03/03/2022 15:09 GMT+7

Thanh Hóa: Chấn chỉnh sai sót in sẵn kết quả xét nghiệm, để bệnh phẩm ở khu dễ lây lan

TTXVN
TTXVN

TTO - Ngày 3-3, UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã để xảy ra những sai sót trong việc xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các trạm y tế.

Qua kiểm tra xác minh của UBND thị xã Nghi Sơn, có những thời điểm hàng ngàn công nhân đến trạm y tế để thực hiện test nhanh COVID-19 và tập trung vào khung giờ 8-11h, hoặc 14-16h, trong khi nhân lực trạm y tế mỏng (chỉ có 4-6 người), trong đó có một số cán bộ đau ốm, thai sản, đi học hoặc đang mắc COVID-19.

Ngoài ra, trạm y tế còn phải thực hiện một số nhiệm vụ khác như khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, tiêm chủng mở rộng... nên khối lượng công việc giao quá lớn trong việc phòng, chống dịch. Cơ sở vật chất tại một số trạm y tế chưa đảm bảo dẫn đến quá tải và không thực hiện đúng theo quy định 5K.

Qua xác minh cũng có tình trạng các trạm y tế phát phiếu trả kết quả xét nghiệm cho công nhân, nhưng lại không ghi ngày, tháng test nhanh, hoặc có ghi ngày, tháng nhưng lại để trống thông tin người đi xét nghiệm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các trạm y tế đã in, ký, đóng dấu sẵn để trả kết quả cho công nhân đã được test âm tính một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, sai sót này chưa có động cơ vụ lợi mà chỉ là các sai sót hành chính phát sinh, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trước đó, phóng viên TTXVN đã phản ảnh Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực test nhanh SARS-CoV-2 cho công nhân một số công ty trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, với số lượng bàn test nhiều, phân luồng thuận lợi do công nhân làm việc theo ca. Trung bình mỗi công nhân chỉ mất 15 phút để thực hiện test nhanh.

Tuy nhiên từ ngày 10-2, Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã ra văn bản test nhanh kháng nguyên cho công nhân tại các trạm y tế xã, phường của thị xã. Thực tế này đã nảy sinh rất nhiều bất cập, dễ gây lây chéo cho công nhân do mỗi trạm y tế chỉ có 1-2 bàn test nhanh.

Nguy hiểm hơn, có những mẫu test nhanh dương tính được để vô tư giữa nơi đông người qua lại. Thậm chí, có trạm y tế sau khi sàng lọc phát hiện 35 trường hợp nghi ngờ dương tính (xét nghiệm gộp 5 người/mẫu), nhưng những người này lại được tập trung vào một phòng rộng chưa đến 15m2 của trạm y tế để xét nghiệm lại.

Bên cạnh đó, nhiều trạm y tế phát phiếu trả kết quả xét nghiệm cho công nhân nhưng lại không ghi ngày, tháng test nhanh, hoặc có ghi ngày, tháng nhưng lại để trống thông tin người đi xét nghiệm.

Thực trạng này dễ xảy ra tình trạng công nhân đi test thay cho nhau hoặc tự điền ngày, tháng đã test để đủ thủ tục vào làm việc tại công ty.

Bình Dương: Dịch kéo dài khiến nhiều trạm y tế không còn kinh phí hoạt động

Cũng theo TTXVN, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh kéo dài khiến chi phí của trạm y tế cấp phường có đông dân cư ở Bình Dương đều tăng, nhất là thời điểm các phường bị "đông cứng" trong đợt dịch.

Các khoản tiền chi trả hoạt động tối thiểu vượt quá số kinh phí được cấp. Từ đó các trạm y tế thiếu kinh phí hoạt động và nợ kéo dài tiền điện thoại, điện sinh hoạt trong bối cảnh việc phòng, chống dịch còn diễn biến phức tạp.

Theo ghi nhận, Phòng khám đa khoa khu vực An Phú (TP Thuận An) đến nay vẫn còn nợ hàng chục triệu đồng các khoản tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền thuê bảo vệ và hộ lý, tiền văn phòng phẩm trong những tháng cao điểm từ tháng 9 đến tháng 12-2021.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết TP có 3 trạm y tế và 7 phòng khám đa khoa (đều có trạm y tế trong đó). Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, các trạm y tế được cấp kinh phí hoạt động 55 triệu đồng/năm.

Trên thực tế, các trạm y tế ở các địa bàn dân cư đông phải chi trên 120 triệu đồng/năm nên dẫn đến nợ các nhà cung cấp các dịch vụ nêu trên.

Năm 2021 do tình hình dịch COVID-19, các trạm y tế không có nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh cho người dân nên không có nguồn chi cho các hoạt động như điện, nước, văn phòng phẩm, Internet...

Hiện tại, trong 10 trạm y tế của TP Thuận An chỉ có 3 trạm có thể cân đối và ổn định được chi phí, còn 7 trạm không thể tự cân đối và đang thiếu khoảng 218 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, TP Thuận An tạm ứng từ dự phòng ngân sách cho các trạm y tế để chi trả, đảm bảo hoạt động thường xuyên, đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét bổ sung thêm kinh phí cho các trạm y tế trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

TP Dĩ An có 7 trạm y tế. Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch UBND TP, chia sẻ, hiện tại kinh phí hoạt động các trạm bình thường, các trạm đang cố gắng duy trì.

Tuy nhiên, về lâu dài để đáp ứng yêu cầu vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, các trạm cần quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Các trạm y tế của TP Dĩ An đang được thành phố xác định kế hoạch củng cố kiện toàn lâu dài nâng cao chất lượng hoạt động. Những vấn đề liên quan kinh phí nhân lực sẽ được tổng hợp thêm.

Sở Y tế Bình Dương xác nhận vấn đề này đang xảy ra ở nhiều trạm y tế phường tại TP Thuận An. Kinh phí hoạt động cấp cho trạm y tế trong bối cảnh dịch bệnh không đủ cho các đơn vị trang trải. Ngành y tế đang đề xuất cấp tỉnh giải quyết các vấn đề về tài chính để cho các trạm y tế yên tâm hoạt động hiệu quả hơn.

Tin COVID-19 chiều 2-3: Cả nước ghi nhận trên 110.000 ca mới, Hà Nội lần đầu tiên lên hơn 15.000 ca Tin COVID-19 chiều 2-3: Cả nước ghi nhận trên 110.000 ca mới, Hà Nội lần đầu tiên lên hơn 15.000 ca

TTO - Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 110.301 ca nhiễm mới (tăng 11.537 ca so với ngày trước đó), trong đó Hà Nội 15.114 ca, TP.HCM 2.746 ca. Ngoài ra Nam Định, Bắc Giang và Thái Nguyên đăng ký bổ sung lần lượt 20.866, 12.691 và 7.994 ca.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên