
Muốn chăm sóc phải di chuyển bằng xuồng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Tôi tham quan mấy làng hoa ở Cái Mơn, Mỹ Phong nhưng thấy cách trồng hoa ở Sa Đéc rất độc, lạ. Hình ảnh nông dân chèo xuồng di chuyển giữa những giàn hoa đủ sắc màu tạo cho tôi cảm giác thích thú
Sinh viên Nguyễn Bảo Ngọc (TP.HCM)
Tuy nhiên, việc đưa hoa lên giàn tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) trở thành nét đẹp riêng, không lẫn vào đâu.
Từ câu chuyện mùa lũ
Nếu du khách có dịp ghé ngang các vườn hồng, vườn cúc mâm xôi tại làng hoa Sa Đéc những ngày cận tết chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được tận mắt chứng kiến người nông dân ngồi trên một chiếc thúng nhỏ, hoặc chèo xuồng đi từ đầu vườn đến cuối vườn để chăm sóc những chậu hoa tết đầy màu sắc, đặt ngay ngắn trên giàn. Đây là hình ảnh riêng biệt chỉ có tại làng hoa Sa Đéc.
Ông Hồ Minh Thu (64 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông), có thâm niên hơn 30 năm trồng hoa tết, cho biết từ nhỏ ông đã thấy cha, ông trồng hoa trên giàn. Ngày xưa nông dân Sa Đéc thường tận dụng đồng ruộng hoặc những vùng đất trũng để trồng hoa cung ứng vào mỗi mùa tết.
Mùa trồng hoa tết cũng là mùa con nước lũ tràn đồng ở miền Tây nên nhà vườn ở đây phải đưa hoa lên giàn để chống lại con nước triều cường... Dù hiện nay Nhà nước đã xây dựng đê bao điều tiết lũ nhưng nông dân vẫn giữ thói quen trồng hoa trên giàn.
"Trồng hoa trên giàn là truyền thống trăm năm của cha ông. Người trồng hoa đưa hoa lên giàn cũng là giữ cho hoa được tinh khôi, thuần khiết. Vì vậy làng hoa Sa Đéc trở thành nét nổi bật độc đáo và có sức hút khó cưỡng so với các làng hoa còn lại ở miền Tây" - ông Thu đánh giá.
Theo các bậc lão niên tại làng hoa Sa Đéc, do địa thế thành phố Sa Đéc nằm cạnh sông Tiền nên vào mùa lũ, nước thường đe dọa làng hoa. Bởi vậy việc đưa hoa lên giàn là vô cùng cần thiết, không chỉ giúp hoa chống hư hỏng mà còn giữ cho hoa sạch, không lấm lem bùn đất.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (70 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông) vẫn còn nhớ như in những mùa hoa chạy lũ ngày xưa. Dòng nước ngày đó nhiều khi mấp mé, cách giàn chừng 0,5m. Nhiều đợt triều cường kết hợp với lũ lớn, nhà vườn phải đổ mồ hôi chống lũ.
"Trồng hoa tết ngày xưa chua dữ lắm, đâu có ngon ăn như giờ. Mấy ông trồng cúc mâm xôi là cực nhất, từ khi xuống giống đến lúc bán được cũng tầm 5, 6 tháng. Bởi vậy mấy ổng toàn ở ngoài đồng nước, ăn uống ngủ nghỉ quanh năm ngoài đó. Hoa tết là chén cơm của gia đình, bởi vậy đâu ai dám bỏ" - ông Mạnh nhớ lại.

Việc đưa hoa lên giàn trở thành nét đặc trưng của làng hoa Sa Đéc - Ảnh: THÀNH NHƠN
Tiện tưới tiêu, hạn chế sâu bệnh
Đẩy chiếc xuồng nhôm tự chế di chuyển nhẹ nhàng giữa các luống hoa trên giàn, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường An Hòa) cắt tỉa hoa hồng đợt cuối để hoa nở đúng vào dịp tết. Dù khu vực trồng hoa của anh ở gần trung tâm thành phố nhưng anh vẫn chủ động cho nước vào ngập vườn.
Thấy du khách trầm trồ, thắc mắc, anh Hùng vui vẻ giải thích: "Hoa hồng rất mẫn cảm với sâu bệnh, nào là thán thư, khô cành, bọ trĩ, đốm lá. Thấy vậy nhà vườn mới nghĩ ra cách làm giàn, đưa nước vào ruộng hoa để hạn chế cỏ dại vì không có cỏ thì cũng ít sâu bệnh. Ngoài ra, khi mình phun xịt thuốc thì mấy con rầy lửa, nhện đỏ rớt xuống dòng nước cũng chết, chứ không nó sống hoài".
Cũng theo anh Hùng, người trồng hoa tết tận dụng nguồn nước dưới ruộng để tưới cho hoa kiểng. Do đó việc để nước vào ruộng và đưa hoa lên giàn có nhiều lợi ích. Còn theo anh Huỳnh Văn Hoàng, nông dân chuyên trồng cúc mâm xôi nhiều năm nay, việc đưa cúc mâm xôi lên giàn có nhiều ưu điểm. Ngoài hạn chế sâu bệnh thì bộ rễ thoáng, cây không bị úng nước.
"Cây bị thối rễ nhà vườn chỉ có nước đem vứt. Nhà vườn nào trồng ít cũng hơn 1.000 giỏ, thử hỏi không có giàn thì lao động đâu mà kiểm soát hết độ ẩm cho từng giỏ hoa" - anh Hoàng giãi bày.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết việc đưa hoa lên giàn sẽ phần nào tiêu diệt được mầm bệnh cho cây trồng, nhất là sâu nhộng.
Nước phía dưới giàn sẽ diệt trừ cỏ dại, từ đó hạn chế côn trùng gây hại cho hoa. Ngày nay với những vùng đất cao, nông dân tại làng hoa vẫn lên giàn để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết trong tương lai, nhà vườn có thể áp dụng cách làm mới giữ cây khỏe mạnh mà không cần phải lên giàn.
"Với những nền cao có thể dùng bạt địa chất phủ trên mặt rồi sau đó trồng trực tiếp. Cây vẫn phát triển tốt, không ảnh hưởng đến phẩm chất hoa. Ngoài ra nông dân còn tiện chăm sóc, giảm chi phí sản xuất" - ông Hùng khuyến cáo.
Giàn truyền thống lâm nguy
Anh Hồ Tiến Sĩ (32 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông) là một trong những nông dân trẻ hiếm hoi tại làng hoa Sa Đéc còn duy trì việc sử dụng giàn tre. Nói là trẻ nhưng anh cũng đã có thâm niên hơn 15 năm trồng hoa tết.
Tất bật chăm sóc gần 2.500 giỏ cúc mâm xôi đang cư ngụ trên cao nhưng anh vẫn không quên gia cố giàn để ứng phó với cơn bão số 1 những ngày đầu năm 2019. "Chắc năm sau phải đổi sang giàn bằng ống nước, kẽm cho hợp thời và đỡ tốn chi phí, chứ làm giàn tre cực quá" - anh Sĩ quệt mồ hôi chia sẻ.
Theo anh Sĩ, do giàn tre có thời gian sử dụng ngắn nên nhà vườn phải kiểm tra, gia cố thường xuyên những đoạn hư hỏng. Ngoài ra, trước những đợt bão, người trồng hoa cũng phập phồng vì sợ giàn có thể sập bất cứ lúc nào.
Hiện đa phần các nông dân trẻ tại làng hoa đều đã chuyển sang giàn kim loại, vừa tiết kiệm chi phí vừa có độ bền cao so với giàn truyền thống. Chỉ một số ít nông dân còn lưu luyến với giàn tre, hoặc chưa có đủ điều kiện để làm giàn kim loại mới gắn bó với loại giàn truyền thống này.
80% làm giàn kim loại
Theo tính toán của nông dân, để xây dựng giàn hoa bằng trụ bêtông, thanh kim loại cho 1.000 giỏ hoa thì chi phí bỏ ra khoảng 3 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với giàn bằng tre, trúc truyền thống. Tuy nhiên, giàn kim loại có thể sử dụng được 5 năm trong khi giàn tre, trúc chỉ có thể sử dụng tối đa được 1-2 năm. Ước tính hiện có khoảng 80% số hộ trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc chuyển qua giàn kim loại.
________________________
Kỳ tới: Gian nan nghề hoa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận