10/06/2024 10:54 GMT+7

Thầy giáo đi hiến máu trong đêm, cứu người nguy kịch

Đó là thầy giáo trẻ Nguyễn Phương An (30 tuổi, dạy môn tin học ở Trường tiểu học Võ Văn Dũng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Thầy giáo trẻ Nguyễn Phương An - Ảnh: LÂM THIÊN

Thầy giáo trẻ Nguyễn Phương An - Ảnh: LÂM THIÊN

"Sau hai lần hiến tiểu cầu cứu hai bệnh nhân nặng, giúp họ giành lại sự sống, tôi thấy trong người phấn khởi lắm", thầy An nhớ lại.

Trước đó, khoảng 20h30 tối 26-5, trên đường chở vợ đi công việc ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), thầy An nhận thông tin có bệnh nhân nhóm máu hiếm AB đang nguy kịch, cần gấp người hiến máu để giành giật lại sự sống. Thế là thầy An cùng vợ quay xe, chạy thẳng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cách đó khoảng 10km để cho máu.

Khi tới bệnh viện, các bác sĩ cho biết bà N.T.X.H. (53 tuổi, bị bệnh ung thư) đang nguy kịch và rất cần thầy An hiến tiểu cầu. Thầy An nhanh chóng thực hiện các thủ tục, xét nghiệm. 

"Lúc đó thấy cô H. đau đớn, vật vã, nên tôi khấn nguyện cho các kết quả xét nghiệm phù hợp để tôi hiến tiểu cầu. Trong lòng tôi hồi hộp lắm, chỉ mong có bấy nhiêu thôi", thầy An nhớ lại.

Anh Nguyễn Tấn Tiện (con của bà H.) không giấu được xúc động khi nhớ lại nghĩa cử của vợ chồng thầy An. 

"Lúc tôi gọi điện thoại cho thầy An thì đã gần 21h. Tôi lo lắm, vì đêm tối như vậy, nhà thầy lại xa, sợ thầy không đến. Nhưng trước sự nguy kịch của mẹ, tôi phải bấm máy... Vậy mà, vợ chồng thầy tức tốc đến bệnh viện để cứu mẹ tôi. Ân tình đó biết bao giờ gia đình tôi trả cho hết", anh Tiện cảm kích.

Qua cơn nguy kịch, khỏe lại, bà H. rối rít cảm ơn nghĩa cử của vợ chồng thầy An: "Tui có nhóm máu hiếm, tưởng không có người cứu giúp, nào ngờ thầy An đã hết lòng hết sức cứu tui. Biết nói sao cho hết ân tình cứu mạng này của vợ chồng thầy".

Bác sĩ Võ Đình Lộc, trưởng khoa huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho hay hiến tiểu cầu là sử dụng máy móc tách thành phần máu, gạn tách tiểu cầu đậm đặc và truyền cho những bệnh nhân thiếu tiểu cầu. Những trường hợp như bà H. vì bị bệnh ung thư có điều trị hóa chất, xạ trị sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu. "Nếu anh An không hiến tiểu cầu, bà H. sẽ chảy máu và mất máu, ảnh hưởng đến tính mạng", bác sĩ Lộc cho biết.

Cũng theo bác sĩ Lộc, cách đây hơn 1 tháng, một bệnh nhân ở thị xã Hoài Nhơn bị đột quỵ, có nhóm máu AB. Thầy An đã đến bệnh viện để hiến tiểu cầu.

Chị Nguyễn Vũ Họa (29 tuổi, vợ thầy An) cho hay 2 vợ chồng cưới nhau được 3 năm. Chị cũng là giáo viên nên thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ việc làm của chồng. 

"Không có gì quý hơn mạng sống của con người nên tôi rất ủng hộ việc anh An hiến máu. Chúng tôi quan niệm rằng cho đi là còn mãi. Mình còn trẻ, giúp được gì cho đời thì cố hết sức làm", chị Họa tâm sự.

Trong khi đó, nói về thầy giáo trẻ Nguyễn Phương An, bà Đỗ Thị Thu Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Văn Dũng, cho biết thầy mới chuyển về trường được 3 năm. Mỗi tuần, thầy An dạy 23 tiết môn tin học lớp 3 đến lớp 5 tại trường.

"An là một thầy giáo nhiệt tình, dễ mến. Thầy cũng hay đi hiến máu và đó là điều rất đáng trân trọng. Đây là việc làm hết sức tốt đẹp. Thật sự tôi rất cảm kích trước tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của thầy An. Chúng tôi rất tự hào về thầy!", bà Hà chia sẻ.

Một gia đình ở TP.HCM hơn 100 lần hiến máu cứu ngườiMột gia đình ở TP.HCM hơn 100 lần hiến máu cứu người

Ông Trần Quang Thuận - 57 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM - tự hào khi gia đình ông đã hơn 100 lần hiến máu cứu người từ năm 1998 đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên