Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ vẫn ngập trong bùn đất - Ảnh: VŨ TUẤN
Các thầy cô giáo cùng bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện... đang nỗ lực dọn dẹp phòng học, khuôn viên trong nhà trường.
Muốn có ngày khai giảng ý nghĩa
Hơn 20 năm kể từ khi về dạy tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ, cô Nguyễn Thị Thúy (hiệu trưởng) chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ lớn ập về tràn vào trường và gây thiệt hại nặng như trận lũ ống xảy ra sáng 17-8.
"Đang thời gian hè nên giáo viên và học sinh về nghỉ hè hết, chỉ còn một thầy giáo ở lại trường và gia đình bác bảo vệ. Lũ cùng cây cối, đất đá kéo về lúc hơn 6h. Bác bảo vệ chỉ kịp hô hoán thầy giáo bỏ chạy thoát thân. Lũ quá nhanh nên mọi người cũng không kịp trở tay" - cô Thúy kể.
Nhà nội trú học sinh bị cuốn trôi. Giường chiếu, chăn màn, sách vở, cặp sách của các em cũng trôi theo dòng lũ. Khu nhà công vụ giáo viên xây kiên cố cũng không thể ở được vì lũ đã phá hư hỏng nặng. Toàn bộ phòng học lũ cũng tràn vào, bàn ghế, đồ dùng dạy học không bị cuốn trôi thì cũng hư hỏng.
"Từ hôm qua, cán bộ phòng giáo dục, công an, quân đội cùng bà con dân bản dọn dẹp nhưng mọi thứ gần như hư hỏng hết. Chúng tôi đang cố gắng nhặt nhạnh, tận dụng những thứ còn xài được để sử dụng không thì không biết lấy gì mà học tập trong niên học tới - cô Thúy nói và chia sẻ - Nhà trường rất mong nhận được hỗ trợ để các em học sinh và giáo viên có khai giảng đúng ngày, ý nghĩa và vui vẻ".
Nhà không thấy đâu chỉ thấy... suối
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-8, ông Hạng Nhè Ly - phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - cho biết các lực lượng chức năng của huyện đang tích cực khắc phục hậu quả và đã bố trí chỗ ở tạm thời cho những hộ gia đình có nhà bị ảnh hưởng, lũ cuốn trôi.
7h sáng 17-8, nghe tin nhà bị lũ cuốn trôi, hai vợ chồng thầy Quàng Văn Định (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ, nhà ở xã Nậm Nhừ) tức tốc phi xe máy từ quê ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) lên với hi vọng tìm lại đồ đạc, tài sản còn sót lại sau trận lũ.
"Đường từ quê lên đến trường chừng 300km nên mãi chập tối hai vợ chồng mới đến. Khi đến nơi nhà không thấy đâu, chúng tôi chỉ thấy dòng suối hiện ra trước mắt. Chả còn tài sản gì!" - thầy Định nói.
Theo thầy Định, sau khi kết hôn, năm 2016, hai vợ chồng quyết định xây "tổ ấm" để lập nghiệp và gắn bó sự nghiệp giáo dục tại xã Nậm Nhừ.
"Vợ tôi làm giáo viên mầm non, còn tôi là giáo viên tiểu học nên lương cũng thấp. Hai vợ chồng cố gắng lắm mới vừa làm vừa cóp nhặt và vay mượn anh em bạn bè, xây ngôi nhà để ở lâu dài, đến giờ vẫn còn một ít chưa trả hết. Giờ hai vợ chồng trắng tay, nhà thì thành suối, giờ không biết bắt đầu lại từ đâu" - thầy Định mắt đỏ hoe.
"Anh em hỏi thăm vợ chồng tôi chỉ muốn khóc vì mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Nhà cửa, đồ đạc bị cuốn trôi hết. Hai vợ chồng đang ở tạm tại một điểm nhà nội trú của học sinh. Mấy hôm nữa học sinh xuống đi học thì mình cũng chưa biết ở đâu", thầy chia sẻ thêm.
Cô Nguyễn Thị Thúy cho biết trận lũ đã khiến 12 ngôi nhà của các thầy cô giáo bị ảnh hưởng, cuốn trôi. Ngoài nhà thầy Định thì nhà thầy Phạm Văn Hoàng cũng bị lũ cuốn trôi cùng với toàn bộ tài sản.
"Các thầy cô cũng mong muốn nhận được hỗ trợ từ các cấp, các ngành để sớm có nơi ở mới. Từ đó thầy cô mới an tâm, chuẩn bị bước vào năm học mới" - cô Thúy nói.
5 người chết do mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc
Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... mưa lũ, sạt lở đất trong ngày 17 và 18-8 đã làm 5 người chết (Lai Châu: 2, Vĩnh Phúc: 2, Thái Nguyên: 1). Về nông nghiệp, khoảng 350ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông tại các tỉnh Lai Châu, Thái Nguyên, Yên Bái bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận