Nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10, là người chuyên nghiên cứu văn hóa Việt, ThS Nguyễn Hiếu Tín - trưởng bộ môn du lịch, giảng viên khoa KHXH&NV Trường ĐH Tôn Đức Thắng - trò chuyện với Tổ ấm về ứng xử với người lớn tuổi, đặc biệt là ba mẹ, ông bà dưới góc nhìn văn hóa, gia đình.
Tuổi già: sức khỏe giảm đi cùng nỗi cô đơn
* Người lớn tuổi sẽ suy giảm sức khỏe, trí nhớ. Là con cái chúng ta cần và nên làm gì để giúp đỡ, chia sẻ?
- Sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém đi, cách ứng xử sinh hoạt không còn được như trước là một số trong những biểu hiện về phương diện sinh học của những người lớn tuổi. Việc này thường dẫn đến cảm giác bi quan, buồn nản, thậm chí mất đi động lực vui sống, dẫn đến những ảnh hưởng về thể chất.
Hơn bao giờ hết, là con cái cần phải thấu hiểu tâm lý tuổi cao của cha mẹ, con cháu thường xuyên ở bên cạnh trò chuyện, động viên, tạo nguồn vui, giúp người lớn tuổi vui sống khỏe mạnh.
Mặt khác con cái cũng cần sắp xếp thời gian, khám sức khỏe định kỳ cho cha mẹ, ông bà, tổ chức chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, vận động khoa học hơn để duy trì tình trạng sức khỏe tốt nhất. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho người lớn thực hiện mong ước của mình hoặc dành thời gian tổ chức những chuyến đi gia đình, tạo sự gắn kết, niềm vui với tình thân.
Điều cần chú ý là con cái cần tìm cách phóng thích nỗi cô đơn trong tâm khảm cha mẹ; giúp cha mẹ thiết lập, kết nối mối quan hệ bạn bè, tìm các hội nhóm, những người cùng sở thích, chí hướng thì trạng thái cô đơn sẽ giảm đáng kể.
* Vậy trong vai trò một người con, anh đã làm gì để ba mẹ mình được thảnh thơi tuổi già?
- Bản chất của tuổi già liên quan hai yếu tố. Một là yếu tố vật lý, chịu sự chi phối của thời gian, liên quan môi trường và hoàn cảnh sống. Và hai là yếu tố tâm lý liên hệ đến thái độ, chất liệu, chất lượng cuộc sống.
Trên cơ sở đó giải quyết được hai vấn đề này sẽ mang lại hạnh phúc cho tuổi già, và quyết định đến tuổi thọ của cha mẹ. Đó cũng chính là cái già của "thân" và "tâm".
Cái già của thân được diễn ra theo quy trình thông thường "lão hóa tự nhiên", là "hao mòn vật lý". Điều này đơn giản là chăm sóc sức khỏe, về đời sống vật chất cho cha mẹ. Tuy nhiên để cha mẹ thật sự thảnh thơi đó là trạng thái tinh thần - phần "tâm" phải luôn được trau dồi. Bản thân mình tạo động lực cho cha mẹ luôn vui, hạnh phúc, an tâm bằng cách cố gắng sống tốt, làm việc trách nhiệm, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Chia sẻ với cha mẹ, theo quan điểm của Phật giáo có dạy: "Đừng bao giờ để thân thể này bị trù dập bởi dòng trạng thái cảm xúc không vui", luôn sống vui ở thì hiện tại "hiện tại lạc trú": "An vui cùng hiện tại, hạnh phúc mãi bên ta". Đó là giá trị của thảnh thơi, giá trị của hạnh phúc tuổi già.
Hiểu để thương và chia sẻ
* Có nhiều trường hợp con cái đi làm ở thành phố, rồi sinh sống tại đó luôn, sau đó đón rước ba mẹ lên. Điều này có thực sự tốt?
- Xu hướng đón rước ba mẹ lên thành phố sinh sống cùng con cái khá phổ biến trong những năm gần đây. Có lẽ do mức sống người dân đô thị ngày càng được cải thiện. Mặt khác, con cái cũng muốn bày tỏ tấm lòng hiếu đạo của mình, để được gần gũi cha mẹ nhiều hơn, đỡ lo khi sức khỏe cha mẹ ngày càng giảm sút. Tuy nhiên điều này chưa phải cấp thiết, quan trọng tùy thuộc mỗi gia đình, cha mẹ có phù hợp/thích hay không.
Trong trường hợp này, con cái cần tìm hiểu và tôn trọng ý kiến cha mẹ, thay vì cha mẹ "miễn cưỡng" vì con. Bởi lẽ thay đổi môi trường sống từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị, khó hòa nhập. Hơn nữa, nhu cầu giao tiếp với người quen hàng xóm của người cao tuổi là rất cao "bán anh em xa mua láng giềng gần", những thói quen sinh hoạt sẽ thoải mái hơn ở đô thị ồn ào.
Không ít người con sợ mang tiếng bất hiếu, để ba mẹ già ở quê nên cố gắng đón họ ở cùng mình. Nhưng thật sự người con có hiếu là người luôn làm cha mẹ hài lòng. Cha mẹ hài lòng thì sẽ sống vui và sống thọ chứ chưa hẳn cứ tạo ra cuộc sống đầy đủ tiện nghi là họ thích.
* Có câu "trẻ cậy cha, già cậy con", theo anh, người lớn tuổi có nên trông cậy hoàn toàn vào con cái? Nhưng cũng có quan điểm rằng không nên đặt gánh nặng chăm sóc khi về già lên vai con, người làm cha mẹ nên chuẩn bị cuộc sống cho mình khi về già một cách độc lập nhất có thể. Anh nghĩ sao về quan niệm này?
- Theo thời gian, những quan niệm sẽ có chút thay đổi dần, nhất là xu thế cá nhân hóa ngày càng phát triển, văn hóa gia đình ngày càng biến đổi, dẫn đến những quan niệm trước đây sẽ thay đổi. Tuy vậy giá trị cốt lõi vẫn là nền tảng vững chắc cho sự thay đổi này.
Do vậy "già cậy con" theo nghĩa ngày nay có thể mở rộng hơn không chỉ là việc nhờ vả con cái, mà là tất cả tốt đẹp là trông cậy vào con, vào thế hệ sau, để có thể nối tiếp truyền thống văn hóa gia đình, mang lại tiếng thơm cho gia tộc.
Ở góc độ nào đó, giống như câu "Con hơn cha là nhà có phúc", để thấy được sự tiếp nối, ước vọng của gia đình và xã hội.
* Có điều gì ở người lớn tuổi cần điều chỉnh quan niệm để phù hợp hơn với thời hiện đại?
- Khi xã hội càng phát triển đòi hỏi các thế hệ có những thay đổi phù hợp cùng với nhịp sống của thời đại. Người lớn tuổi có thể thay đổi quan niệm từ quyền lực (làm chủ trong gia đình) sang cách đối thoại với người trẻ, xem họ như người bạn, có thể chia sẻ tâm tình và hướng dẫn chỉ bảo, gợi ý.
Sự dung thông này giúp người cao tuổi tạo nguồn an vui hạnh phúc và bớt được tủi phận cô đơn của những người thân nhất. Cách ứng xử đó buộc tất cả các thế hệ nói chung phải có sự hiểu biết và cảm thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận