Em Nguyễn Đăng Khôi, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Thời, tâm sự nhà em theo ngành thủy sản, hiện có 3 ao nuôi tôm bạc. Cha em là người làm chính và thuê 2 nhân công. Tuy nhiên những năm gần đây sản lượng không đồng đều, có vụ trúng, có vụ thua. Thua "nhẹ" có, thua "đậm" có.
Đăng Khôi nói mỗi lần nhìn thấy ao tôm gặp sự cố như tôm bị bệnh, nước ao tăng giảm độ pH bất thường là bạn cũng lo lắng cùng với cha. Nhiều lần cán bộ thủy sản tìm được giải pháp khắc phục nhưng một số lần cũng phải "bó tay".
"Em quyết định đi học ngành thủy sản để về giúp gia đình, muốn học những kỹ thuật để nuôi tôm năng suất hơn, hiện đại hơn. Em muốn tiếp quản ao tôm để phát triển kinh tế gia đình", Đăng Khôi nói.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, nguyên quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, tư vấn cho Đăng Khôi ngành nuôi trồng thủy sản, nơi bạn có thể học được kiến thức và kỹ năng canh tác thủy sản, trong đó có tôm. Nhiều công nghệ nuôi tôm mới sẽ được các giảng viên đào tạo trong chương trình.
Một ngành khác Khôi được tư vấn cân nhắc là chế biến thủy sản, từ nguồn tôm cá sẽ chế biến thành các sản phẩm có giá trị.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn thủy sản, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng lưu ý Đăng Khôi nên tìm hiểu thêm về kinh doanh, quản lý. Điều này giúp bạn có thể tiếp quản và phát triển mô hình kinh doanh của gia đình hiện tại.
Cũng đam mê lĩnh vực nông lâm thủy sản, bạn Lý Gia Linh, học sinh Trường THPT Trần Văn Thời, nói từ nhỏ bạn đã thích sẽ theo ngành thú y. Gia Linh kể ngày xưa nhà mình có nuôi một chú chó cưng rất dễ thương, sau đó không may chú chó bị bệnh nhưng tại huyện xa ở Cà Mau không tìm được nơi nào chạy chữa.
Từ đó, Gia Linh quyết tâm học ngành thú y để khi có điều kiện sẽ mở một phòng khám thú y tại Cà Mau. Ngoài ra, Gia Linh cũng có ý nguyện sẽ thành lập một dự án cứu trợ thú cưng bị bỏ rơi ở quê hương.
"Gia đình rất ủng hộ hướng chọn ngành của mình. Mình đã tìm hiểu nhiều trên mạng xã hội nhưng hôm nay gặp gỡ các thầy trong ban tư vấn, mình mới được giải thích cặn kẽ. Mình biết các phương thức xét tuyển của ngành thú y và một ngành gần là chăn nuôi. Ngoài ra, mình sẽ tìm hiểu thêm hệ cao đẳng bên cạnh đại học", Gia Linh nói.
Nghe tư vấn không thấy… đói
Bạn Trần Linh Nhựt, học sinh Trường THPT Trần Văn Thời, có màn "hỏi xoáy đáp xoay" với ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, phó trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Cần Thơ, sau chương trình đến gần 20 phút.
Linh Nhựt có định hướng học các ngành kỹ thuật tại Trường đại học Cần Thơ, đang phân vân giữa một số ngành như cơ khí, điện, điện tử. Vì vậy, Nhựt tìm hiểu rất kỹ về chương trình học, các phương thức xét tuyển, cơ hội việc làm cho từng ngành.
"Đây là lần đầu tiên mình được gặp thầy cô từ các trường đại học, mà lại là thầy từ trường mình đang mong muốn nên phải hỏi thiệt nhiều. Mọi ngày mình ăn cơm sớm, nhưng bữa nay tới trưa rồi mà mình hỏi chuyện thầy hoài vẫn không thấy đói", Nhựt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận