22/07/2018 14:05 GMT+7

Thành công khi chọn học tại Việt Nam

MINH GIẢNG - TƯỜNG HÂN
MINH GIẢNG - TƯỜNG HÂN

TTO - Nhiều người thay vì du học nước ngoài đã chọn học trong nước và thực sự có những kết quả rất tốt cả về học tập và công việc.

Thành công khi chọn học tại Việt Nam - Ảnh 1.

Học sinh Trường quốc tế Bắc Mỹ trao đổi với giáo viên nước ngoài - Ảnh: M.G.

Giữa tháng 6-2018, Lưu Thái Quang Khải và ba sinh viên khác của ĐH RMIT Việt Nam giành giải nhì cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh HSBC/HKU châu Á - Thái Bình Dương. 

Nhóm đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ đến từ các trường ĐH uy tín ở Singapore, Pháp, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong... Điểm đáng chú ý là Khải mới chỉ là sinh viên năm 2 ngành marketing.

Trường quốc tế: giàu, học dở?

Hoàn thành chương trình THPT tại Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt), Lưu Thái Quang Khải đã được nhiều trường ĐH ở nước ngoài và Việt Nam cấp học bổng toàn phần. Khải chọn học ĐH RMIT. 

"Tôi từng có dự định du học nhưng sẽ trở về nước làm việc. Suy đi tính lại, du học sinh sẽ không thể hiểu một phần quan trọng là tình hình kinh tế đất nước như thế nào, môi trường và tư duy, tâm lý khách hàng ra sao. 

Đối với người làm thị trường, am hiểu thị trường là lợi thế cực lớn, nếu du học tôi chỉ hiểu thị trường rất ít. Thực tế nhiều người học nước ngoài về, khởi nghiệp thất bại do không am hiểu thị trường. Nhiều người nghĩ rằng trường quốc tế chỉ dành cho con nhà giàu nhưng học dở, thực tế không phải vậy" - Khải chia sẻ.

Nguyễn Thu Thảo hiện là giám đốc thương hiệu tại Công ty Kimberly-Clark Vietnam. Tốt nghiệp cử nhân thương mại ĐH RMIT Việt Nam năm 2010, Thảo đã có gần 8 năm kinh nghiệm marketing tại các công ty lớn trước khi làm việc tại Kimberly-Clark. 

"Du học mang lại cho các bạn trẻ nhiều lợi ích như môi trường học tập năng động, được khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhiều kỹ năng, ngôn ngữ, bằng cấp quốc tế được công nhận, trau dồi vốn sống... 

Tuy nhiên, Thảo cũng cho rằng chi phí cho việc du học không thực sự rẻ. Ngoài ra việc sống xa gia đình cũng là một áp lực với nhiều bạn trẻ" - Thảo chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều bạn chọn học bậc THPT trong nước và đã tìm học bổng từ các trường ĐH uy tín thế giới. Năm 2017, Lê Nhã Khuyên - cựu học sinh Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA) - được ĐH Standford danh giá cấp học bổng toàn phần 320.000 USD (hơn 7,2 tỉ đồng). 

Ngay từ khi theo học tại SNA, Khuyên đã liên tục giành những giải thưởng trong nước và quốc tế như giải nhất và là thủ khoa học sinh giỏi môn tiếng Anh (năm 2012), huy chương vàng toán, hóa, lý Olympiad ở Singapore (2013, 2014)... 

Những giải thưởng này chính là bước đệm để Khuyên tiếp tục chinh phục những ĐH uy tín khác.

Tương tự, Lê Nguyên Hoàng - cựu học sinh SNA - tốt nghiệp năm 2009 với điểm GPA tuyệt đối 4.0. Thành tích xuất sắc này giúp Hoàng nhận được nhiều học bổng từ các trường ĐH trên thế giới, trong đó ĐH Suffolk cấp học bổng 100% chương trình thạc sĩ (khoảng 60.000 USD/năm) và được nhận làm việc bán thời gian tại trường với mức lương 24.000 USD/năm.

Học phổ thông như du học tại chỗ

Ông David Burpee - hiệu trưởng SNA - cho biết từ năm học 2018-2019, SNA được Tổ chức IB công nhận là ứng viên giảng dạy chương trình tú tài quốc tế IB, bắt đầu từ tiểu học - PYP. Chương trình PYP đang được giảng dạy ở 109 quốc gia. Tại Việt Nam hiện chỉ có 6 trường áp dụng PYP. Học với chương trình tú tài quốc tế được xem như một kiểu trải nghiệm du học tại chỗ, tạo nên một nền tảng vững chắc cho bậc ĐH và cũng chính là một cơ hội tuyệt vời để săn các học bổng ở các ĐH danh giá trên toàn thế giới.

Thành công bắt đầu từ sự phù hợp

Theo các chuyên gia, du học hay học trong nước đều cần có sự phù hợp từ xác định được định hướng nghề nghiệp, chọn môi trường học thích hợp, học tốt trong chương trình và biết mình học để làm gì, xây dựng một thái độ nhân văn và có trách nhiệm ngay trong quá trình học.

Từ kinh nghiệm bản thân, Thảo cho rằng lựa chọn một trường ĐH quốc tế trong nước giúp các bạn sinh viên có được những lợi ích của việc du học mà vẫn giảm bớt được áp lực tài chính cho cá nhân cũng như gia đình. 

Các bằng cấp cũng như chương trình học của trường ĐH quốc tế tại Việt Nam không khác biệt gì so với bằng cấp và chương trình học khi bạn đi du học. Bên cạnh lợi thế học vấn, không thể phủ nhận những nỗ lực cá nhân trong suốt quá trình học tập. 

Tuy nhiên do vẫn ở Việt Nam nên các bạn sẽ thiếu đi một phần trải nghiệm ngôn ngữ. Việc này sẽ cần các bạn chủ động trau dồi ngoại ngữ và sử dụng thường xuyên trong quá trình học tập.

Cùng quan điểm này, TS Hoàng Đức Bình - đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam - cho rằng không phải ai học từ nước ngoài về hoặc học rồi ở lại nước ngoài đều thành công trong nghề nghiệp của mình. 

Thành công trong học tập và sự nghiệp cần thiết phải xuất phát từ sự phù hợp. Từ thực tế cho thấy nhiều người rất thành công và điều quan trọng là họ đã có sự lựa chọn trong học tập và sự nỗ lực không ngừng của cá nhân.

TS Phạm Thị Ly cho rằng không có một công thức chung đúng cho mọi trường hợp, kiểu như học ở nước ngoài sẽ giỏi hơn ở trong nước. Nhưng có những nhận định có lẽ đúng trong nhiều trường hợp, chẳng hạn học ở nước ngoài thì học sinh tự tin hơn, có tư duy độc lập. 

Kỹ năng mềm được chú trọng, và chương trình học dựa trên các hoạt động giúp học sinh phát triển những kỹ năng sống cốt lõi, chứ không dựa trên mục tiêu học để thi.

Du học, không nên gượng ép Du học, không nên gượng ép

TTO - Du học hay học các chương trình quốc tế trong nước đều cần có sự phù hợp với mục đích, điều kiện của mỗi gia đình, không nên theo phong trào, gượng ép.

MINH GIẢNG - TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên