17/11/2023 11:21 GMT+7

Thay đổi học sinh bất cần đời

Tôi nghe danh Khánh Mai từ khi em là học sinh lớp 10, lớp 11 với điểm nổi bật là ham chơi hơn ham học. Mai có những trò nghịch ngầm khiến giáo viên chao đảo, các bạn cùng lớp cũng không yên ổn.

Thay đổi học sinh bất cần đời - Ảnh 1.

Khi Mai lên lớp 12, tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp của em.

Cách đây mấy ngày, Mai đến thăm tôi. Cô bé ấy giờ đã tốt nghiệp đi làm. Nhìn em năng động, tự tin, ăn nói lịch sự, lễ phép, niềm vui của người thầy giáo dâng lên trong tôi.

Nghiện... rạch tay

Cô bé ấy có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt và tính cách cũng rất đặc biệt. Cha mẹ em làm nông ở một huyện ngoại thành TP.HCM.

Không hiểu sao rất nhiều người họ hàng bên nội của em đều bị ung thư, trong đó có cha của em. Về kinh tế, tuy không giàu nhưng gia đình Mai thuộc diện khấm khá với mấy chục phòng trọ cho thuê.

Mai là nữ sinh nhưng hình dáng, tính tình như nam sinh. Chiều cao, cân nặng của em vượt xa so với bạn đồng trang lứa. Em ăn nói bỗ bã, hở tí là động tay động chân với bạn nên không bạn nào chơi với em.

Tôi hỏi: "Vậy em đi học làm gì?". Mai trả lời: "Đi học để thoát khỏi sự kìm kẹp của ổng bả, chứ ở nhà sao chịu nổi, ổng bả chửi em suốt ngày".

Thì ra Mai kêu cha mẹ mình là "ổng và bả". "Nhưng đã đi học thì phải học đàng hoàng chứ", tôi nói. "Ngồi học đàng hoàng thì đâu có vui được đâu thầy, phải quậy, phải chọc đứa này đứa kia mới thấy vui", em đáp lại.

Tôi bối rối, chưa biết sẽ dùng phương pháp nào để khuyên bảo, tạo động lực để em học tập.

Một ngày kia, trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, tôi bàng hoàng phát hiện ra hai cổ tay của Mai chằng chịt những vết rạch dài ngắn khác nhau, có vết vẫn còn mới, có vết đã thành sẹo.

Có lẽ đây cũng là lý do khiến em thường xuyên mặc áo khoác dài tay, kể cả những khi trời nắng, nóng.

Hôm ấy, sau tiết ngoại khóa, tôi cho học sinh ra về và đề nghị Mai ở lại giúp thầy một việc. Tôi nắm lấy tay em, giả bộ vô tình làm cho tay áo của em bị kéo lên.

Rồi tôi chỉ vào những vết rạch, hỏi:

"Cái gì đây?".

Em trả lời: "Thì em rạch tay đó thầy. Mỗi lần rạch là vì em tức ổng bả, riết rồi em ghiền rạch tay. Mỗi lần rạch cảm giác rất dễ chịu, vơi bớt những bực bội trong lòng. Ổng bả không hiểu em, lúc nào cũng chửi rủa là em quá tệ, em hậu đậu, em lười biếng, em học dở, chỉ biết quậy phá, báo cha báo mẹ... Ổng bả chỉ biết la mắng thôi chứ không bao giờ nghe em giải thích".

Kiên nhẫn với học sinh

Tôi nói với Mai: "Từ nay có gì bức xúc em cứ nói với thầy. Những chuyện lớn, nhỏ có liên quan đến em, thầy đều muốn nghe. Bất cứ lúc nào em cần người chia sẻ thì cứ tìm thầy, thầy luôn sẵn sàng...".

Thời gian sau đó, Mai nói chuyện với tôi nhiều hơn. Ngoài những chuyện bức xúc với cha mẹ, những nỗi oan "trời mới thấu" thì có những ngày em kể những chuyện không đầu, không cuối. Rằng bạn này chê em mập, bạn kia ví em như sumo; rằng hôm nay em mới tìm ra một quán ăn sáng rất ngon...

Tôi cũng không nhớ từ khi nào, Mai đã đổi cách xưng hô. Em kêu tôi bằng "tía" và xưng "con", kể cả trong lớp hay ngoài lớp.

Có những ngày, mới sáng sớm em đã tìm tôi, chỉ để thông báo: "Hôm qua con mới rạch tay nữa đó tía. Tức quá không chịu nổi. Tôi vội cầm lấy tay em, vạch áo ra, xót xa nhìn vết rạch có phần sâu hơn trước, dài hơn trước...".

Thấy Mai cô đơn, bất cần đời, tôi ra điều kiện em phải chơi với bạn cùng lớp, cùng trường chứ lúc nào cũng một mình vậy sao được.

Tôi khuyên em thay đổi bản thân, điều chỉnh cách ăn nói, cư xử thì chắc chắn các bạn sẽ chơi cùng. "Con thử nghĩ đi, nếu tía nói chuyện với con mà luôn luôn nói nặng lời, chửi bới... thì con có thèm nói chuyện với tía không? Vậy mà con nói chuyện với các bạn con toàn chửi người ta bằng những từ ngữ thô thiển", tôi bảo vậy.

Và những đổi thay

Mai hứa sẽ thay đổi. Và cô bé có bạn, không chỉ bạn cùng lớp mà còn cả cùng trường. Những câu chuyện em kể với tôi ngày càng nhiều chuyện vui tươi. Các câu chuyện làm cho em bực bội, khó chịu, ức chế dần dần ít đi.

Nhưng chuyện học chưa cải thiện lắm. Năm đó em học lớp 12, chỉ cần cố gắng một thời gian ngắn nữa là em sẽ cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Trước đợt kiểm tra giữa kỳ 1, tôi yêu cầu một số học sinh phải đến học buổi tối với thầy chủ nhiệm từ 18h - 21h các ngày trong tuần để tôi hỗ trợ ôn bài.

Trong khi các bạn khác rất nghiêm túc, Mai luôn luôn đến trễ với đủ mọi lý do. Vào lớp, em cũng không chịu ôn bài, làm bài tập mà cứ ngồi lì ra, chờ đến 21h để đi về nhà.

Tôi đưa bài cho cả nhóm, ai làm xong trước về trước, ai chưa xong thì học xong rồi mới được về.

Hôm đó Mai ngồi học trầy trật đến hơn 22h. Thầy chủ nhiệm là tôi cũng ngồi kế bên em, giải thích cặn kẽ cho em từng chút một.

Khánh Mai đậu vào đại học

Những hôm sau nữa, Mai không đi trễ nữa, em cũng không ngồi ỳ ra một chỗ mà chủ động học tập. Không ngờ em học rất nhanh, thường xong trước các bạn.

Nhưng thay vì về sớm thì Mai ở lại, giúp thầy bằng cách hỗ trợ bạn học, giải thích những bài khó cho bạn. Năm ấy, không chỉ đậu tốt nghiệp THPT, Khánh Mai còn đậu vào đại học với số điểm khá cao.

Kỷ luật học sinh đánh nhau bằng cho đọc sách là cách làm hay, nhân vănKỷ luật học sinh đánh nhau bằng cho đọc sách là cách làm hay, nhân văn

Việc kỷ luật học sinh đánh nhau bằng cách đọc sách đạo đức của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM đang gây sự chú ý của dư luận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên