26/04/2018 19:49 GMT+7

'Thầy cô không đạt chỉ tiêu, tôi đi họp chẳng ngẩng đầu lên nổi'

NGỌC HÙNG
NGỌC HÙNG

TTO - "Nếu thầy cô không đạt chỉ tiêu, tôi đi họp chẳng thể ngẩng đầu lên nổi. Rồi ăn nói làm sao với UBND, Hội cha mẹ học sinh và người dân địa phương?", thầy hiệu trưởng nói.

Thầy cô không đạt chỉ tiêu, tôi đi họp chẳng ngẩng đầu lên nổi - Ảnh 1.

Đầu năm học, sau khi hoàn tất hội nghị cán bộ công chức cấp cơ sở, mỗi giáo viên bắt đầu đăng ký danh hiệu thi đua. Và tâm trạng chung của phần lớn giáo viên chính là sự ngỡ ngàng, sửng sốt tột độ với những con số chỉ tiêu cao ngất ngưởng.

Bởi chúng tôi không bao giờ được "tự nguyện" đăng ký chỉ tiêu. Tất cả phải được căn cứ dựa trên chỉ tiêu thống nhất của nhà trường. Cuối năm học, những con số ấy lại được đưa ra rà soát, đối chiếu và… phấn đấu đạt chỉ tiêu.

Năm nay cũng vậy, mấy con số chỉ tiêu cao vượt lên hẳn. Tỉ lệ lên lớp thẳng là 98%, tỉ lệ học sinh khá giỏi: 60%, tỉ lệ duy trì số lượng: 100%, số giải học sinh giỏi cấp thị xã: 40 giải…

Những con số cao ngất ngưởng ấy khiến giáo viên chúng tôi buột miệng hỏi thầy hiệu trưởng: "Bao giờ chỉ tiêu chạm trần vậy thầy?". Câu trả lời "Sắp rồi!" cùng nét mặt buồn buồn của thầy làm mọi người chạnh lòng.

Không phải chỉ giáo viên mới khổ vì chỉ tiêu, tôi nghĩ ngay đến ban giám hiệu nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn cũng hiểu quá rõ về căn bệnh thành tích tiềm ẩn đầy nguy hại sau mấy con số chỉ tiêu. Tuy nhiên, "lực bất tòng tâm", trên ấn định chỉ tiêu xuống, trường cứ thế mà theo, giáo viên cứ vậy mà làm.

Ai dám đứng bên lề cuộc đua thành tích? Tôi nghĩ là rất ít. Mười lăm trường trong thị xã cùng thi đua, lẽ tất nhiên trường nào đứng tốp cuối buộc phải giải trình vì sao trường anh, trường chị chất lượng thấp như thế.

Một người chị của tôi là tổ trưởng chuyên môn từng kể, áp lực vô cùng khi tham gia các hội nghị tổng kết cấp phòng, sở. Bởi trường nào có chất lượng thấp không đạt chỉ tiêu đều "được" nêu tên và "được" chất vấn.

Câu hỏi quen thuộc từ đại diện của phòng giáo dục là: "Các trường khác đều đạt chỉ tiêu, sao chỉ mỗi trường này không đạt? Học sinh mấy trường thuộc địa bàn vùng núi trong thị xã một buổi học, một buổi làm vườn sao vẫn có kết quả cao?

Trường mình thuộc vùng đồng bằng lẽ nào, chất lượng cuộc sống cao hơn sao chất lượng học tập lại thấp hơn?". Những câu hỏi cắc cớ ấy đâu khó để tìm câu trả lời. Chỉ có điều không ai nói ra!

Và sau nhiều lần bị "chỉ mặt đặt tên" trong các cuộc họp như thế, lẽ tất nhiên lãnh đạo nhà trường lại chuyển "cơn giận" ấy cho giáo viên. Có trường nghiêm khắc, lạnh lùng buộc giáo viên phải thi đua, phải đạt thành tích bằng mọi cách, nếu không sẽ trừ điểm thi đua, hạ bậc danh hiệu thi đua.

Có trường hiệu trưởng lại "năn nỉ" giáo viên hoàn thành tốt việc thi đua bởi "Nếu thầy cô không đạt chỉ tiêu, tôi đi họp hiệu trưởng chẳng thể ngẩng nổi đầu lên ở phòng. Rồi ăn nói làm sao với UBND, hội đồng nhân dân, hội cha mẹ học sinh và người dân địa phương?". Thành ra giáo viên là người trực tiếp "đứng mũi chịu sào"!

Nếu chỉ đơn giản là vấn đề thi đua thì có lẽ rất nhiều người thầy sẵn sàng "trái lệnh", dẫu bị xếp loại thi đua thấp cũng chẳng sao, miễn là lòng người thầy không thấy hổ thẹn.

Nhưng mọi thứ đâu đơn giản như thế, chất lượng thấp đồng nghĩa với uy tín người thầy bị hạ thấp đến mức khủng khiếp.

Bên cạnh đó là việc nhắc nhở và răn đe thường xuyên của ban giám hiệu nhà trường, cái dấu hiệu "ra lệnh" ngầm của phòng giáo dục buộc phải thay đổi quan điểm, đổi luôn cách dạy, cách đánh giá học sinh.

Một đồng nghiệp của tôi dạy bộ môn Ngữ Văn năm ngoái từng than thở rằng chị đang giảng dạy một lớp học quá chán, không thể tìm ra được một học sinh điểm 8 môn Văn. Học kỳ 1 trôi qua, lớp chị đứng lớp ấy xếp vị thứ cuối của thị xã và bao nhiêu là "sóng gió" bắt đầu.

Sau một thời gian dài bị "đả thông tư tưởng", sang học kỳ 2, chất lượng lớp ấy vượt trội lên hẳn, tỉ lệ học sinh giỏi bộ môn Ngữ Văn tăng đột biến, kéo theo số học sinh giỏi cuối năm tăng theo. Chuyện gì đã xảy ra thì "ai cũng hiểu, không người nào không hiểu".

Thế đó, chỉ tiêu ảo, thành tích giả cứ "đeo bám" quanh năm suốt tháng trong môi trường giáo dục khiến lòng người quặn đau nhưng bất lực. Tôi nghĩ căn bệnh này trở nên trầm kha như thế bởi chính cách quản lý giáo dục vẫn mang nặng thi đua, thành tích.

Dựa vào kết quả của trò để đánh giá thi đua người thầy là không hợp lý. Cấp trên hô hào chống bệnh thành tích nhưng cứ một hai áp đặt và khống chế chỉ tiêu xuống cơ sở, điều này lại càng vô lý hơn!

Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban? Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban?

TTO - Trong đời cầm phấn của mình, không dưới năm lần tôi muốn cho học sinh được lưu ban. Nhưng tất cả những lần đó, tôi đều thất bại.

NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên