6. Kết quả này sẽ ngáng đường chương trình nghị sự của ông, bao gồm các cải cách tuổi hưu và đưa Paris thành lãnh đạo EU.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên