Đến dự có rất đông lãnh đạo các cấp và văn nghệ sĩ nhiều thế hệ yêu thương ông Lê Duy Hạnh đến ôn lại những kỷ niệm về ông.
Sự độc đáo trong kịch bản của Lê Duy Hạnh
Buổi tưởng nhớ tác giả Lê Duy Hạnh diễn ra ấm áp và thân tình. Nước mắt đã rơi khi những người yêu quý nhắc về ký ức với "anh Ba", "chú Ba" Lê Duy Hạnh.
NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, bày tỏ ông Hạnh mở ra thể loại sân khấu mà ông Giàu thường nói đùa là: "Anh viết vầy rồi làm sao dựng?". Ông Hạnh đã trả lời rằng: "Tao viết như vậy, còn dựng như thế nào là việc của mày!".
Cái khó đó theo ông Giàu là kịch bản của ông Hạnh mở ra khuynh hướng đa không gian, đa thời gian trong sân khấu.
Theo ông, trong điều kiện sân khấu ở ta còn hạn chế thì những sáng tác của ông Hạnh là một khuynh hướng rất độc đáo.
Ông Hạnh ban đầu viết kịch bản cải lương, nhưng sau đó ông thường viết kịch bản văn học và chỉ định soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương kịch bản của ông, chủ đích của ông là làm mới, hiện đại sân khấu cải lương.
"Dù là kịch bản kịch nói hay cải lương, anh Ba Hạnh đều có sự kế thừa từ sân khấu truyền thống. Kịch bản kịch nói của anh chứa đựng không gian tuồng, cải lương. Kịch bản cải lương lại có không gian mới, hiện đại của kịch nói.
Từ những sáng tác của anh, với những ai muốn nghiên cứu, tìm tòi đều có thể đi sâu để đúc kết ra một khuynh hướng sáng tác để lại tư liệu hữu ích cho các thế hệ sau" - ông Giàu chia sẻ.
Lê Duy Hạnh là một người hạnh phúc
Nhà văn Ngô Thảo là bạn lâu năm của tác giả Lê Duy Hạnh. Ông nhắc về vở Dốc sương mù của ông Lê Duy Hạnh đã gây tiếng vang tới mức người ta phải mở tọa đàm để nói về kịch bản này.
Ông Thảo cho rằng ông Hạnh là người hạnh phúc, dù viết kịch bản là công việc nhọc nhằn nhưng khi ông Hạnh ra đi, kịch bản của ông vẫn sống mãi.
Tác phẩm của tác giả Lê Duy Hạnh không chỉ gói gọn trong phạm vi TP.HCM, mà lan tỏa khắp cả nước.
NSND Hoàng Quỳnh Mai - phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đang gấp rút hoàn thành vở diễn từ kịch bản Mặt trời đêm thế kỷ của tác giả Lê Duy Hạnh - nhấn mạnh cái chị thích ở kịch bản của ông là chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, khiến đạo diễn, diễn viên phải đào sâu khai thác thật kỹ.
NSND Giang Mạnh Hà, phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng hơn 20 năm trong vai trò lãnh đạo từ hội sân khấu trung ương đến TP.HCM, tác giả Lê Duy Hạnh đã để lại nhiều dấu ấn.
"Anh Hạnh đã đóng góp nhiều kịch bản giá trị ở nhiều lĩnh vực hát bội, chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch dân ca bài chòi… Các vở diễn từ kịch bản của anh đã đoạt được nhiều giải thưởng cao ở các kỳ liên hoan toàn quốc.
Anh cùng các cộng sự đã tạo ra mô hình sân khấu 5B với không gian mới mẻ, sáng tạo trong những năm 1980, từ đây xuất hiện hàng loạt nghệ sĩ giỏi, đầy sáng tạo.
Tài năng, tâm huyết của anh với sân khấu xứng đáng được mọi người tri ân, nhớ mãi" - ông Hà nói về đóng góp của ông Lê Duy Hạnh.
Bà Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - bày tỏ lòng kính trọng với ông Lê Duy Hạnh:
"Tư tưởng của một con người khi để lại cho cuộc đời chính là văn hóa sống, là phong cách và với tư tưởng, phong cách của chú Lê Duy Hạnh thì văn hóa sống đó chính là những giá trị chân thật, rất Thiện, rất Mỹ".
Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP.HCM, Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Sân Khấu đã giới thiệu đến bạn đọc xa gần hai tập kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh. Một tập là Tuyển tập kịch bản cải lương, một tập là Miền nhớ - Tuyển tập tác phẩm.
Bà Thanh Thúy cho biết đây là những kịch bản được tuyển chọn từ khoảng 60 kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh.
Bà nhấn mạnh: "Từ hai tập kịch bản này, chúng tôi nghĩ rằng kho tàng của tác giả Lê Duy Hạnh để lại cho chúng ta sẽ được tiếp tục thăng hoa, tiếp nối, tiếp tục sáng tạo để lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị sống mà ông để lại cho đời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận