25/05/2019 10:10 GMT+7

Thắng lợi của 'người bán trà' Modi

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Cuối cùng, cuộc bầu cử lớn nhất thế giới kéo dài hơn một tháng đã khép lại với thắng lợi của 'người bán trà' Narendra Modi, như cách ông vẫn thường tự gọi xuất thân của mình để đối nghịch với giới tinh hoa Ấn Độ.

Thắng lợi của người bán trà Modi - Ảnh 1.

Thủ tướng Narendra Modi chào người ủng hộ trong một chiến dịch tranh cử ở thủ đô New Delhi ngày 8-5 - Ảnh: Reuters

Với việc giành hơn 300 ghế trong 543 ghế tại Quốc hội, ông Modi càng củng cố hơn vị thế để theo đuổi các mục tiêu của mình trong 5 năm tới.

“Những nông dân chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn bỏ phiếu cho BJP vì không có lựa chọn nào tốt hơn.

Một nông dân Ấn Độ (đại diện lực lượng cử tri chiếm đa số tại Ấn Độ)

Bảo đảm kinh tế và an ninh

Cương lĩnh của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do ông Modi lãnh đạo cam kết sẽ "tạo ra sự giàu có và đảm bảo phúc lợi" cho hơn 1,3 tỉ người dân Ấn Độ, hứa hẹn mang đến một tương lai tươi sáng với việc đưa Ấn Độ "từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển" vào dịp kỷ niệm 100 năm lập nước năm 2047.

Riêng cá nhân Thủ tướng Modi, trong 5 năm cầm quyền của mình, với nhiều hành động thể hiện là một nhà lãnh đạo quyết đoán qua việc đánh trả Pakistan, đương đầu với Trung Quốc và thiết lập quan hệ gần gũi với Mỹ đã tạo dựng chỗ đứng đối với nhiều cử tri Ấn Độ, nhất là các cử tri Hindu xem ông như nhà lãnh đạo duy nhất có thể làm gia tăng vị thế của Ấn Độ trên thế giới.

Dù là một đất nước đa dạng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giai tầng... nhưng có hai vấn đề chung làm người Ấn Độ quan tâm trong cuộc bầu cử này là "kinh tế" và "an ninh". Ông Modi đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh của một nhà "cải cách kinh tế", nhưng cũng đồng thời là một "người hùng an ninh" trong con mắt cử tri.

Kinh tế Ấn Độ trong 5 năm qua dưới thời ông Modi đã đạt được những kết quả khá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% năm, con số đáng mơ ước. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Modi đã để lại một loạt kết quả như việc xây dựng hàng chục triệu nhà vệ sinh mới cho người dân, cắt bỏ nhiều thủ tục nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn như đường bộ và bắt tay vào giải quyết vấn đề y tế cho người nghèo...

Dù nhiều lời hứa hẹn chưa hoàn thành và nhiều chính sách gây bất mãn, nhất là sự kiện đổi tiền năm 2016, nhưng trong chính trường Ấn Độ hiện nay không có gương mặt nào đủ sức thuyết phục cử tri hơn ông Modi.

Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề an ninh - nhất là những tranh chấp với Pakistan - cũng là vấn đề quyết định thành bại trong các cuộc bầu cử ở Ấn Độ. Không chỉ thiên thời mà còn địa lợi, ông Modi dường như rất may mắn nhưng cũng rất khôn khéo tranh thủ các cơ hội để chứng tỏ vị thế của một nhà lãnh đạo "quyết đoán" và "cứng rắn" của mình.

Hai tháng trước bầu cử, vào thời điểm vị thế của BJP khá bấp bênh, vụ tấn công khủng bố ngày 14-2 đã trao cho Thủ tướng Modi cơ hội khẳng định mình. Ngay sau khi 40 binh sĩ Ấn Độ bị lực lượng Jaish-e-Muhammad từ Pakistan giết hại, ông Modi đã ngay lập tức ra lệnh không kích lãnh thổ Pakistan. 

Dù trong đợt không kích này một máy bay của Ấn Độ bị bắn hạ, nhưng quyết định tấn công Pakistan chừng đó cũng đủ để ông Modi thuyết phục các cử tri Ấn Độ, nhất là các cử tri còn do dự.

Thách thức phía trước

Với thắng lợi trong cuộc bầu cử này, ông Modi sẽ trở thành nhà lãnh đạo của đất nước đông dân nhất thế giới, khi mà dân số Ấn Độ được dự báo vượt Trung Quốc trong 2-3 năm tới. Ông Modi bước vào nhiệm kỳ 2 mà không sợ có sự đối kháng đáng kể nào trong Quốc hội để theo đuổi những mục tiêu của mình. Nhưng những thách thức đối với ông cũng không nhỏ.

Kinh tế Ấn Độ dù tăng trưởng vào tốp nhanh nhất thế giới, nhưng như thế vẫn là chưa đủ cho hơn 1,3 tỉ người Ấn Độ. Mỗi tháng có hơn 500.000 người Ấn Độ bước vào tuổi lao động, tương đương với 6 triệu người mỗi năm, trong khi dù cố gắng cũng chỉ có 4,5 triệu việc làm được tạo ra mỗi năm trong nhiệm kỳ trước của ông Modi. 

Trong năm 2018 có 19 triệu người đã đăng ký cho 63.000 vị trí việc làm trong Cơ quan Đường sắt quốc gia, hoặc 200.000 ứng cử viên đăng ký cho hơn 1.100 vị trí trong lực lượng cảnh sát thành phố Mumbai.

Về an ninh, chính sách cứng rắn của ông Modi cũng làm nhiều người lo ngại về khả năng có thể xử lý hài hòa căng thẳng với nước láng giềng Pakistan; viễn cảnh về một cuộc chiến giữa hai quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân là điều khiến nhiều nước bên ngoài lo sợ. 

Đồng thời, sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc Hindu dưới thời ông Modi cũng đe dọa làm gia tăng khả năng bất ổn, mâu thuẫn giữa người Hindu với người Hồi giáo và các dân tộc thiểu số khác ở Ấn Độ.

Nhưng dù thế nào, kết quả cuộc bầu cử năm 2019 đã đặt ông Modi vào vị thế người cầm lái đất nước đông dân nhất thế giới tại thời điểm chuyển đổi quan trọng. Thành công hay thất bại của ông Modi trong 5 năm tới sẽ quyết định đến việc "con voi" Ấn Độ có thể trỗi dậy hay không.

1/5 dân số thế giới đi bầu

Ông chủ tịch Ủy ban bầu cử của Ấn Độ không quá lời khi nói rằng "chúng tôi phải tổ chức cho gần 1/5 dân số thế giới đi bầu cử". Cuộc bầu cử ở Ấn Độ thường được ví như "siêu bầu cử" do quy mô và tính chất phức tạp của nó.

Với hơn 900 triệu cử tri trong tổng số hơn 1,34 tỉ người, bầu cử ở Ấn Độ được xem là cuộc bầu cử lớn nhất thế giới. Riêng con số cử tri hơn 84 triệu tăng hơn trong cuộc bầu cử lần này so với năm 2014 đã tương đương dân số của cả nước Đức.

Hơn thế nữa, đây còn là cuộc bầu cử phức tạp nhất với hơn 9.000 ứng cử viên để chọn ra 543 nghị sĩ, kéo dài hơn một tháng từ ngày 11-4 đến 19-5 tại hơn 1 triệu địa điểm bỏ phiếu. Đồng thời đây còn là cuộc bầu cử tốn kém nhất, với tổng số tiền các đảng phái đã bỏ ra lên đến gần 7 tỉ usd.

Narendra Modi: từ người bán trà đến ghế thủ tướng Narendra Modi: từ người bán trà đến ghế thủ tướng

TT - Hàng trăm người ủng hộ đã vây quanh ông Narendra Modi khi ông đến New Delhi sau chiến thắng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) hôm 16-5.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên