10/03/2020 05:16 GMT+7

Thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật!

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
ĐỨC PHÚ - THU DUNG

TTO - Chuyện lạ này đang xảy ra tại các trường đào tạo lái xe ở TP.HCM vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố từ kết quả xác minh theo đơn tố cáo. Các đơn vị đào tạo và cấp bằng lái xe nói gì về việc này?

Thầy xài bằng giả, dạy lái xe thật! - Ảnh 1.

Trường dạy lái xe Thống Nhất bị phát hiện có 29 giáo viên dạy lái xe sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đình chỉ tuyển sinh 2 tháng

Theo thông tin trên website của Trường dạy lái xe Thống Nhất (quận 10, TP.HCM), mỗi năm trường này đào tạo gần 3.000 học viên và tỉ lệ đậu lên tới 90%. Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện 29 trên tổng số 33 giáo viên tại trường này sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để được đứng lớp dạy lý thuyết, thực hành cho các học viên học lấy bằng lái xe các loại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thành Danh - hiệu phó Trường dạy lái xe Thống Nhất - cho biết quá trình tuyển dụng giáo viên, trường có yêu cầu người ứng tuyển nộp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ sư phạm (bản photo có công chứng).

Khi nhận được hồ sơ, trường đưa các văn bằng này đi xác minh thật - giả để lấy biên bản xác nhận. Khi có biên bản xác nhận là bằng thật, trường gửi hồ sơ qua Sở Giao thông vận tải TP để các giáo viên tham dự chương trình tập huấn và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành.

Theo ông Danh, quá trình đi xác minh, ban giám hiệu nhà trường giao cho ông Nguyễn Hoàng Dân - phụ trách nhân sự của trường - thực hiện. Do quá trình xác nhận của trường quá lâu nên dẫn đến việc ông Dân đã "tự ý" mua 24 giấy xác nhận giả trên mạng để kịp thời nộp cho Sở Giao thông vận tải TP.

"Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam gọi lên giải trình, 29 giáo viên thừa nhận là mua các chứng chỉ sư phạm, bằng giả trên mạng. Riêng ông Dân thừa nhận mua giấy xác nhận giả cho các giáo viên trên mạng" - ông Danh nói.

Liệu lãnh đạo nhà trường có tiêu cực để tạo điều kiện cho 29 giáo viên có đủ hồ sơ nộp cho Sở Giao thông vận tải TP? Trả lời vấn đề này, ông Danh khẳng định ban giám hiệu không có tiêu cực hay nhận tiền bạc từ các giáo viên.

"Bởi khi tiếp nhận bằng cấp, chứng chỉ, nhà trường đi xác minh rất lâu. Có nơi họ hỗ trợ nhưng có nơi không. Ông Dân được giao đi xác nhận nhưng lâu quá nên mới mua giấy giả để nộp cho Sở Giao thông vận tải TP cho kịp" - ông Danh nói và cho biết thêm: hiện Sở Giao thông vận tải TP đã tiến hành thu hồi và hủy bỏ 29 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành.

Đồng thời, nhà trường cũng đã buộc thôi việc đối với ông Dân cũng như 29 người này.

Ngoài 29 giáo viên của Trường dạy lái xe Thống Nhất xài bằng giả, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết qua xác minh cũng đã phát hiện thêm 54 giáo viên khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả tại 4 cơ sở gồm: Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn.

Với 54 trường hợp này, các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân giáo viên dạy thực hành tự mua qua mạng nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.

Từ các sai phạm nêu trên, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP cho biết đã đình chỉ tuyển sinh 2 tháng đối với: Trường dạy lái xe Thống Nhất, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn, Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát, Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phạt hành chính về việc bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy, mức phạt là 4 triệu đồng/cơ sở.

Sẽ kiểm tra trên toàn quốc

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP - cho rằng từ nhiều năm qua, TP.HCM đã nỗ lực có các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông. Song song với công tác tuyên truyền tới người dân, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và TP.HCM đã có giải pháp siết chặt công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

"Ở địa bàn TP mà đọc thông tin có tới 83 giáo viên xài bằng giả để đi dạy cho học viên lấy bằng thật thì tính xác thực như thế nào? Ban sẽ đề nghị tăng cường rà soát chất lượng đào tạo các trung tâm bởi đây cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông" - ông Phúc nói.

Ngoài ra, ông Phúc cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra đường dây làm bằng giả. Bởi chắc chắn họ không chỉ làm bằng giả cho các giáo viên mà có thể làm cả giấy phép lái xe để lưu thông ngoài đường.

Liệu giáo viên xài bằng giả có làm giảm chất lượng đào tạo, từ đó những học viên được các giáo viên này đào tạo có đủ điều kiện, năng lực để được cấp bằng lái xe các loại? Trả lời về mối lo này, ông Phúc cho rằng trong đào tạo cấp phép lái xe ngoài kinh nghiệm còn phải dạy về đạo đức trong quá trình lái xe.

"Cái đó cũng rất quan trọng, bởi người cầm lái ngoài đảm bảo quy định trật tự an toàn giao thông người dân còn phải có văn hóa giao thông, đạo đức khi lái xe. Lực lượng thầy giáo trước tiên phải tuân thủ quy định pháp luật, sau đó mới có thể đào tạo ra các học viên tuân thủ quy định và có văn hóa, đạo đức người cầm lái được" - ông Phúc nêu quan điểm.

Ngày 9-3, một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tổng cục đã lên kế hoạch kiểm tra chất lượng đào tạo tại các trung tâm lái xe trên cả nước. Về trách nhiệm trong việc giáo viên xài bằng giả tại 5 trung tâm ở TP.HCM, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP tổ chức họp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Trong thời gian tới, các đơn vị gồm thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe cũng sẽ phối hợp chặt chẽ để rà soát quy trình hoạt động, chất lượng giảng dạy, bằng cấp giáo viên... ở các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP. Việc rà soát này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

"Các cơ sở bị phát hiện sai phạm hoặc tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật" - thanh tra Sở Giao thông vận tải TP cho biết.

Công an đã vào cuộc điều tra

Ông Phạm Thành Danh cho biết hiện vụ việc "thầy" xài bằng giả đang được Công an quận 5 điều tra làm rõ. "Công an quận 5 đã mời ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên và ông Nguyễn Hoàng Dân - phụ trách nhân sự - lên làm việc" - ông Danh nói.

83 giáo viên dạy lái xe xài bằng giả

Ngày 7-3, Tuổi Trẻ đã thông tin mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra và phát hiện có 83 giáo viên trong 5 trường, cơ sở dạy lái xe tại TP.HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Cụ thể, tại Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát có 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành do sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe.

Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có 1 người (trong số 7 giáo viên) sử dụng chứng chỉ giả và không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Còn Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Trường dạy lái xe Thống Nhất có 29 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Hàng loạt giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM mua bằng giả qua mạng Hàng loạt giáo viên dạy lái xe ở TP.HCM mua bằng giả qua mạng

TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thông báo kết luận nội dung hai đơn tố cáo về công tác sát hạch lái xe tại TP.HCM, qua đó phát hiện hàng loạt giáo viên dạy lái xe xài bằng giả.

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên