16/02/2022 10:32 GMT+7

Thanh âm của Tết: Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân...

HUY GIA PHƯƠNG
HUY GIA PHƯƠNG

TTO - Đó là tiếng chập cheng nhịp nhàng, tiếng "cắc tùng, cắc tùng" rất điệu nghệ được phát ra từ đầu hẻm. Âm thanh càng lúc càng dồn dập, càng "máu lửa". Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân đang tiến vào bái bàn thờ Tổ nào đó...

Thanh âm của Tết: Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân... - Ảnh 1.

Đám trẻ xóm gõ trống múa lân

Mọi thứ bắt đầu trở lại bình thường sau Tết Nguyên đán. Một cái Tết "có vẻ" khá hơn năm trước do dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, một số dịch vụ phục vụ Tết vẫn chưa hoạt động trở lại vì nhiều lý do.

Đa phần mọi người vẫn chọn cách ăn Tết an toàn và tại chỗ, không đi du lịch, hạn chế gặp gỡ trực tiếp mà thay vào đó, gia đình tôi quyết định chúc Tết người thân bằng cách online.

Đây là năm thứ hai gia đình nhỏ của tôi thật sự "ăn Tết". Việc trang hoàng nhà cửa, mua hoa chậu trưng bày đều lược giản.

Thay vào đó, bàn thờ tổ tiên vẫn giữ nguyên mâm ngũ quả, hoa vạn thọ theo cách mà từ xưa ông bà tôi vẫn bày biện vào trưa 30 tháng chạp. Ngoài ra, thịt kho trứng và canh khổ qua là hai món không thể thiếu trên mâm cơm cúng rước ông bà.

Rất lâu rồi tôi mới thức đón giao thừa cùng bọn trẻ. Lúc này, hầu như nhà nào cũng bật chương trình Táo quân. Sau đó là tiếng đếm ngược thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.

Tiếng pháo hoa tự phát đâu đó quanh xóm, tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại… Trong vô vàn âm sắc mùa xuân ấy, tôi vẫn nghe thiêu thiếu một chút gì đó mà chưa nhớ nổi.

Bất chợt tôi nhớ Tết xưa. Những năm Sài Gòn chưa có lệnh cấm đốt pháo. Sáng mồng một, mở cửa bước ra đường, giẫm vào mớ xác pháo đỏ hồng còn ám mùi thuốc. Người ta đốt rất nhiều pháo, đốt lai rai từ trước giao thừa.

Thanh âm của Tết: Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân... - Ảnh 2.

Đám trẻ xóm gõ trống múa lân

Có nhà đốt pháo trung, loại viên nhỏ vừa bằng ngón tay người lớn. Có nhà đốt pháo chuột, phong pháo nhỏ bằng đầu cọng đũa, dài khoảng bàn tay, tiếng nổ giòn nhưng nhỏ.

Dù là loại pháo nào thì cũng có xen một hai viên pháo đại, loại viên to, nổ lớn. Muốn phong pháo ngắn hay dài đều có thể nối nhiều phong lại với nhau, để tiếng pháo khai xuân được giòn giã, với mong muốn được một năm mới an khang thịnh vượng.

Lẫn trong tiếng pháo là dồn dập tiếng trống lân. Âm thanh đặc biệt chỉ được nghe vào những ngày mừng năm mới sau khi phong tục đốt pháo được bỏ vì nhiều tai nạn xảy ra.

Năm nào cũng vậy, sau khi sửa soạn quần áo mới, ba mẹ dắt năm chị em chúng tôi đến nhà nội mừng tuổi và chúc Tết. Ở đó, các cô chú và anh chị em họ luôn tề tựu đủ đầy.

Bữa cơm đầu năm mới luôn được ăn ở nhà nội. Sau màn xếp hàng mừng tuổi và nhận lì xì, bọn con nít chúng tôi bắt đầu khấp khởi khui bao lì xì ra đếm.

Thèo lèo, cứt chuột (kẹo đậu phộng và kẹo mè đen) luôn độn đầy trong túi áo bọn tôi. Đó chính là hai món kẹo "thần thánh" luôn có mặt trong khay mứt Tết lúc bấy giờ.

Kể cả dưa hấu cũng phải đến mùa Tết mới được ăn. Không như bây giờ, cây trái có đủ quanh năm. Có lẽ vì thiếu thốn nhiều thứ mà Tết xưa, món nào cũng ngon, món nào cũng được chúng tôi nhin nhín chia nhau thưởng thức.

Tiếng trống lân luôn trong ký ức của tôi về Tết

Đầu hẻm nhà nội tôi năm nào cũng có đám múa lân thật lớn. Cứ nghe từ xa có tiếng trống là chị em tôi bỏ dở cả tô cơm, rủ nhau chạy ra xí chỗ trước. Có đội lân sáu ông, có đội tám ông lân, sư đủ sắc diện được ông Địa dẫn đường vô cùng uy nghiêm.

Màn trình diễn kéo dài với bao nhiêu là tiết mục. Ngoài ông Lân, ông Địa còn có cả trình diễn võ thuật đặc sắc… Tất thảy đều nhịp nhàng, tinh tế theo âm thanh được phát ra từ đôi tay điêu luyện của người đánh trống.

Chúng tôi đã được cộng thêm bao nhiêu là tuổi qua biết bao mùa nghe tiếng trống, tiếng chập cheng báo hiệu khắp các đường phố Sài Gòn, vào những ngày bắt đầu năm mới.

Những bữa cơm bỏ dở, những ván bầu cua cá cọp vương vãi vỏ bao lì xì vì bọn con nít vừa co chân bỏ chạy. Những lời hăm dọa quánh đòn của người lớn luôn rơi lại sau lưng chúng tôi - cái bọn hễ nghe có múa lân đã mặc kệ mọi thứ.

Sau nhiều năm, tiếng trống lân vẫn dồn dập theo từng bước chân của ông Lân uy dũng, tiếng trống lân vẫn thúc giục bọn ham ăn ham chơi chúng tôi bỏ bữa, bỏ ván cờ mà chạy.

Nhưng có vài thứ khác hơn, chúng tôi không những chạy theo tiếng trống lân, mà còn chạy theo con cái của mình để xí được một chỗ ngon lành, để đùng đình bọn trẻ lên vai và mê mẩn xem người ta… đánh trống.

Rất nhiều năm tôi làm việc xuyên Tết. Dọc đường mưu sinh, một đám múa lân dù lớn hay nhỏ cũng có thể níu chân tôi một lúc.

Dừng lại, không chen chân giành chỗ nữa, không chú tâm nhìn đôi tay điêu luyện của người đánh trống, không hồi hộp theo dõi ông Lân leo lên cột cao ơi là cao để "ăn" bó cải có thắt bao lì xì… Tôi dừng lại đó chỉ để nghe được âm thanh của Tết.

Dịch bệnh đã khiến mọi thứ thay đổi toàn diện. Những mất mát đau thương chưa kịp nguôi ngoai, những cuộc đoàn viên đã thiếu nhiều hơn đủ.

Người xa quê vì nhiều lý do đã lũ lượt về nhà trước mùa sum vầy của Tết. Có lẽ với họ, Tết chính là giây phút được đặt chân lên thềm nhà sau chặng đường "sinh tử" trở về. Đó là nhà, là cha mẹ, vợ chồng, con cái đoàn viên, thiếu hay đủ, đói hay no, còn được có nhau đủ đầy, chính là đã Tết.

Ngoài kia, thi thoảng tiếng pháo hoa vẫn tí tách phun vệt sáng vào màn đêm. Năm mới đã khởi đầu. Đâu đó tít xa, tiếng trống lân được phát ra từ tivi nhà nào đó. Ôi, bao lâu rồi tôi chưa được nghe âm thanh thật sự của Tết?

Không phải lời bài hát: "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…" được phát từ tivi. Không phải tiếng pháo được ghi âm nổ giòn sau đêm giao thừa. 

Đó là tiếng chập cheng nhịp nhàng, tiếng "cắc tùng, cắc tùng" rất điệu nghệ được phát ra từ đầu hẻm. Âm thanh càng lúc càng dồn dập, càng "máu lửa".

Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân đang tiến vào bái bàn thờ Tổ nào đó được bày giữa đường phố Sài Gòn, tôi nghe tiếng ông Địa giũ quạt phành phạch, tiếng giáo, tiếng gươm đạo cụ đang trình diễn các tiết mục võ thuật đẹp mắt. Tiếng "cắc tùng cheng" đều đặn theo nhịp lân cúi chào khán giả, tiếng reo hò bất chợt tung tóe cả tuổi thơ.

Có những điều nhỏ nhặt, rất đơn giản và vô cùng bình thường với người này, nhưng lại mang đến điều gì đó thật ấm áp cho người khác. Là khi họ được trở về ngày cũ một cách vẹn nguyên. Như âm thanh của Tết sau hai năm tôi mới vừa nhận được.

Con nít xóm tôi, thành viên của đội lân hai năm rồi chưa được đi trình diễn. Bọn chúng nhớ nghề, nhớ Tết. Thế là rủ nhau kéo "đồ nghề" ra đường và say sưa gõ. 

Đứa đánh trống, đứa nhịp chập cheng, vài đứa đứng nhìn (kể cả tôi - có lẽ là đứa "già đầu" nhất xóm), dù không được ba mẹ chúng cho phép mang đầu lân ra múa, không có cả ông Địa bụng phệ, chỉ bấy nhiêu thôi cũng ra một buổi trình diễn đáng yêu và vô cùng hoành tráng.

Đã hết mùng lẻ tháng giêng, giữa xóm nhỏ ngoại thành, tôi vẫn nghe rất rõ âm thanh của Tết.

Thanh âm của Tết: Tôi nghe rõ tiếng bước chân uy vũ của ông Lân... - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hoa thược dược tím cùng violet - Màu hoa ký ức của tôi Hoa thược dược tím cùng violet - Màu hoa ký ức của tôi

TTO - Có lẽ trong mắt các con, cháu, tôi là người “đã già” mặc dù tuổi chưa cao bởi tôi thấy mình là người hay hoài niệm chuyện xưa cũ. Những kỷ niệm đọng mãi trong ký ức tôi thường là nếp xưa đẹp đẽ, là những gì truyền thống.

HUY GIA PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên