Karn Pongpraphapan bị đưa đi thẩm vấn ngày 8-10 - Ảnh: KHAOSOD
Lực lượng An ninh mạng Thái Lan ngày 8-10 cho hay thanh niên này bị buộc tội đăng tải "nội dung bất chính" lên mạng.
Trong khi đó, luật sư đại diện cho bị cáo, ông Winyat Chatmontri, đã bác bỏ cáo buộc trên, thông tin thêm rằng thân chủ của ông là Karn Pongpraphapan, 25 tuổi.
Cảnh sát Thái Lan cho hay vụ bắt giữ được tiến hành ngày 7-10 tại nhà riêng của nghi phạm, nhưng không xác nhận danh tính người này.
Sự việc xảy ra không lâu sau khi mạng xã hội Twitter tại Thái dậy sóng vì dòng hashtag #royalmotorcade phàn nàn đoàn xe hoàng gia (royal motorcade) gây tắc nghẽn giao thông tại Bangkok.
Hãng tin Reuters cho biết lực lượng an ninh mạng ở Thái Lan có đề cập lướt qua về hashtag này trong thông báo bắt giữ.
"Hồi tuần trước, các phần tử xấu đã tạo ra những hashtag bất chính trên mạng xã hội. Điều này khiến đối tượng bị bắt vì đăng tải nội dung không phù hợp lên Facebook, kích động thù hằn", phó chỉ huy của Cục Phòng chống tội phạm công nghệ (TCSD) Siriwat Deepor tuyên bố.
Đoàn xe Hoàng gia Thái Lan trong dịp lễ tưởng niệm Quốc vương Bhumibol Adulyadej quá cố - Ảnh: BANGKOK POST
Thế nhưng, luật sư Winyat khẳng định nội dung Karn đăng tải trên Facebook không nhắc tới Hoàng gia Thái Lan, cũng như dòng hashtag trên. Theo ông này, Karn chỉ đăng tải một số bình luận về lịch sử của hoàng gia các nước khác.
Ông Winyat cho biết Karn đã từng tham gia các chiến dịch kêu gọi tổ chức bầu cử trong giai đoạn quân đội đang nắm chính quyền.
Điểm đáng lưu ý là Karn không bị buộc tội theo luật lệ nghiêm khắc của Thái Lan nhằm chống lại việc lăng mạ hoàng gia mà bị bắt theo luật quy định về tội phạm mạng, liên quan đến an ninh quốc gia.
Điều 112 trong luật hình sự của Thái Lan ghi rõ bất cứ ai "phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa nhà vua, nữ hoàng, người thừa kế hoặc nhiếp chính" sẽ bị trừng phạt với án tù từ 3 đến 15 năm.
Kể từ khi có hiệu lực vào năm 1908, dự luật này hầu như không thay đổi, ngoại trừ năm 1976 theo hướng tăng thêm án phạt.
Nhà vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun của Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, án phạt trên có thể cộng dồn theo từng tội danh. Điều này đồng nghĩa rằng một phạm nhân có thể đối mặt với án tù cực kỳ dài nếu có nhiều tội.
Vào tháng 6-2017, một người đàn ông đã bị khép án 70 năm tù vì mạo phạm hoàng gia, mức án cao nhất từ trước tới nay đối với nhóm tội này. Tuy nhiên, sau đó người này được giảm một nửa hình phạt nhờ thành khẩn khai báo.
Hình thức phạm tội cũng nhiều vô kể, từ một ông cụ gửi tin nhắn được coi là xúc phạm đến hoàng hậu hay một người Thụy Sĩ say xỉn vẽ lên áp phích của đức vua quá cố.
Thực tế, mạng xã hội tháng 5-2017 từng phải đối mặt với lệnh cấm ở Thái Lan vì không chặn các nội dung bất hợp pháp, bao gồm các bài đăng mạo phạm hoàng gia. Tuy nhiên, Bangkok sau cùng đã rút lại kế hoạch này.
Theo Cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, số người bị điều tra với tội danh mạo phạm hoàng gia đã tăng gấp đôi trong vòng 12 năm qua. Chỉ 4% những người bị buộc tội trong năm 2016 được tha bổng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận