06/02/2021 11:17 GMT+7

Tháng chạp thành kính tâm thức Việt

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Hôm nay là ngày 25 tháng chạp - ngày tảo mộ theo phong tục của người Việt nhiều nơi trên khắp đất nước. Nói theo ngôn ngữ của người miền Trung là ngày 'chạp mộ'.

Năm nay, tiết lập xuân nhằm 23 tháng chạp, nên khí trời cũng đã chuyển ấm, không còn cái lạnh tê tái do những luồng khí giá rét từ phương bắc tràn về. 

Trong hơi ấm lập xuân, người Việt ba miền đang mang hoa trái, hương đèn và tấm lòng thành kính đến nghĩa trang để quét dọn mồ mả của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân.

Lễ tảo mộ ngày giáp tết là một phong tục thiêng liêng và ấm áp của người Việt, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và tình yêu thương với người đã khuất. 

Với quan niệm thật đơn sơ mà sâu sắc, rằng ngôi nhà của mình cần dọn dẹp tinh tươm để ăn tết thì ngôi nhà của ông bà, cha mẹ cũng cần quét tước sạch sẽ để đón xuân. 

Bởi vậy, sau khi thực thi xong việc thiêng liêng này, người ta cảm thấy thanh thản và ấm lòng để trở về nhà chuẩn bị đón năm mới.

Nếu ở Trung Quốc, lễ tảo mộ diễn ra vào tiết thanh minh nhằm đầu tháng ba âm lịch, thì lễ tảo mộ ở Việt Nam diễn ra trong tháng chạp. 

Trong bài báo đăng trên Tuổi Trẻ ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, TS Hồ Tường đã nhận định: "Việc tảo mộ dịp thanh minh là phong tục của người Hoa, còn tảo mộ cuối năm mới chính gốc của người Việt".

Các nhà nghiên cứu cho biết chữ "chạp" trong tiếng Việt là biến âm của chữ "lạp" trong "lạp nguyệt" của chữ Hán. Người Trung Quốc gọi tháng cuối năm là "lạp nguyệt" - tháng cúng tế thần linh. Người Việt đã tiếp nhận "lạp nguyệt" và biến thành "tháng chạp". 

Và tiếp đó, danh từ "lạp" trong Hán tự đã thành động từ "chạp" trong tiếng Việt: chạp mồ chạp mả. Người ở Bắc Bộ đi chạp mộ từ sau ngày 20, người Nam Bộ chạp mộ từ ngày 25, nhưng đều trong tháng chạp. 

Ở Huế thì người ta chạp mộ từ đầu tháng chạp và ngày đầu năm (mùng 1 tết) thì đi viếng mộ ông bà, cha mẹ, gọi là "thăm mộ". Nghi thức và lễ vật mỗi nơi mỗi khác, nhưng đều chung nhau ở tấm lòng thành. Lòng thành với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và với cả đất trời.

Trong cuộc giao thoa, tiếp biến văn hóa với Trung Quốc, người Việt đã tiếp nhận một nghi thức đón năm mới - một lễ hội đặc sắc nhất trong năm - đó là "tiết nguyên đán" và biến thành ngày "tết" đậm đà hương sắc Việt. Và "tháng chạp" là một tiếp biến giản dị của "lạp nguyệt".

Chợt nhớ những lời bàn luận thật sâu sắc từ một thế kỷ trước của học giả Phan Kế Bính, trong cuốn Việt Nam phong tục - sách kinh điển về phong tục, tập quán của người Việt. 

Khi "xét về các ngày ăn tết của ta", học giả Phan Kế Bính khuyên người Việt nên tiếp nhận một cách chủ động, không chỉ tinh hoa lễ tết của phương Đông mà cả cách vui chơi hội hè của phương Tây. 

Tránh mê muội bởi những chuyện huyền hoặc, cũng đừng ăn chơi lôi thôi, vừa tốn tiền vừa phí cả thì giờ. "Nhân tuần này tiết nọ, bày ra cách ăn tết, trước là đem lòng thành kính, thờ phụng tổ tiên, sau là được một ngày nhàn nhã, cầm chén rượu mà yên úy tinh thần". 

Hội hè tết nhứt là "để ghi lấy sự hay và làm cho quốc dân phấn khởi tinh thần, chớ không phải một vị ăn chơi mà thôi".

Tục tảo mộ trong tâm thức người Việt Tục tảo mộ trong tâm thức người Việt

Hàng năm, cứ vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp là nhiều gia đình người Việt đi tảo mộ. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên