21/08/2019 14:38 GMT+7

Thấy gì từ thương vụ Tiki mua lại startup nội Ticketbox?

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Số các nhà đầu tư trong nước rót vốn vào startup Việt gia tăng mạnh, đạt 21 thương vụ trong nửa đầu năm 2019 so với 13 thương vụ cùng kỳ năm 2018. Giá trị các thương vụ cũng được cải thiện đáng kể.

Thấy gì từ thương vụ Tiki mua lại startup nội Ticketbox? - Ảnh 1.

Tiki đã mua 100% Ticketbox - Ảnh: T.T

Sự kiện mới nhất là sàn thương mại điện tử Tiki đã công bố hoàn tất thương vụ mua lại Ticketbox, một startup Việt được mệnh danh là trùm thị trường vé điện tử.

Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ, tuy nhiên, việc mua lại 100% Ticketbox của Tiki được xem là đáng chú ý khi tiềm năng thị trường vé điện tử Việt Nam là rất lớn.

Theo đánh giá, thị trường vé xem phim, sự kiện ước tính có giá trị 200 triệu USD, trong đó ngành bán lẻ vé sự kiện tại Việt nam dự kiến đạt 40 triệu USD trong năm 2019, tăng 50% so với năm ngoái còn lại 160 triệu USD là giá trị mảng vé xem phim.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn - chủ tịch Hội đồng quản trị Tiki - cho biết sau thương vụ M&A này, Ticketbox không đổi thương hiệu và tiếp tục phát triển độc lập trên nền tảng của mình do trải nghiệm của người mua vé điện tử sẽ khác người mua hàng hoá trên sàn thương mại điện tử.

Ngoài đầu tư tài chính, Tiki sẽ sử dụng các nguồn lực sẵn có như công nghệ, nhân lực, quy trình để hỗ trợ Ticketbox phát triển, tăng tiện ích cho người dùng, thúc đẩy dịch vụ trong ngành sự kiện, giái trí tại Việt Nam.

Một thương vụ khác cũng được nhắc đến là KiotViet, phần mềm quản lý bán hàng dành cho người Việt, vừa gọi vốn thành công trong vòng Series A với tổng vốn nhận được lên đến 6 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures và Traveloka.

Nhìn toàn thị trường, báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 do ESP Capital và Cento Ventures thực hiện, cho biết hiện đã có 58 thương vụ gọi vốn thành công với giá trị 246 triệu USD trong 6 tháng đầu năm.

So với 28 thương vụ với 166 triệu USD của cùng kỳ 2018, thị trường M&A của giới startup hiện khá sôi động.

Dự báo thị trường Việt Nam năm nay sẽ thu hút 800 triệu USD vốn đầu tư vào các công ty công nghệ.

Điểm đáng chú ý là nếu trước đây các thương vụ chủ yếu do nhà đầu nước ngoài thực hiện, thì gần đây xuất hiện nhiều startup Việt được mua lại chính từ nhà đầu tư trong nước.

Năm ngoái, báo cáo của Topica Founder Institute (TFI), ghi nhận lượng vốn đầu tư mà các startup Việt Nam thu hút được tăng gấp 3 lần so với 2017. Ước tính năm 2018 có 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 889 triệu USD.

Riêng 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm 83% tổng giá trị thỏa thuận, như Yeah1 (100 triệu USD), Sendo (51 triệu USD), Topica (50 triệu USD) cùng 7 thương vụ không được tiết lộ khác đều có giá trị trên 30 triệu USD mỗi thương vụ.

Năm lĩnh vực startup thu hút nhiều vốn đầu tư nhất là fintech, e-commerce (thương mại điện tử), traveltech (khởi nghiệp lĩnh vực du lịch trên nền tảng công nghệ), logistics và edtech (khởi nghiệp lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ).

Trong đó, fintech quay lại vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2018 với 8 thương vụ, tổng giá trị 117 triệu USD.

E-commerce đứng vị trí thứ hai khi chỉ có 5 thương vụ diễn ra, so với 21 thương vụ vào năm 2017, với tổng giá trị đầu tư 104 triệu USD.

Traveltech gây bất ngờ khi vươn lên hạng ba với 8 thương vụ, tổng giá trị 64 triệu USD của Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure và một số thương vụ không tiết lộ khác. Trong khi đó, lĩnh vực logistics và edtech thu hút 3 - 4 thương vụ, giá trị hơn 50 triệu USD.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên