Hôm sau, khi đang ở thành phố Sendai cũng tại quần đảo Miyagi này, một trận động đất khác lại xảy ra. Nhưng mọi người tỏ ra khá bình tĩnh, lý do là ở xứ này những trận động đất như vậy không phải lạ lẫm gì.
Kỳ 1: Cố lên, nước Nhật!
300 trận động đất mỗi ngày
Có mặt ở Trung tâm Theo dõi dữ liệu động đất thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia phòng chống thảm họa và khoa học trái đất ở thành phố khoa học Tsukuba (quần đảo Ibaraki), chúng tôi thường xuyên thấy màn hình báo hết trận động đất nhỏ này đến trận động đất sâu trong lòng đất khác đang xảy ra ở Nhật. Tiến sĩ Hao - giám đốc trung tâm - thông tin một con số “ấn tượng”: mỗi năm tại nước Nhật xảy ra 100.000 trận động đất lớn nhỏ, trung bình 300 trận động đất/ngày.
Nước Nhật từng xảy ra lắm trận động đất nhưng thảm họa khủng khiếp như ngày 11-3-2011 thì chưa: động đất 9 độ Richter, sóng thần và sự cố hạt nhân. Sau trận động đất làm 6.000 người chết ở Kobe ngày 17-1-1995, nước Nhật đã một phen bàng hoàng. Nay sau thảm họa kép 11-3, dường như suy nghĩ của mỗi người Nhật về thảm họa đã thay đổi. “Từ sau trận động đất ở Kobe, chúng tôi nhận ra hệ thống theo dõi các trận động đất mạnh hoạt động chưa hiệu quả lắm” - tiến sĩ Hao nói. Sau đó, viện đã đặt chi chít 2.000 trạm theo dõi động đất có cường độ cao, 800 trạm theo dõi động đất cường độ mạnh và 700 trạm theo dõi động đất bình thường khắp nước Nhật.
Phóng to |
Trung tâm Theo dõi dữ liệu động đất ghi nhận trung bình 300 trận động đất mỗi ngày - Ảnh: N.T.U. |
Giờ đây, trên các màn hình lớn đặt ở trung tâm theo dõi dữ liệu động đất, người ta có thể theo dõi một cách kỹ càng sự xuất hiện và cường độ từng trận động đất đang xảy ra ở Nhật. Tiến sĩ Hao nhận định: “Cũng từ sau trận động đất Kobe, chính phủ đã nâng việc phòng chống động đất lên thành chính sách quốc gia. Và sau sự kiện 11-3, chúng tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình. Thứ nhất, thiên tai sẵn sàng ập đến với tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai, bất cứ lúc nào. Thứ hai, động đất là thiên tai bất ngờ chưa thể phòng tránh, nhưng sóng thần - do xảy ra sau động đất - thì có thể cảnh báo và phòng tránh được”.
- Từ năm 2004, 60 tỉ yen đã được đầu tư cho hệ thống báo động động đất, thời gian báo động động đất đến việc cắt nguồn điện giảm từ 3 giây xuống còn 2 giây. - Từ năm 2009, toàn bộ hệ thống tàu shinkansen ở vùng Tohoku đã được kết nối với hệ thống báo động động đất. - Ngày 11-3-2011, khi động đất xảy ra, hệ thống báo động động đất đã tự động báo về hệ thống điều khiển tàu shinkansen, và 1 phút 10 giây sau đó toàn bộ 27 con tàu shinkansen đã ngưng chạy mà không bị trật bánh, thương vong. |
Động đất xảy ra thường xuyên khiến mỗi người Nhật đều nhận thấy việc phòng tránh thảm họa là việc thiết thân với bản thân mình, bên cạnh việc chính quyền gánh vác sứ mệnh đó cùng người dân.
Sau thảm họa 11-3, ở khắp vùng duyên hải Tohoku, người ta bắt đầu thấy xuất hiện các biển báo chỉ dẫn cho người dân chạy đến vùng đất cao hơn khi có sóng thần xảy ra. Giáo trình khoa học thường thức về động đất trong nhà trường ở vùng này cũng được cập nhật thêm tác hại của sóng thần và cách phòng tránh. Sách vở, tài liệu, tờ rơi về cách phòng tránh sóng thần được in với số lượng lớn.
Bạn có sống sót sau 72 giờ động đất không?
Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai ở Tokyo là cơ quan trực thuộc Chính phủ Nhật về phòng chống thiên tai. Trong trường hợp thảm họa xảy ra, các cơ quan chính phủ sẽ làm việc tại đây trong phòng tác chiến rộng cả ngàn mét vuông với công nghệ hiện đại, có sân bay trực thăng, có dự trữ điện nước và lương thực trong vòng một tuần... Ngày thường, cơ quan này là một công viên chủ đề, mở rộng cửa để tuyên truyền cho người dân về các cách phòng chống thảm họa. Khi đến công viên này, chúng tôi được đưa vào tham gia một bài tập thực tế thú vị: bạn có thể sống sót sau 72 giờ động đất trong khi chờ mọi người đến cứu hay không?
Cầm một hộp hướng dẫn trong tay, bạn sẽ được đưa vào thang máy và một kịch bản xảy ra y như thật: động đất làm thang máy rung lên, cúp điện, phải tìm lối đi trong bóng tối. Sau đó, bạn có mặt ở một khu phố được dựng lại cảnh tan hoang do một trận động đất vừa xảy ra. Làm theo hướng dẫn, bạn đứng trước một cửa hàng, một góc phố, một ngôi nhà... và trả lời các câu hỏi: Nhà sụp đổ, bạn chui ra hướng nào? Khi thấy điện giật, bạn làm gì? Bình gas bị xì, bạn có đóng lại không? Nghe có tiếng người kêu cứu trong đống đổ nát, bạn có ra tay cứu không?... Mỗi câu hỏi tình huống có nhiều phương án trả lời, nếu bạn chọn được đúng câu trả lời thì máy sẽ dẫn bạn đi tiếp đến địa điểm mới, cho đến khi ra khỏi được khu phố bị sụp đổ vì động đất.
Phóng to |
Tái hiện cảnh một khu phố vừa bị động đất để phổ cập kiến thức động đất cho người dân tại Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai ở Tokyo - Ảnh: N.T.U. |
Sau đó, ở một phòng rộng, bộ phim tài liệu về trận động đất ở Kobe năm 1995 được chiếu trên màn hình lớn để bạn thấy được sự khủng khiếp của thiên tai và hiểu được công tác cứu hộ như thế nào. Tiếp theo, bạn sẽ được tiếp tục đưa đến một khu vực rộng được thiết kế như các trại sơ tán, trung tâm cứu hộ... Và bạn sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi. Cứ như vậy, khi bạn đến được điểm thoát cuối cùng, máy sẽ cộng điểm cho bạn, kết quả cho thấy bạn sẽ không sống sót được cho đến khi đội ngũ cứu hộ đến, hoặc sống sót được mà bị thương, hoặc không hề hấn gì...
Cũng như tài liệu, sách vở và phim ảnh tuyên truyền cho người dân cách sống sót trong thảm họa, Công viên Phòng chống thảm họa Rinkai cũng miễn phí cho người dân tham gia trải nghiệm này. Ông Ryutaro Tadao - phó tổng giám đốc công viên - cho biết: “Để phòng tránh thiên tai, trước đây chúng ta thường tập trung đầu tư tiền bạc xây những công trình lớn, áp dụng những biện pháp công nghệ và kỹ thuật mới để chắn bão đỡ dông. Tuy nhiên, thiệt hại về sinh mạng vẫn rất lớn. Người Nhật đã thay đổi suy nghĩ, thời gian qua đã đẩy mạnh việc hướng vào cộng đồng, tập trung vào “giải pháp mềm”, vận động người dân chung tay phòng tránh thiên tai. Nhưng muốn người dân làm được điều đó thì phải đảm bảo người dân hiểu tường tận chính quyền đang làm gì, mức độ thiên tai như thế nào, các biện pháp nào hữu hiệu nhất”.
Ông Sato - trưởng phòng báo chí quốc tế của Bộ Ngoại giao Nhật - nhận định một câu đáng suy nghĩ: “Những gì sự kiện 11-3 dạy chúng ta là thảm họa ngàn năm có một vẫn luôn có thể xảy ra. Những gì xảy ra ở Nhật có thể sẽ xảy ra với bất cứ ở đâu. Đó là chuyện của tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ cách để phòng tránh nó”. Ông Sato cho biết một nghiên cứu của Chính phủ Nhật chỉ ra rằng xác suất một trận động đất 7 độ Richter xảy ra ở vùng Tokyo trong vòng 30 năm tới là 70%. Do đó, nước Nhật phải chuẩn bị từ bây giờ.
____________________
Sẽ làm tổn thương nạn nhân nếu gọi những gì mà họ tự tay xây dựng, gắn bó, yêu thương cả cuộc đời là rác.
Kỳ tới: Xin đừng gọi đó là rác
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận