20/07/2018 10:47 GMT+7

Du học, không nên gượng ép

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Du học hay học các chương trình quốc tế trong nước đều cần có sự phù hợp với mục đích, điều kiện của mỗi gia đình, không nên theo phong trào, gượng ép.

Du học, không nên gượng ép - Ảnh 1.

Các khách mời cùng trao đổi tại buổi tọa đàm tổ chức sáng 19-7-2018 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Đây là những chia sẻ của các đại biểu tham gia tọa đàm "Du học tại chỗ, tại sao không?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19-7, với sự đồng hành của Trường ĐH quốc tế RMIT Việt Nam và Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA).

Nhiều trở ngại

Ông Phạm Quang Hưng, cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, cho biết thế giới cũng đi du học rất nhiều chứ không chỉ Việt Nam. Thống kê cho thấy thế giới có 4,6 triệu người đang đi du học. 50% sinh viên (SV) ở châu Á đi học các nước, châu Âu 23%, 10% châu Phi, còn lại là những khu vực khác. Không phải mỗi chúng ta du học.

Trong khi số lượng du học sinh Việt Nam lên đến hàng chục ngàn mỗi năm, việc thu hút học sinh du học tại chỗ lại gặp không ít trở ngại. 

TS Hoàng Đức Bình - đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch tại Việt Nam - chia sẻ: Việt Nam có rất nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế nhưng một số chương trình tuyển sinh với chất lượng rất thấp, chỉ đưa ra cho xã hội "mác" quốc tế. Bên cạnh đó, học phí các chương trình liên kết quốc tế tuy thấp hơn du học nhưng vẫn còn cao so với đại bộ phận người dân.

Cùng quan điểm, ông Đàm Quang Minh - chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân - cho rằng nhiều gia đình Việt Nam sẵn sàng đầu tư rất lớn cho con học hành, thậm chí... bán nhà cho con du học. 

Hi sinh lớn nên kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, thực tế có những chương trình liên kết kém chất lượng vào Việt Nam, mục đích chủ yếu là bán bằng, gây mất niềm tin tuy gần đây chất lượng đã được cải thiện.

Ở khía cạnh người học, Lưu Thái Quang Khải - SV năm 2 ĐH RMIT Việt Nam - chia sẻ: Nhiều người chọn du học bởi ở nước ngoài sau 4 năm đã có bằng kép hoặc thạc sĩ, trong khi học ở Việt Nam, kể cả RMIT mới là bằng cử nhân.

Bên cạnh đó, các ĐH tại Việt Nam chưa tư vấn cho phụ huynh trường ĐH theo mô hình nào để chọn mô hình phù hợp. Thêm nữa, ở Việt Nam phải chọn chuyên ngành trước khi học, dẫn đến ra trường phải làm trái chuyên ngành, chán nản trong quá trình học. Ở Mỹ, vào học một thời gian SV sẽ chọn ngành phù hợp nhất với mình.

Ông Đàm Quang Minh cũng cho rằng các trường tại Việt Nam cần đa dạng chương trình đào tạo hơn, hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành kinh tế, CNTT... Có những ngành ở Việt Nam không có nên phụ huynh phải cho con du học.

Tăng giá trị cho người học từ trong nước

Theo ông Phạm Quang Hưng, chất lượng giáo dục ĐH khó sánh với các trường ĐH ở các nước vốn có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên ở Việt Nam, một số trường như RMIT, Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật... có chất lượng tương đương các nước phát triển.

Các chương trình liên kết đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao đã nâng dần chất lượng. Việt Nam hiện đã thu hút 20.000 SV nước ngoài đến học, phần lớn trong số này là SV từ các nước châu Á, gần 1.000 người từ các nước phát triển.

Hiện tại, RMIT Việt Nam có 6.000 SV đang theo học. Trước đây SV quốc tế chỉ chiếm khoảng 2% tổng số SV, tỉ lệ này hiện nay là gần 10%.

GS Gael McDonald - hiệu trưởng Trường ĐH RMIT Việt Nam - cho rằng học phí giữa RMIT Việt Nam và RMIT Melbourne có sự khác biệt. Mức học phí tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 học phí SV phải trả khi du học tại RMIT Melbourne.

Cũng theo GS Gael McDonald, quy mô lớp học Việt Nam nhỏ hơn nên SV sẽ được quan tâm nhiều hơn. Số lượng câu lạc bộ SV rất nhiều và đa dạng, giúp SV có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong trường. SV có cơ hội giao lưu tương tác với nhau nhiều hơn do không có nhiều SV bán thời gian như ở Melbourne.

Nhìn nhận ở mặt tích cực, ông Đàm Quang Minh cho rằng thời gian gần đây, các chương trình liên kết quốc tế đã được quản lý chặt chẽ hơn, chất lượng được cải thiện, có những chương trình uy tín. Du học, du học tại chỗ tăng trong những năm gần đây. Có nhiều loại hình, chương trình nên phụ huynh và học sinh có lựa chọn đa dạng hơn rất nhiều.

Ông David Burpee - hiệu trưởng SNA - cho rằng học sinh học trong môi trường học quốc tế, sau đó bước vào một trường ĐH sẽ có lợi thế lớn hơn cho việc học tập, sức khỏe và sự thích ứng của học sinh. Được giáo dục và học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến mang lại cho từng cá nhân lợi thế to lớn trong sự hiểu biết và làm việc với những người từ khắp các nơi trên thế giới.

Cân nhắc sự phù hợp

Rất nhiều ý kiến đều phân tích mặt được và chưa được của du học và học trong nước.

Ông Đàm Quang Minh cho rằng có không ít du học sinh Việt Nam phải quay về do chưa có sự chuẩn bị tốt. SV Việt Nam chuẩn bị đi du học còn kém: nền tảng tâm lý và văn hóa còn yếu. Du học hay không du học bản chất là trải nghiệm nhắm đến giá trị cho người học.

Trong khi đó, ông Hưng cũng nhấn mạnh: "Du học hay học trong nước đều có cái được, cái hạn chế, không cái nào hoàn hảo cả. Du học là trải nghiệm, vấn đề là chúng ta phải xem xét điều đó có phù hợp với con và điều kiện của mình hay không trước khi quyết định cho con du học hay học trong nước".

Trong khi đó, chị Phạm Thị Ái Vân - phụ huynh - cho biết có một người con đang du học và một người đang học tại SNA. 

"Con muốn du học mà mình ép học trong nước thì con học không tốt và ngược lại. Nếu ở Việt Nam có trường uy tín, chất lượng để theo học vẫn tốt hơn bởi con được ở gần gia đình, tình cảm hơn. Không có cái hộp nào chung cho tất cả mọi người, mỗi gia đình có hoàn cảnh và lựa chọn khác nhau, quan trọng là xem con và điều kiện của mình phù hợp thế nào" - chị nói thêm.

Tuy nhiên, TS Hồ Nhựt Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng nếu muốn phụ huynh chọn du học tại chỗ cho con, ít nhất họ phải biết chất lượng, đáp ứng nhu cầu gì? Nhiều trường chỉ cần giáo viên giảng bằng tiếng Anh nhưng bê nguyên cách giảng dạy của Việt Nam.

4 tỉ đôla Mỹ cho du học? Không có gì phải lo!

Tôi nhìn câu chuyện mỗi năm người Việt Nam chi ra 4 tỉ đôla Mỹ cho con em đi du học dưới góc độ tài chính thì thấy không có gì đáng lo cả, vì du học như việc nhập khẩu dịch vụ.

Ở góc nhìn này, chúng ta chi bao nhiêu để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, ôtô siêu sang...? Tôi nghĩ nó lớn hơn chuyện nhập khẩu dịch vụ giáo dục rất nhiều và cũng đáng lo hơn rất nhiều. Số tiền này mỗi năm cho con đi du học để thu nhận được kiến thức, sự trải nghiệm và mong có một tương lai tốt khi vào đời là việc không có gì phải lo.

Song, "du học tại chỗ" là một cách chia sẻ miếng bánh lớn của thị trường này. Muốn thế, điều tiên quyết là phải nâng chất lượng giáo dục ĐH, phải kiểm soát được chất lượng các trường ĐH quốc tế, ĐH liên kết.

Tôi có một đề xuất là nên thành lập Hiệp hội các trường ĐH có yếu tố quốc tế tại Việt Nam nhằm tạo nên một sự gắn kết tốt hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn nhằm thấy được những ngành nghề đào tạo còn thiếu. Chúng ta đừng ngại là các trường cạnh tranh nhau thì không thể ngồi được với nhau, bởi mỗi trường đều có một phân khúc thị trường cho riêng mình.

TS TRẦN VINH DỰ (chuyên gia tư vấn tài chính)

Mất niềm tin?

Trong thế giới hiện đại, việc dịch chuyển giáo dục là bình thường. Phụ huynh mong con được đào tạo theo quan điểm giáo dục quốc tế, tiếng Anh phát triển, trang bị đầy đủ khả năng sinh sống và làm việc trong thời kỳ toàn cầu là việc tốt.

"Phụ huynh chi 4 tỉ đôla Mỹ cho du học ĐH là bình thường. Chúng ta chưa có thống kê chi tiết học sinh đi du học bậc nào, tuy nhiên nếu 50% trong số này đi du học bậc phổ thông mới là vấn đề lớn. Đây là chỉ dấu cho việc mất niềm tin vào giáo dục trong nước" - ông Thảo nói thêm.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Hưng cho biết khảo sát qua làm công tác tuyển sinh nước ngoài, có nhiều lý do phụ huynh cho con em du học: để tiếp cận, nâng cao hiểu biết nhằm có cơ hội việc làm tốt hơn chiếm phần lớn. Cũng có một bộ phận phụ huynh không tin tưởng giáo dục trong nước, nhưng chỉ là bộ phận rất nhỏ.

Ông Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường quốc tế Việt - Úc

ba le thi anh thu

"Một trong những trở ngại lớn của việc thu hút người học tại Việt Nam là việc không ít phụ huynh chưa hiểu toàn diện về du học. Với họ, con cái đi du học là niềm tự hào dù chưa hiểu rõ con họ muốn gì, mục đích là gì.

Du học hay học trong nước đều đòi hỏi sự phù hợp, có như vậy SV mới phát triển toàn diện được" - Bà Lê Thị Anh Thư (trưởng phòng tuyển sinh ĐH RMIT Việt Nam)

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên