04/08/2024 22:21 GMT+7

Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như… nhắc anh Ba Hạnh, nhớ thời thanh xuân ở Sân khấu 5B

Trong ngày tưởng nhớ một năm nhà viết kịch nổi tiếng Lê Duy Hạnh về miền xa thẳm, các nghệ sĩ Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như… nhắc nhớ lại những ngày đầu của họ ở địa chỉ Sân khấu 5B.

Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như… nhắc anh Ba Hạnh, nhớ thời thanh xuân ở Sân khấu 5B- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hồng Vân bên di ảnh của tác giả Lê Duy Hạnh, người mà chị xem như là thanh xuân tươi đẹp của các nghệ sĩ kịch "thế hệ vàng" - Ảnh: NVCC

Có thể nói, địa chỉ 5B Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) đã trở thành nơi chắp cánh cho hàng loạt nghệ sĩ kịch nói được xem là "thế hệ vàng" sau năm 1975.

Có thể kể ra như Thành Lộc, Minh Trang, Hoa Hạ, Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo, Việt Anh, Kim Xuân, Ái Như, Thành Hội, Hữu Châu, Minh Ngọc…

Thành Lộc: Từ 5B, kỹ năng diễn viên phát triển toàn diện

Nghệ sĩ Thành Lộc tâm sự vào những năm đầu 1980, một loạt các đạo diễn trẻ ra trường mà không có nơi nào nhận.

Lý do là thời đó có nhiều đạo diễn kỳ cựu, giỏi nghề như Thành Trí, Đoàn Bá, Văn Chiêu, Bạch Lan… Và họ đang phát huy rất tốt vai trò của mình.

Trước tình hình đó, Hội Sân khấu TP.HCM mà đứng đầu là Tổng thư ký Lê Duy Hạnh sợ nguồn lực trẻ bị lãng phí nên ông khởi xướng thành lập Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm tại 5B Võ Văn Tần (quận 3) để những đạo diễn trẻ "không có công ăn việc làm" dàn dựng kịch cho vui, có cơ hội làm nghề.

Câu lạc bộ này là cánh cửa mở để người trẻ sáng tạo, thể nghiệm nhiều phong cách kịch khác nhau từ đề tài tới nội dung, câu chuyện…

Dần dần, nơi đây gây ra làn sóng mới với khán giả. Họ kháo nhau: "Ô, ở đây dàn dựng những vở kịch độc đáo lắm mà các đơn vị bên ngoài không có được".

Thế là khán giả kéo đến coi đông nghịt. Đông đến mức mà hội đã tổ chức luôn liên hoan sân khấu nhỏ.

Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như… nhắc anh Ba Hạnh, nhớ thời thanh xuân ở Sân khấu 5B- Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thành Lộc (phải) và Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang nổi tiếng ở Sân khấu kịch 5B - Ảnh tư liệu

"Đây là liên hoan sân khấu thể nghiệm lần thứ 1 và tạo tiếng vang lớn. Đến 2, 3 năm sau tiếp tục tổ chức lần thứ 2 thu hút cả các đơn vị phía Bắc vào tham dự. Mô hình Sân khấu nhỏ 5B lan tỏa khắp toàn quốc" - nghệ sĩ Thành Lộc nhớ lại.

Anh khẳng định sự đột phá và thành công này là công lớn của ông Lê Duy Hạnh. Chính ông là người đã ủng hộ và tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ có đất dụng võ, phát huy khả năng sáng tạo.

Từ đó mới có các đạo diễn Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phú Hải, Minh Hải, Hồng Vân

Với cá nhân mình, anh nói: "Tôi có may mắn là diễn viên tại Sân khấu nhỏ 5B khoảng 10 năm. Nhờ ở đó nên kỹ năng diễn viên của tôi đã được phát triển toàn diện.

Để có được điều đó phải nhờ anh Lê Duy Hạnh. Nhờ có anh lớp trẻ chúng tôi mới có cơ hội phát triển nghề nghiệp, có kinh nghiệm và tỏa sáng trên sân khấu".

Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như… nhắc anh Ba Hạnh, nhớ thời thanh xuân ở Sân khấu 5B- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Minh Hải (trái), từng thể hiện vai Lỗ Đại Hải cùng Thành Lộc (vai Chu Xung) trong vở Lôi vũ nổi tiếng ở Sân khấu 5B ngày ấy, nay gặp nhau trong ngày tưởng nhớ một năm tác giả Lê Duy Hạnh ra đi - Ảnh: THANH HIỆP

Nhắc đến anh Ba Hạnh là nhắc tới ký ức tươi đẹp

Nghệ sĩ Hồng Vân nghẹn ngào bày tỏ: "Nhắc tới anh Hạnh thì mình gần như trở lại thời thanh xuân. Nhắc tới anh, người ta sẽ nghĩ ngay thế hệ "diễn viên vàng" được nuôi dưỡng và bước ra từ Hội Sân khấu TP.HCM.

Tôi sẽ không có được thành công như ngày hôm nay nếu không có những người tận tâm, thương yêu chúng tôi như anh Hạnh, chú Huỳnh Minh Nhị, ba Văn Thành… hỗ trợ. Anh Hạnh là ký ức thật là đẹp, thanh xuân thật là đẹp của lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi ngày ấy".

Nghệ sĩ Ái Như kể về kịch bản mà chị và nghệ sĩ Thành Hội viết khoảng năm 1992. Trước khi lên sàn dựng tại 5B, chị gởi cho ông Hạnh coi.

Ông biểu chị lý giải vì sao nhân vật nam yêu nhân vật nữ bị tật nguyền. Ái Như nghĩ khi yêu nhau không cần phải nói rõ lý do. Còn ông Hạnh lại cho rằng người viết kịch bản phải có sự lý giải để khán giả tin vào những mối quan hệ mình đặt ra.

Sau khi nghiệm ra chị thấy có lý, và câu hỏi năm nào của ông Hạnh luôn là kinh nghiệm trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của chị.

Nghệ sĩ Minh Nhí thì nhớ nỗ lực của ông Hạnh trong việc tổ chức các liên hoan cho sân khấu thành phố.

Trong đó có liên hoan sân khấu hài. Từ đó giúp củng cố các nhóm hài, định hướng cho họ làm hài phải biết cách xây dựng tình huống, có nội dung, tư tưởng, hài phải sạch sẽ, nhân văn…

Với tài năng, sự nhiệt tâm, tấm lòng với nghệ sĩ, nghệ thuật như thế nên hình ảnh ông Hạnh luôn là ký ức tươi đẹp với nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Bông hồng cài áo và cuộc tiếp sức của Kim Cương với Ái NhưBông hồng cài áo và cuộc tiếp sức của Kim Cương với Ái Như

TTO - Bông hồng cài áo - vở kịch nói từng gây tiếng vang của đoàn kịch Kim Cương ngày nào - vừa được tái ngộ khán giả với bản dựng mới trên sân khấu Hoàng Thái Thanh vào tối 3-8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên