Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua kiểm tra từ đơn tố cáo thứ nhất cho thấy có 54/68 giáo viên tại trường dạy lái xe tại TP.HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các giáo viên tự mua qua mạng nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.
Cụ thể, tại Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát có 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38/44 sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe, trong đó giáo viên tên Tăng Trung Quang nhưng chứng chỉ sư phạm mang tên Trần Trung Quang.
Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới có 1 người (trong số 7 giáo viên) là Nguyễn Thanh Quân không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Còn Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Về trách nhiệm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thực hiện theo quy định, không tạo điều kiện cho các sai phạm. Tuy nhiên, quá trình cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe cho ông Tăng Trung Quang là giáo viên tại Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát lại không rà soát kỹ chứng chỉ mang tên Trần Trung Quang và ông Trần Anh Huy chưa có bằng chuyên môn (chỉ có giấy chứng nhận).
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn phát hiện 4 trung tâm nêu trên có 60 giáo viên dạy 2 nơi TP.HCM và Đồng Nai. Đối chiếu lại thì chưa có quy định xử lý giáo viên tham gia dạy hai nơi, tuy nhiên việc giáo viên dạy hai nơi cùng một thời điểm gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Trước các sai phạm nêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP.HCM chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở đào tạo lái xe nêu trên.
Đồng thời, sở phải "đình chỉ tuyển sinh từ 1-3 tháng, các bài kiểm tra cấp bằng lái xe có giáo viên sử dụng bằng giả nêu trên tham dự phải được rà soát lại. Đối với các trường hợp mua bán, sử dụng bằng giả, đề nghị chuyển cơ quan công an thành phố điều tra xử lý.
Còn với đơn tố cáo thứ hai về việc các giáo viên sử dụng văn bằng giả tại Trường dạy lái xe Thống Nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết xác minh có 29 giáo viên trường này sử dụng bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
Các văn bằng, chứng chỉ giả là do các giáo viên tự mua và nộp cho bộ phận nhân sự của trường. Đồng thời, ông Nguyễn Hoàng Dân - phụ trách nhân sự của trường - đã tự ý đi mua 24 giấy xác nhận giả của các cơ sở đào tạo để lập hồ sơ trình lãnh đạo nhà trường ký.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thành phố có kiểm tra các điều kiện của giáo viên trong các kỳ tập huấn, đã thu hồi 11 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Tuy nhiên, quá trình rà soát, kiểm tra, xác minh chưa chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến còn có 29/37 giáo viên Trường dạy lái xe Thống Nhất xài văn bằng giả.
Đối với các trường hợp mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị chuyển Công an quận 5 - Công an TP.HCM điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận