23/01/2025 19:15 GMT+7

Thấy đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, người dân cần làm gì?

Đại diện Phòng cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết khi người dân phát hiện đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, hãy gọi điện báo ngay cho cảnh sát giao thông qua số điện thoại dán trên tủ điều khiển.

Thấy đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, người dân cần làm gì? - Ảnh 1.

Số điện thoại dán ở các tủ điều khiển đèn giao thông để người dân phản ánh khi có sự cố - Ảnh: MINH HÒA

Quan sát kỹ đèn giao thông để chủ động xử lý

Ngày 23-1, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM cho biết trong thời gian qua, qua thông tin báo chí và mạng xã hội đã xuất hiện tình trạng một số người chạy xe khi đến giao lộ không chấp hành quy định từ đèn tín hiệu giao thông.

Cụ thể như: có nơi đèn tín hiệu còn 5-10 giây xanh, phía trước thông thoáng nhưng vẫn dừng lại, hoặc chạy thật chậm để dừng lại trước vạch sơn khi đèn chuyển sang vàng, đỏ; tại nơi có đèn vàng nhấp nháy người lái ô tô không đi gây cản trở giao thông...

Vậy, khi tham gia giao thông, người lái xe cần lưu ý trong việc chấp hành đèn tín hiệu như thế nào?

Theo khoản 4, điều 11 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024: Tín hiệu đèn màu xanh là được đi. Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng.

Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Đồng thời quan sát đèn tín hiệu để biết được khi đi trên làn đường đó thì được phép đi tiếp qua giao lộ khi đèn xanh hay phải giảm tốc độ dừng lại trước vạch khi đèn đỏ.

Việc chủ động quan sát sẽ giúp người lái xe chuyển làn đường phù hợp và chấp hành đèn tín hiệu đúng quy định, tránh các trường hợp vi phạm các lỗi liên quan đến làn đường, không chấp hành đèn tín hiệu hoặc gây mất an toàn giao thông, cản trở giao thông khi qua giao lộ.

Thấy đèn gặp sự cố cần làm gì?

"Việc quan sát từ sớm, từ xa sẽ giúp chúng ta tính toán được thời gian đèn tín hiệu sẽ chuyển pha cùng lúc với chúng ta đi qua đèn hay không để kịp thời có hành động phù hợp. 

Khi đến gần giao lộ, mặc dù đèn tín hiệu đang xanh nhưng thời gian đếm ngược còn rất ít, trong khi đó phía trước đang ùn ứ, di chuyển khó khăn, không đi qua hết được giao lộ thì chúng ta cần giảm tốc độ dừng lại trước giao lộ khi đèn chuyển sang đỏ, vừa thể hiện nét văn minh vừa thể hiện văn hóa nhường đường.

Còn trong trường hợp phía trước đang thông thoáng, không có người đi bộ đang đi dưới lòng đường giao lộ phía trước mặt, thời gian đèn tín hiệu màu xanh vẫn còn đủ để xe đi qua giao lộ an toàn thì người điều khiển xe tiếp tục di chuyển. Trong trường hợp này cần quan sát các xe xung quanh để đề phòng các xe chuyển làn, chuyển hướng cùng chiều có thể gây tai nạn giao thông", đại diện Phòng PC08 chia sẻ.

Trong một số trường hợp, quá trình chuyển chu kỳ đèn theo chương trình được cài đặt tại hệ thống điều khiển do đơn vị thuộc Sở GTVT thiết lập hoặc trong quá trình chuyển trạng thái từ tự động sang điều khiển chủ động của người điều khiển giao thông có thể làm cho tín hiệu đèn chuyển trạng thái đột ngột không theo thời gian đếm ngược của đèn tín hiệu.

Trong trường hợp này, người lái xe cần lưu ý bình tĩnh, quan sát, điều khiển xe phù hợp để không xảy ra va chạm. Khi phát hiện tình trạng bất cập, có sự cố của đèn tín hiệu thì người dân lấy thông tin số điện thoại phản ảnh cho các đơn vị phụ trách được niêm yết ngay tại "tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông" gần giao lộ để lực lượng CSGT tiếp nhận và xử lý kịp thời.

Thấy đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, người dân cần làm gì? - Ảnh 2.Dừng xe khi đèn xanh còn 5 giây có bị xử phạt?

Trường hợp người điều khiển xe dừng ngay vạch đèn tín hiệu giao thông khi đèn xanh còn 5 giây vì nhiều lý do. Trường hợp này có vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên