Câu trả lời rất nhanh là con cháu của họ. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tìm câu trả lời khác.
Lạc lõng giữa đàn con cháu
Ở quê tôi bây giờ chuyện con cái chăm sóc cha mẹ già bằng sự kiên nhẫn, chu đáo, bằng cả sự tận tụy và niềm vui rất khó thấy hơn trước. Nhiều người ở gần vẫn chăm sóc cha mẹ già, vẫn cơm bưng nước rót khi cha mẹ không thể tự lo, nhưng trong lời lẽ đã thôi dịu dàng cùng sự mệt mỏi, cau có khó giấu.
Nhiều cụ già đông con đông cháu nhưng không thể sống với ai. Họ trở nên lạc lõng khi con cháu xem việc chăm sóc là gánh nặng, một thứ áp lực được đặt lên trên cả chữ "hiếu".
Người già ở quê trở nên lạc lõng ngay cả khi con cháu quây quần. Bởi làng quê nay đã khác, các con tụ họp hát karaoke nhiều hơn là chuyện trò với ông bà, các cháu thì bận điện thoại, lướt "phây". Ông bà lưng còm mắt yếu không thể hòa nhập lối sống nhanh hơn, vội hơn và thờ ơ hơn của con cháu.
Tôi trọ ở quận Thủ Đức, TP.HCM, xung quanh có rất nhiều ông bà từ quê lên ở với con cái. Nói là lên sống với con nhưng thực tế là đỡ đần việc nhà cho con. Ông bà già 50-70 tuổi chăm con sinh nở, nấu nướng, giặt đồ, đón cháu đi học, lau nhà, đổ rác...
Chuyện chăm cháu bây giờ trở thành "nghĩa vụ" của nhiều người già. Ông cụ ở gần nhà tôi từ quê vào Sài Gòn sống với con trai nhưng phải chăm hai đứa cháu. Có một lần cụ đưa hai cháu xuống bãi cỏ trước nhà ngồi chơi, thế là cụ bị con phàn nàn "sao để cháu chơi bẩn"? Cụ thanh minh với con rằng cho cháu gần gũi cây cỏ, suốt ngày bắt nó ôm tivi với bốn bức tường...
Những phàn nàn khi ông bà chậm chân, vụng tay không "hoàn thành tốt nhiệm vụ" vẫn xảy ra mọi nơi. Đôi khi xung đột cách nghĩ, cách nói cũng khiến những người già một đời vất vả đang bị tổn thương.
Người già càng cô quạnh hơn
Trở lại câu chuyện con dâu và con trai đánh mẹ già 88 tuổi ở Tiền Giang, tôi muốn đặt một vấn đề khác: nếu như không có hình ảnh camera ghi lại sự việc thì thế nào? Và đằng sau chuyện đạo hiếu thì chúng ta phải làm gì để giúp những người già như cụ? Nhất là khi người cao tuổi Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, họ sẽ cô quạnh hơn khi (vì nhiều lý do) sự tận tụy chăm sóc cho người già ít hơn.
Chúng ta đang sống trong thời đại quá nhanh, kiếm tiền và cả chạy theo những giá trị bên ngoài, mưu cầu sự thảnh thơi, vun vén nhu cầu bản thân, rồi bỏ lại đằng sau nhiều giá trị sống đẹp trong gia đình, trong đó có trách nhiệm và niềm vui với người thân.
Đọc báo thấy nhiều câu chuyện con cái kiện cha mẹ vì chia gia tài... Giá trị hai tiếng "gia đình" dường như đang mai một dần, nhất là lòng yêu thương với cha mẹ mắt mờ chân yếu.
Đánh mẹ già, có thể đây là chuyện cá biệt. Nhưng chúng ta đang làm mẹ cha buồn mỗi ngày bằng những hằn học và sự thờ ơ thì không hiếm. Ai có thể dành thời gian nhiều hơn và chịu lắng nghe tâm sự của cha mẹ khi về già?
Những vô tình lặp đi lặp lại đến khi chúng ta xem chuyện người già lẻ loi là chuyện bình thường. Đến mức những chuyện ngồi bên giường trò chuyện, chăm ông bà từng thìa cháo, được chiều chuộng cha mẹ, lắng nghe những câu chuyện đứt quãng không đầu không cuối của người già thành "lý thuyết xa xôi".
Hiếu hạnh với cha mẹ ông bà, điều luôn luôn cần có nhưng chưa đủ. Xã hội sẽ phải thay đổi cách ứng xử với người già. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem lại vấn đề chăm sóc người già. Viện dưỡng lão, các trung tâm cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tinh thần người già đã có, nhưng chưa đủ trước nhu cầu ngày càng tăng.
An sinh cho người cao tuổi
Tôi thấy ở nhiều nước họ có nhiều chính sách và dịch vụ dành riêng cho người già. Ví dụ như những đường dây nóng để các cụ tâm sự; họ có những lớp dạy các cụ tiếp cận công nghệ cho đỡ buồn; hoặc họ có cả những phong trào tình nguyện khuyến khích thanh niên tới thăm hỏi người già, trò chuyện và đọc sách, ăn với họ bữa cơm.
Có nhiều nước, chính chính phủ khuyến khích con cái đón cha mẹ về sống chung. Bù lại, họ sẽ được giảm giờ làm, giảm thuế hoặc được hưởng thêm ưu đãi trong chăm sóc y tế, sức khỏe.
Đó là những điều chúng ta cần thay đổi theo để xây dựng một hệ thống an sinh bền vững cho mọi đối tượng, trong đó có người già, những người đã cả đời đóng góp cho xã hội.
Bắt giam 2 người đánh mẹ già 88 tuổi
Chiều 29-2, Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và vợ là bà Phạm Thị Loan (57 tuổi) - cùng ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo - để điều tra hành vi ngược đãi mẹ già.
Ngày 25-2, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài khoảng 2 phút 30 giây ghi lại cảnh một bà cụ bị con dâu dùng tay đánh liên tục vào người. Con trai bà chứng kiến nhưng không can ngăn, sau đó người đàn ông này cũng cầm roi đánh trước khi bế bà cụ ra nhà sau.
Bà cụ đã 88 tuổi, sống chung với vợ chồng ông Tuấn. Nguyên nhân được cho do bà cụ lớn tuổi, đãng trí, lúc nhớ lúc quên nên việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày không theo ý muốn vợ chồng ông Tuấn. Bà cụ đã được con gái ruột rước về nhà chăm sóc.
HOÀI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận