Sau đây là ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ từ Nhật về những nỗ lực của người dân và chính quyền ở xứ sở vừa ra khỏi thảm họa chưa từng có trong lịch sử.
Kể từ sau thảm họa ngày 11-3, hệ thống tàu cao tốc shinkansen - chạy 200km/giờ - có một biểu tượng mới. Tất cả các toa kéo đầu tàu đều được vẽ bên hông một hình tròn to màu đỏ, ở giữa là bản đồ Nhật Bản màu trắng và dòng chữ “Cố lên, nước Nhật!”.
Phóng to |
Hệ thống tàu shinkansen của Nhật có thêm biểu tượng mới ở đầu tàu - Ảnh: N.T.U. |
Nhưng không chỉ hệ thống tàu shinkansen mới đáp lời hiệu triệu của đất nước, đi đến đâu ở nước Nhật những ngày này người ta đều được nghe thấy những lời động viên người Nhật tiến về phía trước sau thảm họa.
Đứng giữa tan hoang nhìn về phía trước
Bờ biển thành phố Ishinomaki ở quần đảo Miyagi hơn một năm sau thảm họa vẫn còn là một vùng đất rộng tan hoang. Một nửa thành phố Ishinomaki đã bị nước cuốn phăng, hơn 3.200 người chết và một năm sau vẫn còn hơn 500 người mất tích ở phương nào.
Người Ishinomaki đã nỗ lực dọn dẹp mọi thứ, những con đường đã tươm tất, nhưng dọc bờ biển bây giờ vẫn còn đó những căn nhà không còn cửa không người ở đứng chơ vơ giữa đống đổ nát. Có lẽ chủ của những căn nhà tan hoang này đã chết hoặc mất tích, cũng có thể là do họ sơ tán đến một vùng nào đó cho đến giờ vẫn chưa thể trở về.
Dọc theo bờ biển tan hoang, ai đó mới dựng lên một tấm bảng khắc chữ kỷ niệm một năm thảm họa, cạnh đó là một ngọn lửa tượng trưng cho sự vĩnh cửu và một tấm biển lớn ghi dòng chữ “Cố lên, Ishinomaki!”.
Phóng to |
Giữa trưa nắng, một bạn trẻ Nhật xem tấm bảng kỷ niệm một năm thảm họa. Bên cạnh là ngọn lửa vĩnh cửu và đằng sau là tấm biển lớn “Cố lên, Ishinomaki!” được dựng lên giữa bãi biển hoang tàn ở thành phố Ishinomaki (quần đảo Miyagi) - Ảnh: N.T.U. |
Giữa trưa nắng, trên bãi đất hoang ngổn ngang đất đá này, ông bà Yamaghushi bày vài bó hoa, thức uống và tượng một đứa trẻ rồi thắp nén hương. Đứa trẻ là con ông bà, ngày 11-3 đi học ở trường tiểu học thì sóng thần ập đến cuốn trôi đi, bây giờ không biết ở nơi nào hay đã vĩnh viễn ra đi. Thắp hương xong, ông bà đến trước tấm biển có dòng chữ “Cố lên, Ishinomaki!”, nước mắt lúc nãy trên mắt ông bà đã thôi lăn.
Ông Yamaghushi nói: “Nỗi đau của riêng tôi đâu thấm vào đâu so với nhiều gia đình khác, so với nỗi đau của thành phố Ishinomaki, của nước Nhật. Nhưng cứ đau mãi thì đâu được gì. Ishinomaki cần nhìn về phía trước. Tương lai của chúng tôi bắt đầu từ cách chúng tôi làm gì hôm nay”.
Cách bờ biển không xa, trên bức tường của Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki, người ta thấy một bức tranh lớn ghi dòng chữ “Nước Nhật: đừng bao giờ bỏ cuộc!” bằng tiếng Anh và vô số lời động viên bằng tiếng Nhật của bệnh nhân vốn là nạn nhân sóng thần đã đến đây điều trị hơn một năm trước.
Phóng to |
Hành lang của Bệnh viện Chữ thập đỏ Ishinomaki thành một triển lãm tranh và những lời động viên của nạn nhân sóng thần: "Nhật Bản: đừng bao giờ bỏ cuộc" - Ảnh: N.T.U. |
Vào thời điểm khó khăn đó, bệnh viện 402 giường này đã trở thành địa điểm cứu nạn cho nạn nhân sóng thần cả vùng, làm nơi lánh nạn của 313 người dân và chữa trị 1.200 bệnh nhân mỗi ngày trong cảnh hoàn toàn bị cô lập. Khi được hỏi ai sẽ xung phong đi đến vùng thảm họa, những cánh tay y bác sĩ giơ lên, dù bà con của họ người còn người mất không biết tìm nơi nào. Một nửa bác sĩ ở lại bệnh viện trực chiến, một nửa ra vùng thảm họa để điều trị cho người bị thương.
“Không bao giờ nói không với bệnh nhân” là tinh thần của bệnh viện những ngày đó.
Ông Abe Masaaki, trưởng bộ phận kế hoạch của bệnh viện, nhớ lại câu chuyện và nói: “Nếu chính chúng tôi không dấn thân về phía trước thì thật khó động viên các nạn nhân vượt qua cảnh đau ốm ngặt nghèo. Khi chúng tôi nói với họ rằng hãy cố lên cho khỏe, thì chính chúng tôi cũng phải biết cố lên vì Ishinomaki, vì nước Nhật”.
Nụ cười trở lại
Nước Nhật một năm sau thảm họa vẫn còn xúc động với câu chuyện các cô vũ công của khu nghỉ mát Hawaiians ở thành phố Iwaki, quần đảo Fukushima, đã tổ chức chuyến biểu diễn miễn phí khắp nước để mang nụ cười trở lại khi cả nước Nhật đang nỗ lực hồi phục sau thảm họa.
Bây giờ du khách đã trở lại khu nghỉ mát nổi tiếng này sau bảy tháng đóng cửa vì sóng thần, các cô vũ công múa những điệu Hawaii cũng đã trở lại múa phục vụ khán giả hằng đêm, nhưng cả nước Nhật vẫn chưa quên hình ảnh các cô những ngày gian nan một năm trước.
Có lẽ ông chủ của khu nghỉ mát nổi tiếng khắp vùng Tohoku và cả nước Nhật này sẽ không ngờ có một ngày địa điểm nghỉ dưỡng kiểu Hawaii, có công viên nước lớn nhất nước này đùng một cái không có khách đoái hoài. Sóng thần ập đến, vốn nằm trên vùng cao nên khu nghỉ mát trở thành nơi sơ tán cho hơn 200 người suốt ba tháng trời. Toàn bộ đội ngũ quan chức thị trấn cũng dời về đây làm việc do trụ sở chính quyền thị trấn bị quét sạch. Một khung cảnh tang tóc và u ám bao phủ khắp vùng. Phải làm gì đây bên cạnh hồi phục cơ sở vật chất? Các cô vũ công vốn múa những điệu múa Hawaii nức tiếng nước Nhật này (được người Nhật gọi là hula girl) quyết định tổ chức chuyến biểu diễn khắp nước để khích lệ tinh thần người dân.
Lần đầu tiên sau 45 năm hình thành vũ đoàn, 35 cô gái trong đội múa đi ra khỏi khu nghỉ mát để phục vụ miễn phí khán giả khắp nước. Họ đều là người Fukushima, đi biểu diễn động viên tinh thần đồng bào trong khi người thân của họ có người đã chết, có người còn mất tích, người may mắn thì còn trú ở các trại sơ tán.
Tour diễn được bắt đầu từ trung tâm sơ tán Fukushima, giữa một vùng chỉ có màu đen của đổ nát và màu trắng của tuyết phủ, nhóm múa phát đi thông điệp rằng chuyến biểu diễn này nhằm thể hiện sự đoàn kết của người dân trong vùng Tohoku và trên cả đất nước.
Một năm sau sự kiện đó, Mai Yamagiwa - trưởng nhóm múa, có cha mẹ đang ở trại tạm cư - nhớ lại: “Chúng tôi đã lên đường diễn khắp vùng Tohoku để mang lại nụ cười cho bà con vùng thảm họa, đến cả Tokyo, Osaka... để cổ vũ tinh thần vươn lên của người Nhật. Đặc biệt nhất là những suất diễn ở các trại tạm cư tại Fukushima, chúng tôi đã thấy nụ cười của người dân, trong đó có cha mẹ tôi. Những nụ cười và khuôn mặt vui vẻ đó là những điểm sáng hiếm hoi giữa vùng thảm họa đen tối bao trùm”.
Báo chí khắp nước Nhật đưa tin về tour diễn, những hình ảnh các cô gái biểu diễn đẹp mắt trên sân khấu và sau đó là nước mắt rơi giữa vũ công và khán giả khi giao lưu tràn ngập các trang báo. Báo New York Times của Mỹ cũng đăng bài về tour diễn xúc động này.
Phóng to |
Các cụ già biểu diễn lễ hội đường phố kêu gọi ái quốc ở Adatara (quần đảo Fukushima) - Ảnh: N.T.U. |
“Chúng tôi sẽ còn tiếp tục động viên nhau cùng bước tới” - ông Nogoya Kabe, người phụ trách chuyến biểu diễn đường phố (road show) của các cụ ông, cụ bà ở hai quần đảo Iwate và Fukushima, cho biết.
Giữa trưa nắng tháng 3-2012, trước một siêu thị ở thành phố Adatara (quần đảo Fukushima), chúng tôi thấy các cụ hát, múa và đánh trống những bài ca truyền thống kêu gọi người dân ái quốc. Bà con vây lại xem. Xong xuôi, họ lên xe rong ruổi sang nơi khác, chiếc xe chạy đi với bài hát phát ra từ loa cứ lặp đi lặp lại không nghỉ: “I love you, Fukushima!”.
__________
Sau trận động đất ở Kobe năm 1995 làm 6.000 người chết và đặc biệt là sau sự kiện ngày 11-3, người Nhật không còn nghĩ như trước.
Kỳ tới: Thay đổi suy nghĩ sau thảm họa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận