30/01/2019 15:18 GMT+7

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 6: Gian nan nghề hoa

THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG
THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG

TTO - Nghề trồng hoa tết luôn bị ảnh hưởng bởi thăng trầm của thời cuộc. Cái nghề "đem hoa làm đẹp cho đời" tưởng đâu tươi đẹp nhưng hóa ra lại có không ít cay đắng, tủi hờn.

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 6: Gian nan nghề hoa - Ảnh 1.

Ông Đinh Thanh Hồng chuẩn bị mang hoa tết ra chợ - Ảnh: T.N.

Hoa đỏng đảnh và khó tính lắm, mình phải biết ý của hoa mà điều chỉnh.

Anh HỒ TIẾN SĨ

Người trồng hoa lận đận với chính cái nghề mình đã gắn bó trên mảnh đất của cha ông. Tuy nhiên sau tất cả vui buồn, người ta vẫn thấy nông dân Sa Đéc gắn bó với hoa.

Chăm hoa khó hơn chăm con

Đi dọc làng hoa Sa Đéc những ngày cận tết, đâu đâu cũng chỉ thấy hoa. Những giàn cúc mâm xôi hé nụ li ti vàng ươm, những chậu hồng, cát tường, dạ yến thảo đầy màu sắc thay nhau đua nở.

Làng hoa Sa Đéc mùa này như một bản hòa ca của sắc màu. Vườn hoa nào cũng có một tấm biển nhỏ cắm trước vườn với tên chủ vườn kèm số điện thoại bên dưới để dễ dàng liên hệ mua bán.

Năm nay hoa được mùa, được giá nên không khí làng hoa chộn rộn hơn hẳn. Anh Hồ Tiến Sĩ (ngụ xã Tân Khánh Đông) không giấu được vẻ hồ hởi bởi hơn 2.500 giỏ cúc mâm xôi của anh đã được thương lái từ Hà Nội tiêu thụ hết với giá 160.000 đồng/cặp. Mức giá này cao hơn hẳn năm ngoái 20.000 đồng/cặp.

"Nghề trồng hoa tết là bát cơm chính của tui, năm nào cũng chỉ mong hoa tết bán được giá cao. Xã hội sung túc thì người trồng hoa cũng sung túc theo. Năm nay làng hoa được ăn tết lớn" - anh Sĩ chia sẻ.

Hoa đỏng đảnh và khó tính lắm, mình phải biết ý của hoa mà điều chỉnh.

Anh HỒ TIẾN SĨ

Tuy nhiên ít ai biết rằng nghề trồng hoa tết cực hơn chăm con mọn. Để có được những chậu cúc mâm xôi nở đúng dịp tết, người nông dân phải miệt mài ngoài vườn cả sáu tháng trời.

Ngắt chồi, bón phân, tưới nước... canh chỉnh thời gian chính xác đến từng ngày. Rồi chuyện mưa bão, sương muối cũng khiến nông dân phập phồng, lên ruột; chỉ cần hoa nở trễ hoặc sớm là xem như mâm cỗ ngày tết, áo mới cho con cái tiêu tan.

"Hoa đỏng đảnh và khó tính lắm, mình phải biết ý của hoa mà điều chỉnh" - anh Sĩ nói.

Nói về chuyện thăng trầm của nghề, ông Đinh Thanh Hồng (ngụ xã Tân Khánh Đông) vẫn nhớ như in mùa hoa tết năm trước ông trồng hơn 4.000 cây cúc Tiger, tuy nhiên tết đến thì thương lái không thấy tăm hơi đâu.

"Hoa trồng nhiều quá lái không mua hết. Nhiều ông phải cho xe ba gác vào chở đem bán với giá 100.000 đồng/xe. Nhọc công chăm bón mấy tháng trời rồi bán hoa với giá rẻ bèo như vậy thì quá buồn. Đời người trồng hoa phập phù với nhiều cay đắng" - ông Hồng chặc lưỡi...

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 6: Gian nan nghề hoa - Ảnh 4.

Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật vụ hoa tết - Ảnh: T.NHƠN

Chạy xe ba gác, phụ hồ để duy trì nghề

Nghề trồng hoa không phải ai cũng gặp thuận lợi và chỉ có "màu hồng", nhiều người bám lấy nghề hoa vì tình yêu và họ làm nhiều nghề phụ khác để duy trì nghề truyền thống.

Những ngày cuối năm, anh Trần Hoàng Sơn (ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) ngoài việc chăm sóc hoa tết của gia đình vẫn phải đều đặn chạy xe ba gác chở hoa kiểng thuê cho khách. Anh còn chở hàng cù (hoa tết thương lái không mua) đi bán ở các chợ hoa.

Dù chỉ mới 40 tuổi nhưng anh Sơn đã có hơn 20 năm chở hoa bán tết. Anh Sơn là trường hợp điển hình cho trên 1.000 hộ dân trồng hoa nhỏ lẻ ở làng hoa Sa Đéc.

Họ từ chối khi có ai đó gọi họ là "nghệ nhân" bởi họ coi nghề trồng hoa như bao nghề kiếm cơm khác và với họ, ba chữ "nghề truyền thống" là quá đủ cho một quá trình cố gắng gìn giữ nghề của cha ông để lại.

Trong khi đó, anh Trần Văn Hận (ngụ xã Tân Khánh Đông) sau khi chốt giá thành công 2.000 giỏ cúc mâm xôi với thương lái thì chuyển qua đi làm hồ. Nhiều thương lái đến tận vườn của anh hỏi mua hoa tết chỉ nhận được câu trả lời: "Ổng đi phụ hồ mất rồi".

"Năm nay hoa tết thắng lớn, lái chốt giá đặt tiền cọc hết rồi nên mình cũng yên tâm. Mấy công việc như bó hoa, chở hoa đã có lao động chuyên trách lo hết, mấy hôm nay tui đi phụ hồ kiếm thêm tiền lo cho gia đình có cái tết đủ đầy" - anh Hận chia sẻ.

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 6: Gian nan nghề hoa - Ảnh 5.

Hoa tết Sa Đéc chuẩn bị lên xe chở đi muôn nơi - Ảnh: T.NHƠN

Tắm nắng, phơi sương với nghề

Sau nhiều năm trung thành với các giống hoa truyền thống, năm nay anh Trần Hoàng Sơn (ngụ xã Tân Khánh Đông) quyết định chọn thử thách mình với việc trồng cúc Pico, sao băng. Đây đều là các giống hoa mới, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc chuyên biệt.

"Cúc mâm xôi phải chăm vất vả gần sáu tháng trong khi mấy giống hoa tết sau này chỉ chăm sóc chừng ba tháng. Hoa đẹp, dễ tiêu thụ và bán với giá cao ai mà không ham.

Tui vẫn giữ các giống hoa tết truyền thống, chỉ trồng thêm xem thành bại thế nào. Nếu thành công thì năm sau chuyển sang trồng giống công nghệ cao" - anh Sơn cho biết.

Câu chuyện nông dân trồng hoa rồi phải tự tay nhổ bỏ hoa đã không còn lạ lẫm đối với người Sa Đéc.

Có những mùa hoa tết xe hoa vừa đặt chân đến bến đã được sang lại cái vèo, tuy nhiên cũng có những đêm 30 người nông dân tự tay vứt bỏ những chậu hoa mình chăm sóc để trả lại mặt bằng cho thành phố.

"Nghề trồng hoa tết buồn nhiều hơn vui. Có gì đau đớn bằng việc tự tay nhổ bỏ những chậu hoa của mình. Gần nửa năm trời chăm sóc rồi cuối cùng hoa dội chợ, không ai mua thì ruột gan đau như cắt" - bà Nguyễn Ngọc Chiêu (80 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông) nói.

Còn ông Phạm Văn Bá (70 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông) chia sẻ: "Nghề trồng hoa là nghề tắm nắng phơi sương với biết bao vui buồn. Ấy vậy mà không bỏ được, quen rồi".

Dọc bến hoa Sa Đéc những ngày này nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Hàng chục chiếc xe tải đậu dọc tuyến đường, hàng trăm xe ba gác chuyên chở hoa rồi người bó hoa... tạo nên khung cảnh rất nhộn nhịp.

Nhiều người bán hoa hiện nay thích chọn đi theo những chuyến hoa tết chở đến nơi xa như anh nông dân trẻ Nguyễn Thanh Lâm (ngụ xã Tân Khánh Đông). Sau mùa hoa tết thành công tại Phú Quốc (Kiên Giang) năm ngoái, năm nay anh hợp đồng với nhà xe tiếp tục chở hoa đi bán tại huyện đảo này.

"Năm nay giá xe lên quá, chi phí trọn gói khoảng 8 triệu đồng. Xe tải 5 tấn chở được hơn 1.500 giỏ hoa, nếu bán hết cũng lời được chút đỉnh nên mình cứ thử vận may xem sao" - anh Lâm cho biết.

3 triệu giỏ hoa Tết Kỷ Hợi

Theo Phòng kinh tế TP Sa Đéc, diện tích trồng hoa tết tại Sa Đéc khoảng 100ha. Năm nay Sa Đéc cung ứng cho thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 khoảng 3 triệu giỏ hoa các loại như sao băng, cát tường, dạ yến thảo, cúc mâm xôi...

Đặc biệt, năm nay giống cúc Pico cấy mô lần đầu được tung ra thị trường hoa tết với đặc tính nhiều màu sắc và lâu tàn...

Kỳ tới: Thương hồ hoa

THÀNH NHƠN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên