Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trò chuyện cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Bàn Môn Điếm - Ảnh: REUTERS
Mở lòng
Không còn là gương mặt nghiêm nghị xuất hiện trên các bản tin thử tên lửa hoặc đe dọa chiến tranh, ông Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm vừa qua toát lên sự cởi mở, chủ động, mang phong thái một lãnh đạo và nhà ngoại giao chuẩn mực chứ không "bí hiểm" như nhận xét của báo chí quốc tế lâu nay.
Sự chủ động của ông Kim Jong Un được thể hiện qua một chi tiết nhỏ, chóng vánh nhưng gợi nhiều suy nghĩ. Ngay sau khi đặt chân sang giới tuyến bên phía Hàn Quốc và chụp ảnh, ông Kim Jong Un bất ngờ đề nghị ông Moon Jae In bước ngược trở lại phần giới tuyến ấy bên phía Triều Tiên.
Một người phát ngôn của ông Moon lý giải rằng việc bước qua phía Triều Tiên là quyết định ngẫu hứng của hai lãnh đạo theo lời đề nghị của ông Kim, vì vậy không ngạc nhiên khi tổng thống Hàn Quốc đã khựng lại một giây ngắn ngủi cho hành động nằm ngoài kế hoạch ấy. Khi ông Moon hỏi ông Kim rằng liệu mình có thể sang thăm Triều Tiên hay không, ông Kim trả lời luôn: "Có lẽ đây là thời điểm chính xác để ông bước sang lãnh thổ Triều Tiên".
Chiến lược "song song"
Tất cả những chi tiết đáng khích lệ cho mối quan hệ hai miền Triều Tiên vừa qua là thành quả của sự nỗ lực. Khi nút thắt quan trọng nhất được cởi bỏ, mọi thứ diễn ra trơn tru và dễ dàng hơn. Hai trăm mét của ông Kim Jong Un đến đường giới tuyến vừa qua là một chặng đường dài trên mỗi bước đi.
Với sự tinh tế, tỉnh táo luôn cần thiết trong quan hệ quốc tế, và trường hợp này là vận mệnh dân tộc, người ta có lý do để phân tích động cơ và chiến lược của ông Kim Jong Un. Tại sao ông - vị lãnh đạo Triều Tiên thử hạt nhân nhiều nhất trong lịch sử - lại hòa hợp với Hàn Quốc, và tại sao là bây giờ chứ không phải trước đây hay sau này?
Hai nhà lãnh đạo đã có những khoảnh khắc khiến thế giới khó tin - Ảnh: REUTERS
Kể từ lúc nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên năm 2011 sau cái chết của cha mình - cố lãnh đạo Kim Jong Il, chiến lược hữu hình nhất mà ông Kim Jong Un vạch ra là Byungjin. Từ này mang ý nghĩa là "sự phát triển song song" mà Triều Tiên hướng tới, ở hai mặt trận là hạt nhân và kinh tế.
New York Times đặt ra câu hỏi rằng liệu Bình Nhưỡng sẽ đánh đổi vũ khí hạt nhân để tái thiết kinh tế hay không? Lee Jong Seok, cựu bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc, nhận xét: "Ông ta (Kim Jong Un) đang hướng về sự phát triển kinh tế thần tốc đã từng diễn ra ở Trung Quốc. Triều Tiên trong hình hài của ông ấy khác với Triều Tiên của cha mình".
Hơn 5 năm sau khi tuyên bố chính sách Byungjin, ông Kim Jong Un tuyên bố đạt thắng lợi ở lĩnh vực hạt nhân. Đây là một bước quan trọng để vị lãnh đạo này chuyển hướng tập trung sang mặt trận kinh tế, trang 38north.org chuyên đưa tin về Triều Tiên nhận định.
Nếu không có gì bí ẩn trong câu chuyện này, có thể thấy đó là lý do tại sao vào năm 2017, Triều Tiên bất ngờ tỏ ra cứng rắn lạ thường và thử hạt nhân, tên lửa với tần suất khó tin. Đó có lẽ là cách ông Kim Jong Un khẳng định "chiến thắng" ở kế hoạch phát triển hạt nhân, đồng thời đẩy căng thẳng lên cao trào để giải quyết bằng cuộc gặp đầy tiếng cười hôm nay.
Bằng cách vừa cương vừa nhu, ông Kim Jong Un vẫn giữ phẩm giá quốc gia trên cao, và đạt được mục tiêu hòa bình và thịnh vượng như mong muốn mà ông chia sẻ với ông Moon Jae In vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận