14/02/2022 20:49 GMT+7

Cải lương và Tết nhứt

NGUYỄN ĐINH VĂN HIẾU
NGUYỄN ĐINH VĂN HIẾU

TTO - Đã có những năm tháng rực rỡ của cải lương trong ký ức của tôi - những năm cuối thập niên tám mươi, đầu thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi. Quê tôi ở vùng quê xa heo hút, ghiền cải lương chỉ chờ mỗi bận Tết nhứt.

Cải lương và Tết nhứt - Ảnh 1.

Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ lừng lẫy một thời, khiến bao khán giả say mê nay được con trai ông gầy dựng lại cách đây khoảng một năm - Ảnh: LINH ĐOAN

Ở tuổi mười hai, mười ba, Tết nhứt không phải không có các thứ vui chơi khác. Nắm tay người lớn chen vào các chợ hoa, đi lăn dưa (trộm theo kiểu con nít, lợi dụng lúc người bán lơ đễnh, rình một góc lăn ra ngoài một, hai trái có đồng bọn chờ sẵn).

Hay đổ từ hai mươi ba tháng chạp đưa ông Táo trở đi, nhà nào cũng đì đoàng tiếng pháo. Trận tranh pháo cùng chúng bạn kéo dài từ mười hai giờ khuya giao thừa đến một, hai giờ sáng mùng một mới mò về tới nhà chui vào mùng đánh giấc.

Thể nào đi vài nhà, đứa nào đứa nấy cũng được một bọc đầy pháo, tất cả để chờ "trận chiến" sáng bảnh mùng một đốt thi vui tai.

Chương trình truyền hình ngày Tết cũng là một thú giải trí hấp dẫn không kém. Tầm hai lăm, hai sáu tháng chạp, các đài truyền hình đua nhau giới thiệu chương trình phát Tết. Ban ngày là những bông hoa nhỏ, phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi, ca nhạc xuân, chiếu phim, chúc Tết, phóng sự…

Tối từ đêm giao thừa đến đêm mùng năm Tết, cải lương chiếm lớn thời lượng phát sóng. Ngóng cải lương trên tivi thiệt giống như ngóng người yêu khi biết yêu.

Hổng phải gì, cái cảm giác xem giới thiệu từng tuồng cải lương sẽ phát sóng Tết, nhất là có nghệ sĩ thần tượng tham gia vở diễn, khoái cảm nghệ thuật cũng dâng tràn lạ.

Cải lương và Tết nhứt - Ảnh 2.

Khói lửa biên thùy, một vở cải lương được khán giả yêu thích vừa được các nghệ sĩ trẻ diễn lại một trích đoạn trên sân khấu Sen Việt tối 13-2 - Ảnh: LINH ĐOAN

Ấn tượng hơn hết thảy chính là đợi đến Tết đi coi cải lương rạp hát

Ngày đó, đã thành lệ, chừng mười lăm, hai mươi tháng chạp trở đi là các đoàn cải lương lên lịch kéo đi lưu diễn. Và huyện tôi ở - huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh - là điểm dừng chân khá nhiều cho các đoàn cải lương diễn Tết.

Từ những đoàn cải lương danh tiếng như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Sài Gòn 1, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang cho đến đoàn cải lương địa phương như Đoàn cải lương Cầu Ngang.

Khỏi phải nói mọi người đón nhận cải lương với tâm trạng náo nức như thế nào! Mấy ngày trước khi đoàn cải lương đến hát, bà con đã tranh thủ giải quyết xong xuôi mùa vụ. Còn không cũng xuất vườn, xuất ao mớ cá, mớ rau củ, con gà, con vịt…. để kiếm tiền đi coi hát cải lương.

Ngày đó có đèn điện gì cho cam!

Đèn dầu, đèn cóc, sang hơn thì đèn măng xông, thậm chí hoành tráng sáng đường đồng, đường đê bằng mấy bó đuốc lá dừa, đuốc rơm con cúi. Ùn ùn kéo đi rợp cả đường đê, đông kịt con đường đất làng, cả con đường đá sỏi quốc lộ 60.

Từ hơn 6 giờ chiều, bà con đã tập trung về bãi diễn mua vé, chọn chỗ ưng ý nhất, dù đến tận bảy, tám giờ mới hát.

Nói bãi diễn vì thời đó, đoàn cải lương thường chọn sân vận động, sân trường học làm nơi dựng rạp che vòng bao bằng tôn để diễn. Vẫn có rạp hát đấy, nhưng sức chứa của 500 - 700 ghế không đáp ứng đủ nhu cầu của một, hai ngàn người xem!

Cái thú nhất đối với bọn choai choai là làm sao "lẻn" vào chỗ trang điểm của kép hát, đào hát. Nên trời chạng vạng là bọn tui đã kiếm cớ, kiếm cách lẻn vào sân diễn cho kì được.

Khi thì coi nghệ sĩ đá banh, đánh banh buổi chiều rồi tìm chỗ trốn chờ đến giờ bán vé, mấy khán giả đầu tiên vô coi, mình nghiễm nhiên trở thành khán giả "chui". Khi bị phát hiện đuổi ra hết để đoàn chuẩn bị bán vé thì lại phải tìm cách khác đột nhập.

Dưới con mắt bọn tui, kép hát đào hát là những người thiệt đẹp, coi tận mặt họ trang điểm còn thú vị gì bằng. Cho nên, lọt thỏm được vào sân diễn, thế nào cũng phải tìm cho kì được chỗ mấy nghệ sĩ trang điểm.

Thế là khuôn mặt nghệ sĩ từ mặt mộc đến trang điểm thành ông hoàng bà chúa, hay có nghệ sĩ bị cảm cạo gió giác đầy lưng… đều bị mấy cặp mắt tò mò chăm chú dõi theo.

Cải lương và Tết nhứt - Ảnh 3.

NSND Lệ Thủy là giọng ca chúng tôi mê mệt thời ấy

Nào là nghệ sĩ tài danh Minh Phụng, nữ nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy, nữ nghệ sĩ xinh đẹp Bích Hạnh, nam danh ca Thanh Tuấn, Trọng Hữu, nữ nghệ sĩ trẻ đẹp Phượng Hằng, danh hài Thanh Nam, nữ nghệ sĩ Lệ Trinh (em Lệ Thủy)…

Lời ca, lời thoại của mấy vở cải lương thì khỏi phải nói, bà con ai nấy thuộc rành rẽ, hát nhép theo vanh vách: Nửa đêm trăn trở, Rạng ngọc Côn Sơn, Tiếng hò sông Hậu, Sự tích cây Uyên ương…

Các đoàn cải lương thường ghé diễn chỉ chừng ba đến năm đêm là cùng. Trụ lại lâu nhất, ăn Tết tại chỗ diễn phải kể đến đoàn cải lương địa phương. Đến mấy năm liền, Đoàn cải lương Cầu Ngang đã trở thành tên quen.

Cứ sáng trưa chiều trước đêm diễn, xe honda 67 chở người phát loa quảng cáo nghe cũng sướng tai, nhất là mấy câu quảng cáo tâng bốc nghệ sĩ đến tận mây (dù chỉ là đoàn cải lương huyện): Đêm nay Đoàn cải lương Cầu Ngang hân hạnh phục vụ quý bà con cô bác vở cải lương hương xa kiếm hiệp Máu nhuộm sân chùa với sự góp mặt của nam nữ diễn viên tài danh. Nữ nghệ sĩ gương mặt khả ái và làn hơi dài Thanh Kim Mỹ, bà con cô bác sẽ cười nghiêng ngả với danh hài Sĩ Liêm…

Đoàn diễn có khi đến hai tuần, cạn cả các vở tuồng đoàn có: Tình ca biên giới, Bạch Viên Tôn Các, Mái tóc người vợ trẻ, Tô Ánh Nguyệt… Đặc biệt vào các ngày mùng một, mùng hai, mùng ba Tết, suất diễn tăng lên đến hai, ba suất.

Mà sao ngày ấy cải lương có sức cuốn hút kỳ lạ!

Nhiều lúc, đã coi suất diễn sáng hoặc suất diễn chiều, tối lại tiếp tục theo đám bạn chui lỗ vào xem tiếp. Tụi bạn đứa nào cũng xuất thân gia cảnh nghèo làm gì xin được tiền để đi coi.

Yêu thích và ghiền coi quá nên nghĩ ra đủ kiểu "coi cọp": đi theo sau lưng người lớn, lợi dụng lúc người soát vé lơ đễnh, chạy một mạch vào đám đông đằng trước, lẫn vào đấy coi như an toàn; gặp lúc đoàn cải lương diễn trong rạp hát, đi tìm cánh cửa hông nào he hé hở, hai đứa đẩy cánh cửa ngược nhau để chỗ hé mở to ra cho thằng thứ ba lách vào, nếu an toàn trót lọt thì đến đứa kế tiếp, còn nếu bị phát hiện thì coi như toi.

Bữa đó, thế nào cũng tiu nghỉu bỏ về nhà hoặc ở đâu đó chờ đến lúc đoàn cải lương thả giàn cho vào coi.

Kể cũng đã gần ba mươi năm trôi qua, mỗi mùa Tết về, tôi lại nhớ da diết cải lương. Nhớ nao nức cái không khí í ới rủ nhau đi coi cải lương, vô tư, đam mê, ghiền hết sức nói.

Mà đâu phải lần nào xin ba má cũng được cho đi coi liền đâu, phải năn nỉ ỉ ôi "Má ơi, lâu lâu người ta về hát có một lần, má cho con đi nhe má! Con đi tối nay nữa hà, mai con ở nhà hổng đi… Thằng Tèo, thằng Tùng em chờ con ở ngoài kìa…".

Hứa với má vậy thôi, tối hôm sau lại tiếp tục kiếm cớ khác, lại điệp khúc năn nỉ ỉ ôi cốt để đi xem cải lương cho bằng được.

Giờ cải lương cũng theo biến chuyển thời cuộc mà vắng dần ngay cả trên sân khấu lớn, các rạp hát trung tâm, huống chi là ở miệt đồng bưng sóng nước hiu hắt quê tôi.

Giờ cũng nhiều lắm những phương tiện giải trí khác, thành ra ghiền cải lương chỉ là những hồi tưởng bằng câu chữ đặng nhắc nhớ lòng mình mà thôi!

Cải lương và Tết nhứt - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nem chua xứ Quảng ngày Tết Nem chua xứ Quảng ngày Tết

TTO - Nhắc tới hương vị trong những ngày Tết của người dân xứ Quảng thì nem chua là món đặc biệt không thể thiếu trên các mâm cỗ dịp Tết, và cũng là mồi bén với cánh mày râu.

NGUYỄN ĐINH VĂN HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên