
Giới chuyên gia cảnh báo rào cản kỹ thuật và chứng nhận quốc tế vẫn là những thách thức lớn với COMAC - Ảnh: XINHUA
Giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khi Mỹ áp thuế 125% lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã có động thái đáp trả mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng không.
Theo trang Sina Finance, chỉ trong ba ngày từ 19 đến 21-4, Trung Quốc trả lại hai chiếc Boeing 737 MAX về Seattle và yêu cầu các hãng hàng không nội địa tạm ngưng tiếp nhận máy bay và linh kiện từ Mỹ. Động thái này không chỉ mang tính phản ứng thương mại mà còn là biểu tượng cho chiến lược "tự chủ hàng không" của Trung Quốc.
Tham vọng thế chân vạc
Theo số liệu từ trang Sohu ngày 20-4, COMAC đã nhận được hơn 1.500 đơn đặt hàng cho dòng máy bay thân hẹp C919. Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc đã đưa C919 vào khai thác trên nhiều tuyến bay nội địa, với China Eastern sở hữu 10 máy bay, Air China và China Southern mỗi hãng 3 máy bay.
Chiến lược tiếp cận thị trường của COMAC được mô tả theo mô hình "từ biên sang trung tâm", bắt đầu từ những quốc gia lân cận như Việt Nam, Indonesia, Lào và Malaysia, trước khi tiến vào sân chơi của các ông lớn Boeing và Airbus.
Phương thức "thuê ướt" (thuê cả máy bay và phi hành đoàn) đang được áp dụng nhằm tăng số giờ bay tích lũy - điều kiện cần thiết để xin chứng nhận quốc tế, đồng thời xây dựng niềm tin từ thị trường.
Theo trang The Paper, từ năm 2023 COMAC đã công bố chiến lược phát triển ba giai đoạn: gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn vào năm 2021, trở thành hãng sản xuất hàng đầu vào năm 2035, và đến giữa thế kỷ 21 hình thành thế chân vạc với Boeing và Airbus.
Để hiện thực hóa chiến lược này, COMAC lên kế hoạch tăng sản lượng máy bay C919 từ 50 chiếc trong năm 2024 lên 100 chiếc vào năm 2025, 150 chiếc vào năm 2027 và đạt 200 chiếc/năm từ năm 2029 - tăng 33% so với chỉ tiêu trước đây.
Tuy nhiên, tham vọng này đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề động cơ, mạng lưới hậu mãi và chứng nhận an toàn.
Phụ thuộc công nghệ phương Tây
Mặc dù mang nhãn "Made in China", C919 vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ phương Tây. Trên tờ Wall Street Journal ngày 18-4, chuyên gia Scott Kennedy từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết trong 82 nhà cung cấp chính của C919, chỉ có 14 công ty Trung Quốc, và một nửa trong số đó là liên doanh.
Tỉ lệ nội địa hóa của C919 hiện mới chỉ đạt hơn 60%, với các hệ thống then chốt như buồng lái và đặc biệt là động cơ vẫn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.
Động cơ LEAP-1C, sản phẩm của liên doanh Mỹ - Pháp CFM International, hiện vẫn là "trái tim" của C919. Dù Trung Quốc đang phát triển động cơ nội địa CJ-1000A để thay thế, nhưng tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Tương tự, hệ thống buồng lái vẫn sử dụng nhiều linh kiện từ Honeywell (Mỹ).
COMAC đang nỗ lực chuyển đổi sang hệ thống ACEC-100 tích hợp chip Loongson 3A5000, nhưng phải đến năm 2028 mới có thể thay thế linh kiện Mỹ ở quy mô hệ thống, theo trang thông tin tài chính Eastmoney.
Chiến lược tự chủ hàng không của Trung Quốc hiện đối mặt với rủi ro lớn nếu Mỹ hoặc châu Âu siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ, ảnh hưởng đến nguồn cung linh kiện. Trang Eastmoney ngày 17-4 cảnh báo nếu không làm chủ công nghệ động cơ, COMAC có thể bị đẩy vào thế bị động, chậm tiến độ hoặc buộc phải tạm ngừng sản xuất dù có sẵn đơn hàng.
Để đối phó với các rủi ro này, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa toàn diện, từ động cơ, vật liệu đến điện tử hàng không. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn Phát triển động cơ hàng không Trung Quốc (AECC) và COMAC đã bắt đầu thiết lập hệ sinh thái sản xuất riêng.
Giám đốc Trung tâm Thẩm định hàng không dân dụng Thượng Hải, ông Cố Tân chia sẻ với tạp chí kinh tế Caijing ngày 17-4 rằng COMAC hiện đang làm việc với Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) để đạt chứng nhận vào năm 2025. Đây được xem là "giấy thông hành" then chốt giúp C919 tiến vào các thị trường phát triển, nhưng cũng là rào cản kỹ thuật không dễ vượt qua.
Một thách thức khác của COMAC là mạng lưới bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế chưa được triển khai rộng rãi. Trong khi Boeing và Airbus có hệ thống bảo trì trải khắp 190 quốc gia, COMAC mới chỉ hiện diện tại khoảng 12 quốc gia. Điều này khiến nhiều hãng hàng không còn e ngại khi đưa C919 vào khai thác, nhất là tại các thị trường có yêu cầu bảo trì liên tục và chặt chẽ.
Triển vọng và thách thức với COMAC
Tham vọng tạo thế chân vạc với Boeing và Airbus cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược phát triển ngành hàng không dân dụng tự chủ. Tuy nhiên công nghệ động cơ, khả năng đạt tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống hậu mãi vẫn là những điểm nghẽn cần được giải quyết. Vượt qua được những thách thức này là điều kiện tiên quyết để C919 và các mẫu máy bay chiến lược khác của COMAC có thể bước đầu cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận