Thanh Nhã trên vách núi tuyết cheo leo ở Everest: “Leo núi là để vượt qua giới hạn bản thân” - Ảnh: NVCC
Ngày 20-5, Thanh Nhã thông báo chị đã xuống núi an toàn sau hành trình chinh phục thành công đỉnh Everest cao 8.848,86m và có thời gian nghỉ ngơi tại trạm căn cứ nền Everest (EBC, độ cao 5.364m) trong hai ngày 18 và 19-5 để phục hồi sức khỏe.
Nhã nói trong niềm vui: "Giờ tôi chỉ muốn trở về Việt Nam sớm nhất có thể để ăn những món ngon quê nhà như phở, bún bò, ốc cùng bạn bè".
Thanh Nhã (phải) và người Sherpa leo núi đồng hành tên là Rima
5 năm cho 1 giờ trên đỉnh Everest
Sau khi đi trek từ Lukla đến EBC suốt 8 ngày từ tháng 4-2022, Thanh Nhã bắt đầu dành vài tuần tập leo Everest theo phương pháp xoay vòng lên xuống bắt buộc để cơ thể thích nghi dần với các độ cao. Ngày 11-5, đội mũ bảo hộ có quốc kỳ đỏ sao vàng và tên mình, chị bắt đầu chính thức hành trình chinh phục đỉnh Everest.
Nhã kể: "Mỗi ngày tôi đến được một trại dừng (basecamp) đúng kế hoạch và đến tối 15-5 thì bắt đầu chinh phục Vùng chết (Dead zone - tức từ độ cao 7.950m lên đến đỉnh núi). Nhờ thời tiết thuận lợi, tôi đi khá nhanh để lên tới đỉnh vào lúc 3h30 sáng 16-5. Hiện tôi chờ được xác nhận mình là người đầu tiên lên đỉnh Everest trong ngày 16-5".
Nụ cười lạc quan của cô gái Việt trên hành trình chinh phục Everest -
Hành trình lên đỉnh Everest cao 8.848,86m (số liệu đo mới nhất của thế giới) của Nhã "chỉ gặp vài sự cố nhỏ, song may mắn không gặp chấn thương".
Chị nhớ lại: "Tôi vượt qua được khu vực thác băng Khumbu nguy hiểm nhất. Đến vách đá Hillary ở độ cao 8.790m thì do nhìn thấy nhiều thi thể người leo núi thiệt mạng và đóng băng trong quang cảnh rất đìu hiu, vắng lặng nên tôi có phần bị ảnh hưởng tâm lý".
Bù lại khi lên tới đỉnh Everest, gặp thời tiết "đẹp" (sức gió 5km/h, nhiệt độ -20oC) nên Nhã có cơ hội hiếm có là trụ lại ở đỉnh được khoảng gần 1 giờ đồng hồ để tận hưởng cảm giác chinh phục nóc nhà thế giới - mục tiêu mà cô đã mơ ước suốt 5 năm qua với "kỷ luật sắt" là việc dành thời gian tập luyện thể lực, kỹ thuật leo núi đều đặn ba tiếng đồng hồ mỗi sáng.
Khi được hỏi "Everest trong mắt chị như thế nào?", Nhã nói: "Rất hùng vĩ và tuyệt đẹp như chốn siêu thực. Tôi như lạc vào một thế giới khác".
Nhã phải leo qua nhiều đoạn hiểm trở chông chênh trong hành trình lên đỉnh núi-
Chinh phục Thất Đỉnh
Một chi tiết rất thú vị: ngày Thanh Nhã trở thành phụ nữ Việt đầu tiên lên đỉnh Everest cũng trùng với ngày 16-5-1975, tức 47 năm về trước, bà Junko Tabei (Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Everest.
Junko Tabei cũng chính là người phụ nữ đầu tiên chinh phục 7 ngọn núi cao nhất của 7 lục địa (gọi là Thất Đỉnh). Đây cũng là "giấc mơ cuộc đời" như Nhã nói.
Kể từ khi bén duyên với bộ môn leo núi, Nhã đã lần lượt chinh phục 6 đỉnh: Kilimanjaro (ngọn núi cao nhất châu Phi), Aconcagua (cao nhất Nam Mỹ), Elbrus (cao nhất châu Âu), Kim Tự Tháp Carstensz (cao nhất châu Đại Dương), Vinson Massif (cao nhất Nam Cực) và Everest.
"Tôi hy vọng sẽ leo đỉnh Denali cao nhất Bắc Mỹ (6.190m) vào năm 2023" - Nhã thổ lộ. Nếu làm được điều này, Nhã sẽ trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử chinh phục Thất Đỉnh.
Người phụ nữ thế hệ 8X bày tỏ quan niệm "chinh phục các ngọn núi cao chính là chinh phục bản thân mình". Khi bước lên nóc nhà thế giới nhìn không gian bao la, Nhã thầm biết ơn Everest cũng như những ngọn núi khác đã "cho phép tôi được đặt chân đến và chiêm ngưỡng thế giới tuyệt đẹp này".
Có những chuyến mạo hiểm gặp nhiều trắc trở tưởng chừng không đi nổi hay phải quay lại giữa chừng, song Nhã nói rằng chị "chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc" và thành công. Trong đêm chị lên đỉnh Everest, cha mẹ ở nhà đã thức trắng để nghe thông tin cập nhật hành trình của cô con gái vốn có bề ngoài "liễu yếu đào tơ, tiểu thư đài các"!
Tâm sự với Tuổi Trẻ, Thanh Nhã hy vọng với sự kiện Việt Nam nay đã có phụ nữ đầu tiên chinh phục Everest "sẽ làm cho nhiều người Việt quan tâm hơn đến bộ môn leo núi cũng như dấn thân vào những chuyến phiêu lưu, trải nghiệm thử thách ở những vùng đất xa xôi trên thế giới, mở rộng nhân sinh quan, vượt qua sự sợ hãi lẫn những giới hạn thử thách bản thân".
“Đọc sách có muôn vàn lợi ích” - Thanh Nhã nói - Ảnh: NVCC
"Cần phải xắn tay hành động"
Đó là quan điểm sống của Thanh Nhã - nữ luật sư tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ ngành luật ở Trường ĐH Sorbonne và ĐH Panthenon Assas (Pháp), đồng thời là người sáng lập Công ty luật Celigal (TP.HCM). Nhã cho rằng để thành công, các bạn trẻ "cần phải xắn tay hành động để biến ước mơ thành hiện thực chứ không chỉ... ngồi đó mơ suông".
Nhã cũng là người thừa hưởng niềm đam mê đọc sách từ thuở bé từ người cha và hiện chị sở hữu bộ sưu tập sách quý "có hạng" trong giới sưu tầm sách tại Việt Nam.
"Trong mỗi chuyến phiêu lưu mà nhiều chuyến kéo dài đến cả tháng ở những vùng đất "khỉ không ho cò không gáy", ngoài những lúc băng đèo lội suối, đa số thời gian rảnh rỗi trong ngày còn lại mình dành để đọc sách" - Nhã tiết lộ.
Tận dụng mọi cơ hội học hỏi, phát triển bản thân bằng một con đường đúng đắn với "tiêu chuẩn thành công riêng" chính là niềm hạnh phúc của Nhã. Chị cũng cho rằng nếu chúng ta có tâm thế rộng mở, tự do, chấp nhận trải nghiệm và cả những sai lầm (nếu có) thì sẽ tìm ra nhiều hướng đi dẫn đến thành công và gặt hái ước mơ trong cuộc sống.
Cô gái 8X Việt Nam đứng trước dãy núi Himalaya huyền thoại với khát vọng chinh phục Everest
4 người Việt đã chinh phục Everest
Danh sách chính thức của Bộ Văn hóa - du lịch và hàng không dân dụng Nepal xác nhận có 2 người Việt đăng ký chinh phục Everest ở mùa leo núi năm nay, đó là Phan Thanh Nhiên (nam) và Thanh Nhã (nữ).
Từ xưa đến nay trên toàn thế giới có gần 690 phụ nữ chinh phục được Everest và Nhã là phụ nữ Việt đầu tiên.
Còn Phan Thanh Nhiên sinh năm 1985, là người Việt Nam trẻ tuổi nhất leo lên được đỉnh Everest vào ngày 22-5-2008 và cũng là một trong ba người Việt đầu tiên chinh phục Everest chung đợt đó (cùng Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh).
Năm nay Nhiên trở lại Nepal và tiếp tục thành công trong lần lên đỉnh Everest thứ hai vào sáng sớm 13-5.
Như vậy tính đến nay đã có 4 người Việt Nam chinh phục thành công "nóc nhà thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận