Những niềm thương con của cha mẹ
Linh sống cùng bố mẹ tại Gò Vấp (TP.HCM) và cô làm sếp ở một ngân hàng. Sau một ngày quản lý công việc và nhiều nhân viên, Linh trở về nhà cùng tâm trạng mệt mỏi, trong suốt nhiều năm.
Linh lầm lì, giao tiếp hời hợt với ba, mẹ và người thân khác trong nhà. Linh chỉ biết công việc và căn phòng tại gia của mình. Cái gì tiền giải quyết được thì Linh nhẹ nhàng "bắn" tài khoản chi trả hết, rồi ở lì trong phòng.
Đến một ngày Linh cưới chồng và "cực chẳng đã" phải theo chồng về sống cùng nhà chồng, sau một thời gian, Linh bỗng dưng nhớ mẹ kinh khủng.
Thế là từ đó, mỗi khi xong ngày làm thì Linh vác bụng bầu chạy xe về nhà mẹ, dù chỉ là 5 - 10 phút ở nhà mẹ mình cũng được. Ngày Linh nằm viện sinh con đầu lòng, dù được nhà chồng chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng Linh tự nhiên bật khóc khi thấy mẹ ruột vào viện thăm.
Cách đây không lâu một bà lão tự dưng gọi cho tôi và nói rằng: "Tôi già yếu bệnh tật, sống ngày chờ chết, mong nhờ cậu giúp đỡ". Tôi ghé nhà bà thì thấy một bà lão quắt queo, tật nguyền tuổi 70. Bà yếu đến nỗi nói năng cũng thều thào.
Bà kể rằng nhờ một diễn viên nào đó quay phim gần nơi bà ở, thấy bà khổ nên họ giúp rồi cho bà số điện thoại của tôi. Bà kể bà có hai người con trai. Vài năm qua bà sống cùng anh con út, nhưng Út đã qua đời vì đột quỵ 2 năm nay.
Con trai lớn bỏ bà đi bặt tăm mấy năm nay rồi, chưa lần nào về thăm bà.
Giờ phút cuối đời bà chỉ có hai mong ước. Đầu tiên là bà mong đứa con lớn của bà khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định để lo cho bản thân. Điều còn lại là bà muốn có một cái máy radio mới để bà nghe kinh đêm khuya, máy cũ nát quá rồi.
Tôi chỉ biết lặng người khi nghe bà kể. Trong "căn nhà" xập xệ bên hông đường ray xe lửa này, vài bà già cô độc như bà đang sống cùng những mong mỏi như nhau cho con cái.
Bao giờ con mới biết còn mẹ là điều quý giá nhất trên đời này?
Mùa 4 của loạt phim Sex education (loạt phim phát trực tuyến khá đình đám) có nói về hai nhân vật chính là Otis và Maeve. Bà mẹ đơn thân của Otis là tiến sĩ tâm lý và rất thương Otis. Xuyên suốt 4 mùa phim, khán giả thấy cậu bé Otis hờ hững với mẹ vì biết mẹ luôn thương mình.
Đến khi mẹ Otis bất ngờ sinh con muộn và bà cô đơn chiến đấu với việc nuôi con nhỏ, vất vả giành công việc kiếm sống, đến nỗi trầm cảm, thì Otis lại quay ra trách mẹ không biết quan tâm mình. Mẹ Otis ngồi bật khóc ngay hiên nhà vì uất ức và quá cô đơn.
Trong khi đó, mẹ của Maeve là người nát rượu và chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong cuộc đời hai anh em Maeve. Tất nhiên anh em Maeve chẳng ưa mẹ mình. Khi mẹ Meave chết, cả hai lại bất ngờ "sững sờ" và buồn bã.
Người anh miễn cưỡng làm hậu sự trong ấm ức hận thù mẹ, thì Maeve dường như biết thương mẹ trở lại, vì cô và ông anh của mình chính thức mồ côi mẹ. Hay là vì bà mẹ thiếu trách nhiệm mà Maeve ghét ấy không biết từ đâu dúi vào tay cô xấp tiền để cô được tiếp tục đi học lúc bà còn sống?
Phim ảnh phản ánh những câu chuyện của cuộc đời, và trong các câu chuyện về người mẹ, bà mẹ nào được kể đến cũng đáng được con cái thương. Tuy nhiên, điều ngược lại chẳng cần phim ảnh hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác đề cập đến, vì thực tế trong nhiều người, niềm thương mẹ còn lắm chông chênh.
Tôi có thể tặng bà lão tật nguyền ấy một cái máy radio để bà nghe nhiều lời hay ý đẹp từ các bài kinh, nhưng tôi không thể bắt anh con trai còn lại của đời bà quay trở về và nói với bà câu "má ơi, con thương má nhiều lắm".
Tôi chỉ biết rằng, đến một lúc nào đó, người con trai này sẽ như Maeve khi nghe tin mẹ mình đã bị ngọn gió đời cuốn đi, có lẽ anh ta sẽ ngồi đâu đó, gục đầu buồn bã. Và lúc đó anh ta mới biết rằng, còn mẹ là điều quý giá nhất trên đời này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận